Seatimes – “Đại dịch COVID-19 cũng đồng thời làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu hướng du lịch mới. Các nước trên thế giới, nhất là trong khu vực ASEAN đều tập trung những giải pháp ưu tiên phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng trở lại của ngành du lịch. Vì vậy, Du lịch Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh sản phẩm dịch vụ du lịch trong thu hút thị trường khách nước ngoài”, Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Chiều nay (27/12) tại Đà Nẵng, đã diễn ra Hội thảo “Hợp tác Hàng không – Du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu”, do Báo Văn hóa, cơ quan ngôn luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tổ chức.
Ban tổ chức nhấn mạnh: Đây là dịp chúng ta nhìn nhận bức tranh tổng thể của Ngành Du lịch – Hàng không của Việt Nam và thế giới trong những năm qua, dự báo về cơ hội và thách thức trong thời gian tới, từ đó đưa ra giải pháp từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không trong nước, kịp thời đón bắt bước hồi phục của thị trường, hướng tới thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.
Hội thảo cũng là cơ hội quý, để các đại diện cơ quan, bộ, ban ngành gặp gỡ, thảo luận để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật cho ngành du lịch trước những cơ hội lớn sắp tới. Tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, cùng với đó là tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hoá gây tổn hại tới các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước trong mắt khách du lịch quốc tế.
Từ diễn đàn mở của hội thảo, sẽ có nhiều tiếng nói, quan điểm của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm. Qua đó, chúng ta từng bước hoàn thiện các cơ sở pháp lý, đề xuất các chính sách phù hợp, cắt giảm bớt những quy trình thủ tục rườm ra, phức tạp nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ cùng phát triển”.
Phát biểu tại sự kiện, bà Ngô Thị Kim Yến – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm vóc hội thảo: “Có thể nói hàng không chính là cầu nối rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, giúp các điểm đến trở nên gần hơn, thuận lợi hơn với cộng đồng trong phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại và gia tăng lượng khách du lịch tới các điểm đến. Nhờ vào sự phối hợp tích cực của các hãng hàng không trong việc xúc tiến các đường bay quốc tế mới, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường hàng không tăng trưởng rõ rệt qua từng năm, và các hoạt động giao thương diễn ra sôi nổi, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp các nước.
Do đó, Hội thảo “Hợp tác hàng không – du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu” hôm nay là một cơ hội để cùng nhìn nhận về bức tranh tổng thể của hàng không và du lịch Việt Nam trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, từ đó đánh giá chính xác cơ hội, thách thức và đề ra các giải pháp để khôi phục và phát triển ngành du lịch và hàng không trong những năm tới”.
Du lịch Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt
Theo Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và phối hợp của các Bộ, ngành cũng như nỗ lực toàn ngành Du lịch, sau khi chính thức mở cửa (từ ngày 15/3/2022), thị trường du lịch Việt Nam đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa, toàn ngành ước đón 101,3 triệu lượt khách năm 2022. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cả nước ước đón 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến, chỉ đạt trên 70% so với kế hoạch.
Có một số nguyên nhân dẫn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Về khách quan: Thời gian mở cửa đến nay chưa phải mùa du lịch quốc tế (cao điểm đón khách du lịch quốc tế thường từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm); xung đột Nga – Ucraina đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam – Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam; chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau. Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch, nhất là Trung Quốc theo đuổi chính sách ‘‘không COVID’’.
Còn theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, một trong những lý do ảnh hưởng đến sự hồi phục của hàng không và du lịch quốc tế trong năm 2022 chính là vấn đề kinh tế. Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, kinh tế thế giới lại đối mặt với khủng hoảng do xung đột Nga-Ukraine, gây ra những hậu quả tiêu cực đối với kinh tế của nhiều quốc gia, khiến lạm phát tăng cao và thu nhập của người dân bị tác động lớn, do vậy, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu không cần thiết trong đó có nhu cầu du lịch quốc tế.
Điều này cũng tác động không nhỏ đến việc phục hồi thị trường hàng không quốc tế Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục du lịch, đã gần hết năm 2022, Việt Nam đón được chưa tới 3 triệu lượt khách quốc tế, chưa đạt 60% so với mục tiêu 5 triệu khách và ngoài thị trường Ấn Độ là đạt trên 100 nghìn khách thì các thị trường lớn khác như Anh, Pháp, Bắc Mỹ, Nhật bản, Đài Loan thì chưa thị trường nào đạt 100 nghìn khách.
Trăn trở tiếng nói từ chính “Người làm du lịch”
“Về chủ quan, Du lịch Việt Nam hiện đang cần những cơ chế, chính sách đột phá hơn liên quan đến thủ tục nhập cảnh, thị thực; kết nối vận tải-hàng không, đường bộ; quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch; chính sách an sinh xã hội, tín dụng và các chính sách giảm giá điện, đất…; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh trên địa bàn bàn tỉnh, thành phố”, đại diện Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.
Còn theo đại diện Vietravel, trong khi Thái Lan miễn thị thực cho công dân của 65 quốc gia, thời gian miễn từ 30-45 ngày, trong một số trường hợp kéo dài đến 90 ngày, thì chính sách visa của Việt Nam vẫn chưa thật sự mở, các nước (theo quy định) được miễn visa, thì cũng chỉ được miễn visa trong 15 ngày.
Và tại hội thảo, Cục Hàng không Việt Nam, đã chính thức đề nghị Chính phủ xem xét các quy định đối với visa cho khách du lịch quốc tế theo hướng nới lỏng (tăng thời hạn lưu trú và mở rộng phạm vi các quốc gia được miễn visa nhập cảnh Việt Nam).
Một bất cập khác: Khách đến Việt Nam được yêu cầu phải đi theo đoàn, hoặc đi theo tour, trong khi xu hướng sau dịch là khách đi cá nhân, gia đình hoặc nhóm nhỏ. Muốn vậy, khách phải nộp khoảng phí xin visa cho các công ty bảo lãnh, từ đó chi phí xin visa (vào Việt Nam) cao. Tương tự, giá dịch vụ tại Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan khoảng 30%, do doanh nghiệp du lịch vẫn chưa tiếp cận các gói hỗ trợ về tín dụng, nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh, và các đơn vị buột phải tăng giá, …
Bên cạnh đó, trong lúc các “thị trường nguồn”, được xem là “thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam” chưa hoặc mới mở cửa, cần thời gian mới kịp khôi phục (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), thì ngành Du lịch Việt Nam lại chưa có chính sách ưu tiên để phát triển các thị trường thay thế (Malaysia, Ấn Độ, Trung Đông). Việt Nam chúng ta công bố chính sách mở cửa du lịch từ 15/3/2022, sớm hơn một số nước trong khu vực nhưng kết quả thấp hơn. Thái Lan đã và đang làm rất tốt công tác thị trường. Và từ đó đến nay, chúng ta vẫn chưa rà soát, đánh giá hiệu quả để kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với sự thay đổi không ngừng của bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội thế giới.
Chuyên gia phân tích: Chúng ta có nhiều tiêu chí đạt điểm số thấp
Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn thấp và chi tiêu còn ít, là một thực tế. Cơ cấu sản phẩm du lịch Việt Nam chưa đa dạng, cộng thêm nhiều yếu tố khác, khiến hệ số lan tỏa du lịch chúng ta thấp hơn bình quân khu vực và thế giới. Trong đó có đến 6 lĩnh vực, chúng ta có điểm số thấp (theo xếp hạng của WEF 2019. Đó là tính bền vững về môi trường du lịch (1); Hạ tầng dịch vụ du lịch (2); Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (nhất là ngân sách, 3); Vệ sinh và y tế (4); Hạ tầng đường bộ và cảng (5); Mức độ sẵn sàng về CNTT, viễn thông trong du lịch (6). Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn “hụt hẫng” cả về chất lượng, lẫn số lượng nhân viên du lịch.
Đã đến lúc, chúng ta phải xem rằng, việc tăng trải nghiệm cho du khách (từ sản phẩm, chất lượng của dịch vụ rồi tính an toàn của địa điểm du lịch, cho đến trải nghiệm trên nền tảng số như một nhu cầu ở mức tối thiểu phải có. Chúng ta phải tạo nên chuỗi sản phẩm khác lạ từ liên kết đa dạng các sản phẩm du lịch có liên quan với nhau. Ví dụ nhóm sản phẩm dành cho du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái; du lịch chăm sóc sức khỏe, nghĩ dưỡng, du lịch kết hợp làm việc từ xa….Mỗi địa phương đều có thể tham gia vào chuỗi nhờ phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, thành phố mình phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch và bản sắc văn hóa. Cái yếu dễ thấy là du lịch luôn có mối liên kết với nhiều ngành kinh tế, địa phương; nhưng Việt Nam chúng ta lại chưa có tổ chức quản lý phát triển liên ngành, liên kết vùng để tăng tính lan tỏa, phối hợp. Do vậy, sản phẩm du lịch Việt Nam chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo: các sản phẩm du lịch sau dịch bệnh (nhất là gắn với du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, kết hợp làm việc từ xa…) còn hạn chế.
Về chủ trương, cơ chế, chính sách, rõ ràng chúng ta phải tiếp tục mở cửa du lịch quốc tế an toàn, nhưng muốn thành công phải sớm thay đổi chính sách và thủ tục xin visa, y tế…cho phù hợp, tạo sức cạnh tranh. Phải sớm có có hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp du lịch dịch vụ về “Chương trình phát triển du lịch bối cảnh mới; nhất là các vấn đề liên quan đến y tế, sức khỏe, an toàn, tiện lợi…”.
Liên minh bền vững “Du lịch và Hàng không” tạo đòn bẫy cho kinh tế du lịch
Theo Lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam : “Du lịch và Hàng không có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển của cả hai bên. Với các hoạt động hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, Tổng cục Du lịch và các hãng hàng không đã cùng phối hợp tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước ở trong và ngoài nước. Hợp tác giữa du lịch và hàng không tạo cơ hội đi lại, du lịch thuận tiện cho du khách Việt Nam và quốc tế.
Trong suốt thời gian ứng phó với dịch COVID-19, ngành hàng không đã luôn thực hiện các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch, không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho khách du lịch mà còn tạo thương hiệu, hình ảnh quốc gia, thể hiện “sức mạnh mềm” của đất nước.
Đồng thời, ngành hàng không và du lịch đã phối hợp rất chặt chẽ để tìm ra các giải pháp khôi phục ngành, bao gồm nghiên cứu phối hợp xây dựng lộ trình mở cửa du lịch tương ứng với mở đường bay thương mại quốc tế cũng như thống nhất chính sách đối với khách du lịch giữa ngành du lịch và ngành hàng không để tạo thuận lợi cho khách du lịch và doanh nghiệp.
Việc phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ hàng không – du lịch hậu COVID-19 không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa, bảo đảm công bằng về cơ hội phát triển giữa các vùng…mà còn tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, nhất là các ngành dịch vụ liên quan, khôi phục việc làm cho người lao động.
Và để đạt mục tiêu ngành Du lịch đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, vai trò của hàng không là rất lớn.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh rằng, Hàng không và Du lịch tiếp tục ‘’bắt tay’’ để đầu tư, xây dựng các gói sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác, làm mới dòng sản phẩm du lịch chủ đạo: (1) Du lịch biển, đảo; (2) du lịch văn hóa (bao gồm ẩm thực và di sản); (3) du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và (4) du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE). Trong đó, sản phẩm du lịch biển đảo đã được định hình rõ nét hơn với việc hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một số sản phẩm bổ trợ cũng được quan tâm phát triển: du lịch thể thao, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch mạo hiểm…(5) Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng cần được quan tâm, đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Trong đó, sẽ tập trung triển khai thật tốt Chiến dịch xúc tiến, quảng bá ‘’Live fully in Viet Nam (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) mang lại những hoạt động du lịch – hàng không an toàn và trải nghiệm trọn vẹn tới du khách.
Hai ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp hàng không và du lịch nhanh chóng khắc phục hậu quả do COVID-19 để lại, sớm phục hồi và phát triển. Đề xuất các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch và trực tiếp tổ chức các hoạt động quảng bá về Việt Nam để giúp ngành hàng không, du lịch thu hút thêm khách quốc tế, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế, đầu tư phát triển kinh tế nói chung, nhằm phát triển ngành hàng không Việt Nam, đặc biệt là trong việc mở rộng chuỗi cung ứng của ngành.
Theo Ban tổ chức hội thảo, hợp tác ngành hàng không và du lịch hướng đến một liên minh bền vững, dẫn dắt và tác động đến các đơn vị của cả hai Ngành, sẽ vô cùng có ý nghĩa.
Bởi hiện nay, du khách quan tâm hơn đến yếu tố an toàn và tốt cho sức khoẻ, điều kiện y tế của điểm đến khi đi du lịch, đồng thời chú ý đến việc mua bảo hiểm du lịch và xem xét các chính sách hoãn hủy chuyến (bay) do đại dịch.
Các sản phẩm du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch sinh thái được tìm hiểu nhiều hơn, khách du lịch có xu hướng lựa chọn các khu vực ngoài trời, thông thoáng khi đi nghỉ dưỡng. Các sản phẩm du lịch ẩm thực được chứng nhận tốt cho sức khoẻ, sử dụng nguyên liệu hữu cơ cũng trở thành lựa chọn phổ biến hơn.Bên cạnh các xu hướng trên là sự trở lại và thay đổi của du lịch công vụ; Sự nổi lên của các điểm đến mới; Xu hướng khám phá lại du lịch nội địa và xu hướng khách du lịch trẻ đang ngày một tăng đặt ra yêu cầu mới đối với đội ngũ lao động trong cả 2 ngành ./.
T.Ngọc/theo TCĐNA