MH370 Đi tìm sự thật. Không bao giờ bỏ cuộc. Ảnh: Reuters
Hiện trạng của cuộc tìm kiếm
Những tàu quét đáy biển được trang bị sonar tinh vi đã được triển khai tìm kiếm khoảng 40% "khu vực ưu tiên tìm kiếm" ở phía Nam Ấn Độ Dương với tổng diện tích trải rộng gần 60.000 km vuông.
Tuy nhiên, mặc sự cố gắng của lực lượng tìm kiếm, vẫn không có bất cứ đầu mối nào được tìm thấy. Các nhà chức trách đang đắn đo khi chưa đưa ra được quyết định nên làm gì tiếp theo nếu sự việc không tiến triển khả quan.
Trong những tháng sắp tới, các cơn bão mùa Đông ở bán cầu Nam sẽ ập tới và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tìm kiếm.
Điều gì sẽ xảy ra nếu phát hiện thấy xác máy bay?
Nếu xác máy bay được tìm thấy, một giai đoạn phục hồi vô cùng khó khăn sẽ bắt đầu ở độ sâu tối đen gần 4.000 mét dưới đáy biển. Hoạt động trục vớt sẽ có thể bị cản trở do các cụm núi lửa hay núi và dãy núi dưới biển.
Thế nhưng quá trình này sẽ dễ dàng hơn khi có sự tham gia của lực lượng tìm kiếm hùng hậu và nhiều chuyên viên dạn dày kinh nghiệm trong việc tìm kiếm chuyến bay 447 của Air France trong vụ tai nạn năm 2009 ở Đại Tây Dương.
Trong vụ tai nạn của 447, hộp đen của máy bay được tìm thấy hai năm sau, khi các chuyên gia sử dụng nhiều thiết bị và máy móc hiện đại để tìm kiếm dưới biển. Sau đó, một thiết bị điều khiển từ xa đã được gửi xuống để trục vớt hộp đen nằm dưới đáy biển hàng nghìn mét.
Những giả thuyết chính xung quanh sự biến mất của MH370
Nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhằm lí giải sự biến mất đầy bí ẩn của MH370, tuy nhiên, chủ yếu vẫn là nghi vấn động cơ trục trặc, cướp máy bay hay âm mưu khủng bố. Nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn không có manh mối nào chứng minh thực hư của những kịch bản này.
Sự mơ hồ khiến hàng loạt thuyết âm mưu "ra đời", hàng loạt cuốn sách, tài liệu được xuất bản. Nhân đó là một cuộc tranh luận trực tuyến sôi nổi về một loạt các khả năng.
Đặc biệt, một giả thuyết "điên khùng" cho rằng chiếc máy bay đã bị cướp và bị biến thành một "quả bom bay" tấn công vào căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo san hô Diego Garcia, sau đó MH370 bị người Mỹ bắn hạ. Về phía mình, chính phủ Mỹ hoàn toàn bác bỏ điều này.
Viết trên tạp chí New York vào tháng trước, chuyên gia hàng không Mỹ Jeff Wise làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi khi đưa ra khả năng MH370 bị "bắt cóc" tới một cơ sở của Nga ở Kazakhstan. Theo đó, đây có thể là một âm mưu của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm đe dọa phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Chính quyền có công bố mọi thông tin về MH370?
Chính phủ Malaysia và hãng hàng không Malaysia Airlines liên tục khẳng định họ không che giấu bất cứ thông tin nào. Nhưng những thân nhân có người nhà là hành khách và thành viên phi hành đoàn trên MH370 luôn bị đẩy vào tình cảnh rối ren trước những phát biểu đầy mâu thuẫn của chính quyền và hãng hàng không. Đặc biệt, họ lên án giới chức trách khi chia sẻ thông tin một cách chậm trễ hay chỉ công bố một phần thông tin.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông vào năm ngoái, Tim Clark, Giám đốc điều hành của hãng hàng không Gulf airline Emirates, cho biết , ông cũng nghi ngờ là sự việc không được tiết lộ đầy đủ.
Đã có trường hợp nào tương tự như MH370 hay chưa?
Theo Tổ chức An toàn Hàng không có trụ sở tại Hà Lan, dựa trên những số liệu về sự cố hàng không được ghi nhận, chỉ có một trường hợp tương tự như MH370. Đó là việc một máy bay chở theo 107 người đã biến mất không một dấu vết vào năm 1962, trên đường từ Guam đến Philippines. Số phận của chiếc máy bay này vẫn chưa được làm rõ.
Bài học sau sự biến mất của MH370
Nếu hộp đen của MH370 không được tìm thấy và phục hồi thì cơ quan chức năng không thể xác định được điều gì đã thực sự xảy ra với chuyến bay xấu số này.
Tuy nhiên, sự biến mất đầy bí ẩn của MH370 cũng đã khiến lãnh đạo ngành hàng không phải trăn trở và tìm các biện pháp khắc phục đồng thời nâng cao việc theo dõi lịch trình của các chuyến bay.
Trong một hội nghị thượng đỉnh về hàng không diễn ra tại Montreal tháng trước, các nhà lãnh đạo ủng hộ việc theo dõi sát sao các chuyến bay từ năm 2016. Chủ Nhật tuần vừa qua, Australia cũng cho biết cùng với Malaysia và Indonesia, họ đang tiến hành thử nghiệm việc tăng tần suất theo dõi máy bay khi chúng bay qua các đại dương rộng lớn.