Tiết kiệm không xấu, nhưng khi đi kèm với ý thức kém, nó lại làm xấu hình ảnh du khách Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
Những bãi rác sau một chuyến du hành
Chiếc xe chở những du khách người Việt đổ xịch trước cửa một khách sạn ở Hàn Quốc. Sau khi hành khách lục tục đi xuống thì bác tài quay hướng nhìn về phía một chiếc ghế hàng đầu, phát ra một tràng âm thanh. Dĩ nhiên đoàn khách người Việt không thể hiểu ông đang nói gì, nhưng nhìn biểu cảm có thể đoán ông đang bực mình.
“Ai đó đã để nhiều mẩu bánh mỳ và vỏ cam lại trên ghế”, người phiên dịch nói.
Trưởng đoàn tiến đến và nhanh chóng phát hiện ra những mẩu bánh mỳ và vỏ cam vãi đầy mặt ghế da. Vẫn bằng tiếng Việt, anh bày tỏ sự xin lỗi bác tài xế và nhanh tay thu dọn đống lộn xộn trên. Chủ nhân của bãi chiến trường trên nhanh chóng được tìm ra.
Nữ hành khách trong câu chuyện trên chưa phải là tác giả duy nhất của những “bãi chiến trường” ở các điểm du lịch trong và ngoài nước, khi có nhiều đoàn khách Việt ghé thăm. Nhiều người Việt mỗi khi đi du lịch là đem theo cả “một trời quê hương”, tức là những gì sẵn có ở quê mình để làm hành trang trên đường thiên lý.
Tội thân những thức ăn mang dáng dấp quê hương, mỗi khi chúng hoàn thành sứ mạng tiết kiệm tiền và làm đầy dạ dày cho chủ nhân, những thứ thừa thãi lại bị để lại đâu đó dọc đường đi, trên bàn ăn, trên nền một khu vực trống vắng nào đó, thậm chí cả ghế xe nơi họ vừa ngồi.
Tinh thần “không gì bằng cơm nhà nấu”
Ông bạn tôi sau khi nghiêm túc trình bày với vợ về chuyến đi sắp tới, điểm đến và chi phí…, được bà xã duyệt chi ngay lập tức, mát lòng mát dạ: “Ừ thì anh thỉnh thoảng vẫn phải đi đây đi đó cho đỡ chán vợ con”. Ngoài chi phí đi, vợ anh thậm chí còn hào phóng đưa cho anh số tiền lên đến 300.000 đồng gọi là …dự phòng phát sinh đột biến.
“Từng này thì anh biết ăn gì để du lịch?”, anh dịu giọng băn khoăn. Vợ anh đáp lại bằng một sự tự tin quen thuộc: “Anh cứ việc đi thôi, mọi việc đã có em lo”. Sáng hôm sau, khi vừa dậy để bắt đầu hành trình, vợ anh đã đưa cho anh một đùm bọc kỹ và dặn: “Trên đường đi, mỗi khi đói anh cứ mở ra, đừng mở trước khi đói!!!”. Nghe lời vợ nhưng bị sự háo hức thúc đẩy, vừa lên xe anh đã hì hục mở ra. Vâng, vẫn lại là xôi lạc, nay được tăng cường thêm cái đùi gà.
Anh lạ gì món này, đây đâu phải lần đầu tiên. Có lần vợ đã trang bị cho anh một suất ăn thấm tình chồng vợ như vậy. Đói, với tiền đâu mà chén đặc sản núi rừng, anh miễn cưỡng bóc ra ăn, không quên chém gió với đồng nghiệp: “Tớ bị dị ứng thức ăn, nên vợ làm sẵn đồ rồi”. Nhưng báo hại anh, hôm đó cái đùi gà vợ luộc từ đêm trước, đi đường xa bọc kín, nó đổ mùi, nó khiến anh phải liên tục nhờ bác tài dừng xe để hỏi thăm toilet. Cũng may, bác tài dễ tính, thông cảm.
Văn minh du lịch, đi từ những hành vi nhỏ nhất
Hai câu chuyên kể trên không mang tính chất phê phán sự tiết kiệm. Tiết kiệm không xấu, nhưng khi đi kèm với ý thức kém, nó lại làm xấu hình ảnh du khách Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
Mỗi điểm dừng chân, để bổ sung năng lượng, những món đồ được chuẩn bị sẵn là cần thiết. Nhưng ăn xong, nếu ai cũng có ý thức tìm thùng rác gần đó bỏ vô, khu du lịch sẽ không thành bãi rác. Đằng này, có những điểm đến mà thùng rác đặt khắp nơi, nhưng không nhiều người đọc được câu “thần chú”: “Cho tôi xin rác”, cứ như thể họ chả biết tiếng Việt.
Hơn thế nữa, nhìn rộng ra, du lịch ngoài nhu cầu khám phá còn là một sự hưởng thụ cuộc sống, một sự hưởng thụ đầy thi vị, khi ta rảnh tay thỏa thích chụp hình với đám bạn, nắm tay người bạn đời dạo bộ ở những chốn lãng mạn thần tiên, tìm cách trò chuyện với người bản địa… Hà cớ gì phải làm tội thân, vác theo vô khối thứ lỉnh kỉnh ăn uống dự phòng, trong khi mắt và bụng thì nhất định nói: phải thử ẩm thực, đặc sản địa phương một lần cho biết.
Có thể bữa ăn của người miền Nam thường có vị ngọt từ đường đối với người miền Bắc, có thể mùi Kimchi của Hàn Quốc không vừa miệng nhiều người… nhưng nếu vị giác không thử qua những mùi vị như thế, du khách đã đánh mất đi một trải nghiệm đầy hấp dẫn.
Những con đuông dừa tung tăng quẫy đạp trong bát nước mắm, một cuộc nhậu với đầy đủ đặc sản trên chiếc thuyền lướt nhẹ mặt nước giữa Tràm Chim (Đồng Tháp), chén rượu ngô ấm nồng vị Tây Bắc, kèm theo bữa Thắng cố hay là miếng Bê chao ngon nút lưỡi ở Mộc Châu…, xa xứ xuất ngoại thì tràn trề những món ngon lừng danh cả nước. Vô số món ngon trên đường khám phá, bỏ qua thì hối tiếc cả đời.
Uh thì lo lắng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng mà thời nay, người làm du lịch cũng đã hết sức thấu hiểu uy tín thương hiệu quan trọng thế nào, sống còn thế nào.
Ở Thái Lan, cảnh sát du lịch sẵn sàng tiếp nhận những yêu cầu của du khách ở khắp mọi nơi về những vi phạm, trong đó có cả ở những nhà hàng. Việt Nam mình cũng thế thôi, một phản hồi tiêu cực từ du khách về một nhà hàng nào đó sẽ nhanh chóng đến cơ quan quản lý nhà nước hoặc truyển thông, đơn vị đó sẽ bị ảnh hưởng uy tín và thậm chí bị xử phạt. Chắc ít ai dại dột “bán danh ba đồng” thời bây giờ.
Vậy thì hãy để “cơm đùm cơm nắm” ở nhà, bởi tất cả đã có nhà hàng lo. Ăn chơi thì phải tới nơi tới chốn. Và nhớ là, ứng xử một cách văn minh khi đi du lịch dù là trong hay ngoài nước, không ăn uống xong, vứt rác bừa bãi, không mang đồ ăn vào khu du lịch nếu người ta đã ghi rõ biển cấm. Mỗi du khách là thể diện của cả một quốc gia cơ mà.
PV
Theo TCĐNA