Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phải đau đầu khi nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng. Ảnh: AFP/Getty Images
Phần cuối bài phát biểu trong cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố chính sự trượt giá của dầu và hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính của Nga.
Và để có một cái nhìn tổng quan, CNN đã đưa ra một bài viết phác thảo ngắn gọn 10 điều nên biết về nền kinh tế Nga ở thời điểm hiện tại.
Đồng Rúp
Trong năm nay đồng rúp Nga đã mất khoảng 45% giá trị so với đồng USD và thậm chí có lúc giảm xuống mức thấp kỷ lục khi 80 rúp mới đổi được 1 đô la. Theo Bloomberg, biến động tỷ giá đồng rúp là tồi tệ nhất trong 170 loại tiền tệ trên thế giới năm 2014.
Lạm phát
Ban đầu, mục tiêu hạn chế lạm phát của Ngân hàng Trung ương Nga trong năm nay là 5%. Tuy nhiên, thực tế con số này là 9,4% và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Giá lương thực tăng cao “chóng mặt”, cụ thể là tăng 12,6% trong tháng 11. Điều này một phần là do lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ phương Tây mà Moscow áp đặt nhằm trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây. Phương tiện truyền thông Nga nhận định giá lương thực ở nước này có thể tăng tới 25% trong năm nay.
Lãi suất
Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên 17% trong tuần trước. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ sau khi nước này khủng hoảng vào năm 1998. Quyết định tăng lãi suất lần này nhằm bảo vệ sức mạnh của đồng rúp và ngăn chặn lạm phát.
Suy thoái
IMF dự đoán trong năm nay, tăng trưởng Nga là con số “0”. GDP được dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 0,2% trong năm 2014. Các quan chức Nga cho biết nền kinh tế nước này có thể suy thoái gần 5% trong năm 2015 nếu giá dầu vẫn ở mức 60USD/thùng.
Dầu
Giá dầu từng xuống mức thấp nhất là 55USD/thùng, mức giá chưa từng thấy trong 5 năm qua. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới Nga, đất nước có một nửa doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.
Tình trạng rút vốn ồ ạt
Ngân hàng trung ương dự đoán tình trạng rút vốn ồ ạt sẽ ập tới trong năm nay là 130 tỷ USD và 120 tỷ USD trong năm tới.
Dự trữ ngoại tệ
Hiện nay, trong kho ngoại tệ, Nga nắm giữ khoảng 416 tỷ USD – giảm 21% so với năm ngoái.
Nợ nước ngoài
Chính phủ Nga, các ngân hàng và các công ty của Nga vay nợ nước ngoài khoảng 678 tỷ USD. Trong đó, khoảng 130 tỷ USD sẽ phải được hoàn trả trong năm nay và năm sau.
Thâm hụt ngân sách
Nga sẽ thâm hụt ngân sách khoảng 2% trong năm 2015, tùy thuộc vào giá dầu.
Cắt giảm ngân sách
Nguy cơ thâm hụt ngân sách đã buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải cắt giảm tối thiểu 5% ngân sách trong năm 2015. Tuy nhiên, quốc phòng và an ninh quốc gia vẫn là các lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu.