Seatimes – (ĐNA). Để tạo chỗ đứng bền vững cho nông sản Điện Biên trên thị trường, bên cạnh vai trò hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng còn có sự vào cuộc chủ động của các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Điện Biên là một tỉnh miền núi, kinh tế chủ yếu là nông – lâm nghiệp. Từ lâu, một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Điện Biên đã xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường như: Lúa gạo, cà phê, mắc ca, chè Tuyết Shan, dứa, miến dong… Bên cạnh đó, với diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh Điện Biên lớn, tỷ lệ che phủ rừng cao cũng là lợi thế để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Cùng với tiềm năng, lợi thế về phát triển các sản phẩm đặc sản, việc chuyển đổi cơ cấu, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường các hoạt động quảng bá đã góp phần mở ra hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp Điện Biên. Hiện nay, một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh đã và đang được sản xuất gắn với việc mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ. Qua đó, từng bước giới thiệu, lan tỏa các sản phẩm nông nghiệp tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng, vươn xa tới thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Một trong những điểm sáng trong bức tranh nông sản Điện Biên là cơ sở chế biến cà phê của Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế trên địa bàn thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo). Doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ và hệ thống máy móc hiện đại để chế biến sản phẩm cà phê. Kết hợp với việc chủ động về vùng nguyên liệu đã giúp cho đơn vị tạo ra những sản phẩm chất lượng và an toàn, dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Quốc Tế- Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế phấn khởi chia sẻ: “Đến nay, sản phẩm cà phê của đơn vị đã được thị trường đón nhận và du khách ưa chuộng. Với sản lượng 2 tấn cà phê bột/tháng, chúng tôi hiện đang cung cấp sản phẩm cho hầu hết các địa phương phát triển du lịch trong toàn quốc. Một tín hiệu đáng mừng hơn là thông qua doanh nghiệp, hiện nay một số khách hàng Thái Lan cũng đang nghiên cứu mẫu hạt cà phê của Điện Biên để tiến hành kiểm tra chất lượng. Đó là một cơ hội tốt để sản phẩm cà phê của công ty nói riêng và cà phê Điện Biên nói chung vươn tầm ra quốc tế”.
Bên cạnh các yếu tố về công nghệ chế biến, khâu quảng bá, giới thiệu, Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế cũng xác định để các sản phẩm có chất lượng cao, nguồn nguyên liệu đầu vào phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn. Vì lẽ đó, doanh nghiệp đã chủ động củng cố và phát triển vùng nguyên liệu. Bước đầu, người dân trên địa bàn đã trồng mới khoảng 20 ha cây cà phê được chăm sóc theo đúng kỹ thuật.
Sản xuất sản phẩm trà hữu cơ cũng là một lĩnh vực rất có tiềm năng phát triển trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ông Phan Trọng Nhất- Giám đốc Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên cho biết: “Để khẳng định chỗ đứng trên thị trường, chúng tôi không chỉ chú trọng đầu tư hệ thống máy móc, áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến mà còn tập trung phát triển vùng nguyên liệu ổn định theo hướng hữu cơ. Cây chè được trồng và chăm sóc hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học và thuốc trừ sâu sinh học thảo mộc để mang đến sự an toàn với con người, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, bãi trồng chè phải cách xa khu dân cư, tách biệt với các khu chăn nuôi tập trung của người dân, có như vậy mới cơ bản đáp ứng được các yêu cầu sản xuất chè theo hướng hữu cơ”.
Sự đầu tư và chủ động trong canh tác của Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên đã mang lại những kết quả tích cực, tạo sự lan tỏa sản phẩm chè Điện Biên đến với người tiêu dùng. Công ty đã xuất khẩu chè cổ thụ sang thị trường Trung Quốc, sản phẩm chè mạn Mường Ảng cũng được tiêu thụ mạnh trong nội địa. Hiện tại, công ty tiếp tục duy trì và nâng cấp sản phẩm trà xếp hạng OCOP 4 sao (Trà Shan Tuyết PH.14 hữu cơ Phan Nhất) cũng như đang phấn đấu xây dựng thêm 1 sản phẩm trà xếp hạng 4 sao nữa là Trà xanh hữu cơ Phan Nhất với sản phẩm túi giấy thân thiện với môi trường.
Chia sẻ về tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm nông sản của tỉnh nhà, ông Trần Văn Thượng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên cho biết: “Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển các sản phẩm đặc sản. Điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng và tập quán sinh sống, sản xuất phong phú đã tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có giá trị mang nét đặc trưng của từng vùng. Với tiềm năng đó, thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng các mô hình về sản xuất hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tập trung, liên kết, xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng. Thực hiện hướng dẫn và xác nhận, duy trì hoạt động chuỗi thực phẩm an toàn. Đồng thời quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng và kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông- lâm- thủy sản an toàn để kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tại địa phương”.
Sơn Nguyễn – Vũ Phú