Tiếp đà tăng năm 2018, thị trường bất động sản (BĐS) tại thành phố Sầm Sơn ghi nhận sự tăng giá mạnh mẽ trong quý đầu năm 2019. Giá đất Sầm Sơn được đánh giá sẽ còn diễn biến tích cực nhờ mục tiêu phát triển kinh tế – du lịch cũng như cơ sở hạ tầng.
Xu hướng mới dẫn dắt thị trường
Mới đây, tại hội thảo “Tiêu điểm Bất động sản quý I – Xu hướng & Cơ hội đầu tư quý II/2019”, các chuyên gia đã nhận định Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng không còn là điểm nhấn duy nhất của các nhà đầu tư BĐS, thay vào đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thị trường mới như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận…
Đối với xu hướng này, các chuyên gia lý giải quỹ đất nội thành của các đô thị trung tâm sau nhiều năm được đầu tư, khai thác nay chỉ còn hạn chế; những dự án mới tại Hà Nội và Tp.HCM lại đều đang trong trạng thái chờ cơ quan quản lý phê duyệt hồ sơ. Điều đó đã hình thành làn sóng nhà đầu tư dịch chuyển đến các khu vực lân cận tìm nguồn hàng mới.
Một trong những thị trường khá tiềm năng tại khu vực Bắc Trung Bộ được ghi nhận hiện nay là Thanh Hóa. Trong đó, tâm lý sở hữu đất đai của người dân đến nay phần lớn vẫn là ưa chuộng đất nền.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng quản lý nhà và thị trường BĐS, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa thì nguồn cung BĐS tại Thanh Hóa, đặc biệt là tại Sầm Sơn đang khá phong phú, chủ yếu đến từ các dự án quy mô lớn, được trang bị nhiều tiện ích đồng bộ và có hạ tầng giao thông thuận lợi. Trong đó, phân khúc đất nền đóng vai trò chủ đạo do nhu cầu của người dân và nhà đầu tư rất lớn.
Khảo sát thực tế tại Sầm Sơn cho giá đất nền đã có sự thay đổi “ngoạn mục” trong những năm qua.
Cụ thể, trên tuyến đường ven biển Hồ Xuân Hương, kể từ khi được chỉnh trang với hệ thống Hubway sang trọng, các dịch vụ được niêm yết rõ ràng và bãi biển Sầm Sơn được thay tấm áo mới với những bãi cát trải dài thoáng rộng, giá đất cán mốc 130 – 150 triệu/m2 trong hiện tại. Mức giá này đã tăng gần như gấp đôi so với năm 2015.
Song song với đường Hồ Xuân Hương, đất nền mặt đường Thanh Niên chỉ dao động khoảng 7 triệu/m2 vào thời điểm năm 2015 thì nay đã tăng gấp 3 – 4 lần, đạt mức 23 – 30 triệu/m2.
Các khu vực lân cận có nhiều tiềm năng phát triển cũng nhanh chóng khẳng định vị thế trong mắt nhà đầu tư khi giá đất gần như sánh ngang các đô thị lớn. Điển hình có thể kể đến dọc đại lộ Nam Sông Mã. Tuyến đường này có vị trí chính giữa trung tâm giải trí, mua sắm của Sầm Sơn và có thể kết nối thẳng đến FLC Sầm Sơn – khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại Thanh Hóa. Đất nền tại đây hiện đã chạm ngưỡng 80 – 100 triệu/m2 so với mức giá 70 triệu/m2 năm 2015.
Ngay cả mặt sau đại lộ Nam sông Mã cũng được hưởng “sóng” tăng giá khi được giao dịch ở mốc 25 – 29 triệu/m2, trong khi năm 2015 chỉ có giá 7 triệu/m2.
Song song với đó, đất nền trong các dự án có quy hoạch đồng bộ nhận được sự ưu ái cuả giới đầu tư do sự đáp ứng đầy đủ về các tiện ích đi kèm. Chẳng hạn như giá đất tại khu vực dự án FLC Sầm Sơn, trước đây là vùng đầm lầy ít giá trị kinh tế, giá đất vài triệu một m2 cũng ít người quan tâm. Khi dự án bắt đầu xây dựng, giá đất tại đây tăng dần và đạt mức 10 triệu/m2 vào giữa năm 2015, hiện nay đã tăng trên 20 triệu/m2.
Nhiều tín hiệu lạc quan
Không khó để lý giải cho diễn biến tích cực tại thị trường BĐS Thanh Hóa nói chung và Sầm Sơn nói riêng. Nếu như nhìn lại các mốc thời gian, có thể nhận ra một điểm chung là xu hướng tăng giá bắt đầu vào năm 2015, cũng là năm du lịch Sầm Sơn khoác lên mình một tấm áo mới.
Sầm Sơn không còn tư duy làm du lịch mùa vụ mà chuyển mình theo hướng trở thành một “thiên đường nghỉ dưỡng bốn mùa” với các bãi biển được chỉnh trang gọn gàng, quy củ cùng dịch vụ bài bản, khiến du khách có cái nhìn thiện cảm hơn.
Nhờ những khởi sắc đó, du lịch Sầm Sơn năm 2018 đón gần 4,3 triệu lượt khách với doanh thu đạt 3.660 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2017.
Trong năm 2019, thành phố đặt mục tiêu đón 4,8 triệu lượt khách, đồng thời phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng hạ tầng lưu trú. Điều này cho thấy cú hích từ du lịch đã tạo ra cơ hội lớn để BĐS Sầm Sơn bứt tốc nhờ nhu cầu về cơ sở lưu trú, mặt bằng kinh doanh, dịch vụ… là rất lớn.
Bên cạnh công tác quản lý du lịch, Sầm Sơn cũng xây dựng những đề án quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn và mang tính kết nối nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn như các chuyến tàu điện từ sân bay Thọ Xuân đến Sầm Sơn và từ trung tâm đến các điểm du lịch của thành phố, tuyến giao thông nối Sầm Sơn với nhiều khu du lịch tại Việt Nam…
Hệ thống giao thông liên tục được triển khai nâng cấp như đường Hồ Xuân Hương từ chân núi Trường Lệ đến quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, đường Trần Nhân Tông kết nối giai đoạn 1 đại lộ Nam Sông Mã tới đường Nguyễn Du, đại lộ Voi – Sầm Sơn…
Hội tụ nhiều yếu tố dẫn đường cho sự phát triển mạnh mẽ, BĐS Sầm Sơn được dự báo tiếp tục sẽ là thị trường “màu mỡ” cùng nhiều cơ hội sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư, hút dòng vốn đổ về ngày càng mạnh mẽ.
PV