Seatimes – Khi đất nước ta bước vào thời kỳ mở cửa và hội nhập, bên cạnh việc “mở cửa” đón nhận nhiều đối tác nước ngoài đến làm ăn, tham quan du lịch vào Việt Nam thì việc “mở cửa” để giao lưu, quan hệ , hợp tác giữa nước ta và thế giới cũng ngày càng là nhu cầu bức thiết, vì mục tiêu phát triển. Không đề cập đến xuất ngoại vì mục đích du lịch, du học, khám chữa bệnh v.v… thì chuyện xuất ngoại với mục đích học hỏi kinh nghiệm, trao đổi hợp tác trên nhiều lĩnh vực v.v… giờ đây đã trở nên khá phổ biến.
Liên quan đến những chuyến xuất ngoại đó, có một đối tượng không nhỏ là các cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Trong thực tế những năm trước đây, đã có một số cán bộ, công chức được mọi người ví “đi nước ngoài như đi chợ”. Lý do đơn giản là do họ có lợi thế là thông thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, nên mỗi khi có xuất đi, nhất là tiêu chí đề ra của phía đối tác phải là đòi hỏi những người “đọc thông viết thạo” tiếng Anh thì lại càng có cơ hội. Trước đây đã có những “phong trào” học tiếng Anh rầm rộ để có được những chứng chỉ B, C tiếng Anh nhưng hầu như đó chỉ là “vật trang trí”- mà nhiều người nói vui là “B thui” và “C sủi” – cho công chức hơn là thể hiện trình độ thật sự về ngoại ngữ . Nhiều người có bằng này, chứng chỉ nọ nhưng do không được cọ sát, không có đối tượng để nâng cao trình độ, cộng với sức ì ngày một lớn nên khi được đề cử cho đi nước ngoài thì tìm mọi lý do để từ chối vì vốn liếng chỉ còn là vài câu giao tiếp, xã giao thông thường…
Đó là nói về chuyện xuất ngoại liên quan đến yếu tố ngoại ngữ. Bên cạnh đó, cũng có không ít chuyến đi nước ngoài với mục đích học hỏi kinh nghiệm, dự hội nghị, hội thảo…. liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn, kỹ thụât thuộc các đoàn đi của tỉnh, thành phố hoặc trung ương, có phiên dịch cùng đi nên không đòi hỏi phải biết ngoại ngữ. Và càng ngày, việc đi nước ngoài của cán bộ công chức không phải là quá khó khăn, nhất là khi có đối tác nước ngoài mời đích danh và đài thọ kinh phí. Ở đây, xin đề cập đến chất lượng của những chuyến xuất ngoại. Cho dù việc đi nước ngoài được phía đối tác đài thọ hay ngân sách bỏ ra thì kết quả của những chuyến đi đó phải đạt được mục tiêu phục vụ cho việc nâng cao kiến thức, góp phần cho sự phát triển của thành phố nói riêng và đất nước nói chung.
Trong các quyết định nào của UBND tỉnh/ thành phố về việc cử cán bộ đi nước ngoài hầu hết đều có ghi: “sau khi hoàn thành chuyến công tác, phải có báo cáo kết quả cho cơ quan và UBND tỉnh/thành phố”. Thế nhưng, những bản báo cáo thuộc dạng này đa phần là để “hoàn thành thủ tục”, nhiều báo cáo khá đơn giản, kết quả thu được chỉ thể hiện sơ sài trên vài dòng chữ mang tính chung chung. Những điều học học được ít nhiều đều có, nhưng để tập hợp thành những báo cáo cụ thể cho cấp có thẩm quyền thì chưa được đặt ra một cách nghiêm túc, từ đó dễ dẫn đến ngộ nhận là đi thì nhiều mà chất lượng không tương xứng! Quan trọng hơn là việc áp dựng cái học tập được, những bài học, kinh nghiệm, những phương pháp hay của nước bạn để áp dụng vào thực tế của địa phương được bao nhiêu phần trăm, thể hiện ở những công trình, lĩnh vực nào v.v…
Bên cạnh những tồn tại, bất cập đã nêu, cũng đã có những chuyện xuất ngoại có chất lượng, đã thu được nhiều điều bổ ích. Một số bản thu hoạch, báo cáo trình lãnh đạo không lâu sau khi hoàn tất chuyến đi, phục vụ thiết thực và kịp thời cho công tác quy hoạch, phát triển của mỗi địa phương và được triển khai nhanh vào thực tế…
Bất kỳ địa phương nào, muốn phát triển đi lên, đều rất cần học hỏi kinh nghiệm, những cách làm hay cũng như những bài học kinh nghiệm rút ra không những của các địa phương bạn trong nước mà còn ở ngoài nước. Tất cả là vì mục tiêu xây dựng quê hương ngày càng đẹp hơn, hiện đại và văn minh hơn. Kinh phí nhà nước bỏ ra cho những chuyến xuất ngoại không phải là nhỏ, nên nó phải đáng “đồng tiền bát gạo” và không phụ lòng mong mỏi của chính quyền và nhân dân thành phố. Trách nhiệm của những cán bộ công chức được cử đi nước ngoài cần phải được chứng minh bằng những việc làm, kết quả cụ thể, có như vậy việc xuất ngoại mới thể hiện được ý nghĩa, vai trò quan trọng trong bước phát triển của mỗi địa phương. Vấn đề nâng cao chất lượng của những chuyến xuất ngoại rất cần được các cấp có thẩm quyền quan tâm một cách nghiêm túc, từ đó hy vọng mới cụ thể hoá một cách hiệu quả các chính sách liên quan đến hội nhập mở cửa và trên hết là góp phần để đất nước ngày càng lớn mạnh, không “thua chị kém em” .
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ
Bài viết quan tâm: