Sau 6 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần thay đổi nhận thức, tâm lý mua sắm của người tiêu dùng trong nước đối với hàng Việt Nam.
Mức độ tín nhiệm của người dân đối với hàng “nội” đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, để hàng Việt khẳng định rõ vị thế trong đời sống tiêu dùng thì các doanh nghiệp (DN) Việt cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo Bộ Công thương, mức độ quan tâm của NTD với hàng Việt đang tăng mạnh, khi 90% NTD được hỏi trả lời có quan tâm đến cuộc vận động; 70% NTD ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Tại nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Nhiều DN ý thức được việc đầu tư sản xuất phục vụ thị trường trong nước là đầu tư có hiệu quả và phải thực hiện bài bản. Từ đó, DN chủ động thay đổi công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi NTD… Đó là những kết quả đáng khích lệ, giúp hàng Việt có chỗ đứng tại thị trường trong nước.
Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa thích và lựa chọn. Ảnh: Anh Tuấn
Tuy nhiên, để người Việt thực sự tin tưởng, lựa chọn, sử dụng hàng Việt, trách nhiệm rất lớn thuộc về DN. Việc nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chưa được NTD trong nước ưa chuộng vì tâm lý sính hàng ngoại chỉ đúng với một bộ phận NTD. Đa số NTD trong nước đều ý thức tìm, sử dụng hàng nội nếu bảo đảm chất lượng. Thậm chí, việc hàng ngoại nhái hàng nội đã, đang xảy ra với nhiều sản phẩm Việt.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội, nếu trước đây hiện tượng hàng Trung Quốc nhái nhãn mác hàng Việt chỉ xuất hiện đơn lẻ, thì nay hiện tượng này đang diễn biến khá phức tạp. Đáng lo ngại hơn, một số cá nhân, thậm chí cả DN tư nhân cố tình câu kết với DN Trung Quốc sản xuất hàng giả nhãn mác Việt Nam. Điển hình như mới đây, lực lượng chức năng đã bắt tạm giam Nguyễn Huy Thọ (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đối tượng này khai báo sang Trung Quốc đặt sản xuất các loại bếp gas, lò nướng, lò vi sóng… mang thương hiệu của một số DN Việt Nam. Điều đó cho thấy, NTD Việt chỉ chấp nhận mua hàng ngoại khi trong nước không sản xuất được, hoặc có nhưng không đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng về chất lượng, mẫu mã; hoặc quá đắt. Nhưng lâu nay vẫn tồn tại tâm lý đối xử không công bằng với NTD trong nước khi sản phẩm tốt, chất lượng cao thì dành để xuất khẩu, còn hàng kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì tiêu thụ trong nước. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tràn lan, bày bán vô tư đang khiến uy tín của hàng Việt giảm sút.
Muốn giành trọn được niềm tin của NTD, DN cũng phải đổi mới khâu phân phối sản phẩm và chế độ hậu mãi, dịch vụ chăm sóc sau bán hàng. NTD cần thái độ ứng xử, lịch sự, trọng thị, được chăm sóc ân cần. Nhưng, rất tiếc đây lại là một trong những điểm yếu của DN Việt nếu so sánh với DN nước ngoài, dẫn đến mất khách ngay tại “sân nhà”. Chưa kể, thông tin về sản phẩm chưa minh bạch, rõ ràng và trung thực, khiến NTD khó nhận biết, nhất là đối với thị trường nông thôn, vốn được coi là “vùng trũng”, chính là cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành.
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục đạt hiệu quả, cần sự chung sức của cả cộng đồng, nhưng các DN vẫn giữ vai trò chủ đạo. Không thể nhân danh lòng yêu nước mà kêu gọi NTD mua những sản phẩm kém chất lượng với giá cao. Nhà nước đề ra đường lối, chính sách, tạo cơ chế hỗ trợ, còn DN phải tự nỗ lực nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo nhiều tiện ích, mở rộng hệ thống phân phối, lắng nghe NTD để làm ra những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Đó cũng là giải pháp để DN xây dựng niềm tin vững chắc đối với NTD và để NTD yên tâm khi dùng hàng Việt.
Thanh Hiền
Theo Báo Hànộimới