Lãnh đạo doanh nghiệp có quyền từ chối thanh tra
Sau nhiều lần trễ hẹn, luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đã đến kỳ lấy ý kiến thứ hai tại Quốc hội trước khi thông qua. Luật này hiện có nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều xung quanh một số vấn đề như có cần thiết phải thành lập cơ quan thực hiện toàn bộ việc quản lý, giám sát vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, có cần thiết duy trì các doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn, điều tiết thị trường hay không…
Tuy nhiên, lần đầu tiên các đại biểu Quốc hội lên tiếng phản đối việc giám sát, quản lý hoạt động đầu tư quá mức của các cơ quan như thuế, hải quan, kiểm toán, thanh tra… vào doanh nghiệp, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Huy Hùng (đoàn Hà Nội), phát biểu tại hội trường hôm nay 11-11, dù là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư hay doanh nghiệp tư nhân thì cũng phải hoạt động chung trong khuôn khổ pháp luật. Ông Hùng cho rằng, nhà nước quản lý, kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp là đúng nhưng chủ sở hữu và các cơ quan giám sát chỉ thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không nhất thiết thanh tra, kiểm toán liên tục, gây phiền phức.
Một đại biểu khác cho rằng, việc thanh tra, giám sát như thế nào phải được quy định cụ thể vào dự thảo luật, đúng nguyên tắc và công khai, minh bạch. Các cơ quan phải phối hợp với nhau để tránh trùng lắp về nội dung, thời gian.
Tại Báo cáo giải trình tiếp thu về luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với các đề nghị, góp ý của đại biểu Quốc hội. Tại dự thảo luật sẽ bổ sung quy định cho hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty mà nhà nước nắm 100% vốn điều lệ quyền từ chối việc giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan, tổ chức “vào” doanh nghiệp không đúng quy định.
Nên bỏ mục tiêu “điều tiết, ổn định vĩ mô” cho DNNN
Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), không nên sử dụng DNNN làm công cụ “điều tiết, ổn định”. “Điều này không phù hợp với kinh tế thị trường”, ông Vẻ nói. Và ông phân tích rằng, trong nhiều trường hợp nhà nước phải bù lỗ cho DNNN mà ngân sách nhà nước không đủ sức để làm điều này. Mặt khác, chủ trương của Chính phủ sẽ giảm dần số lượng các DNNN mà Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, cho nên càng cần bỏ các quy định không hợp lý.
Ông Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng có đề nghị tương tự là để tăng tính hiệu quả, chống lãng phí vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì Nhà nước phải không đầu tư hoặc tiếp tục đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực kinh tế tư nhân hoặc xã hội của đủ năng lực và điều kiện làm. Ông cho rằng vì xác định các mục tiêu chưa rõ nên tình trạng nhà nước cạnh tranh với tư nhân là khá nhiều. Trong khi ấy, đồng vốn nhà nước chỉ nên là vốn “mồi” hoặc đi vào những địa chỉ mà tư nhân không đầu tư. Ông đề nghị nên rút quy định “duy trì” đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp vì duy trì nghĩa là không tính đến chuyện rút ra.
Ông đề nghị phải có cơ chế đặt hàng của nhà nước và hạch toán theo cơ chế thị trường, tránh tình trạng bao sân thiếu hiệu quả khi quyết định đưa đồng vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
Xem tin gốc tại đây