Vì đồng đội luôn ở bên bạn
Vì kỳ thi kết thúc vào tháng 6 trong khi tháng 8 là mùa bão, những cuộc hành trình xuyên Việt luôn bắt đầu vào những ngày tháng 7 nắng gay gắt, cháy da cháy thịt; khi đó, tai nạn, ốm đau xảy tới như cơm bữa. Thế nhưng, có chăm sóc nhau mới thấu hiểu tình cảm những thành viên trong đoàn. Họ từ những con người không quen biết đến từ khắp nơi trên mọi miền tổ quốc đã dần trở thành một gia đình, một gia đình hết sức yêu thương và chăm lo cho nhau.
Các thành viên của hành trình Xuyên Việt cần trải qua đợt rèn luyện thể lực kéo dài trước khi lên đường (Toàn bộ ảnh trong bài do Câu lạc bộ Mùa hè xanh cung cấp)
Quốc lộ 1A con đường mà đoàn xuyên Việt đi từ Bắc vào Nam có những quãng đường đi đèo dốc rất khó khăn vất vả; khi đó những người bạn những người đồng đội lại giúp đỡ nhau bằng cách người khỏe mạnh hơn đẩy những người yếu để họ không bị rớt đoàn.
"Nhiều lúc mình cảm thấy thật sự mệt mỏi trên đường đi nhưng chỉ cần ai đó đi bên cạnh cười và động viên cố gắng đạp tiếp thì lúc đó mình như cảm thấy được uống nước tăng lực vậy; thậm chí chỉ cần đặt tay lên vai mình thôi là mình đã cảm thấy một sức mạnh truyền qua mình để mình tiếp tục đi theo đồng đội", Vũ Công Thuy (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, xuyên Việt năm 2013) cho biết.
Trong tâm trí của các bạn là những lần cùng nhau lo lắng cho sức khỏe của các thành viên. Anh Ngô Văn Linh xuyên Việt 2011- 2012 nhớ lại: Trong chuyến xuyên Việt 2012 đến đoạn Thanh Hóa, lúc đấy đã khoảng 12 giờ trưa vừa nắng, vừa đói. Đường đi khó khăn vì đang làm đường có một cô bé đạp xe đuổi đoàn mãi phía sau. Cứ được đội trưởng đẩy lên đầu lại tụt xuống cuối đoàn. Anh đến cạnh đấy đi được một đoạn hỏi có đi tiếp được không thì trả lời là có nhưng anh vừa buông tay ra khỏi người thì đã ngất ngay xuống đường. Anh và mấy người bạn khác phải bế vào lề đường tìm chỗ râm cho nằm nghỉ, xoa bóp mới tỉnh lại. Cho ăn ít lương khô và uống chút nước rồi cho bạn lên xe máy đèo đi đến điểm nghỉ, còn xe đạp thì anh dùng một tay rong đi.
Cảnh "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường của các thành viên trong đoàn
Linh cho hay, trong những ngày đầu, những thành viên thể lực yếu, đặc biệt là thành viên nữ hay bị ngất vì nắng, đói khi phải di chuyển quá nhiều. Những trường hợp đó thường được đội y tế đưa lên xe ô tô đi theo đoàn. Phần lớn những người bị ngất chuyển sang đội hậu cần đi nấu cơm, còn lại đi lâu rồi cũng thành quen nên khỏe dần lên và bắt kịp với mọi người ở trong đoàn.
Sau một tuần, số người bị ngất gần như là không còn. Chỉ thỉnh thoảng bị ốm, ai bị ốm cũng đều được chăm sóc chu đáo vì có những thành viên trong đội y tế.
Những lúc như vậy, tình đoàn kết giữa những thành viên lại càng sâu sắc hơn. Họ lại cùng nhau vượt qua những chặng đường, cùng kéo nhau vượt qua những con dốc khó.
Đạp xe trong mưa với chân trần và xe đạp không chuyên dụng
Chặng đường dài khó khăn vất vả càng khiến những con người mạnh mẽ ấy biêt quan tâm tới nhau từ những điều rất đỗi bình dị. "Mình là con trai mấy việc khâu vá rất vụng, đi xuyên Việt lúc đầu áo rách mình toàn tự vá nhưng vì không biết vá nên được một hai hôm nó lại bung hết chỉ ra. Đến một lần có một bạn trong đội thấy mình đang vá áo nên bảo để bạn ấy vá giùm cho”, Nguyễn Hồng Quân (Bình Thuận, xuyên Việt năm 2012) chia sẻ. “Từ bấy đến lúc đi đến đích áo mình chẳng phải vá lại thêm lần nào nữa", Quân cười híp mắt với kỷ niệm của riêng.
Cứ như thế, con đường dài suốt dọc Tổ quốc trở thành nơi ghi dấu ấn khó quên đối với từng thành viên trong Câu lạc bộ Mùa hè xanh. Tại đây, họ đã nhận ra được nhiều giá trị quý báu trong cuộc sống là tình bạn, tình anh em, tình đồng đội trong lúc gặp khó khăn, khi cả nhóm cùng “ăn bốc, ngủ đất, dầm mưa, dãi nắng”, là những lúc động viên nhau đừng bỏ cuộc, khi dìu nhau qua những trận ốm để tiến tới đích.
Hành trình khám phá chính mình
Gắn liền với quãng thời gian rong ruổi của tuổi 19 đôi mươi, hành trình đạp xe xuyên Việt không chỉ là hành chính chiến thắng bản thân, mà thực sự khiến nhiều bạn trẻ đã thay đổi cách suy nghĩ, cách sống trước kia, biết yêu thương người khác trước khi nghĩ tới bản thân mình.
Trưởng đoàn cắt tóc cho các thành viên
Anh Vũ Hoàng Long chia sẻ: “Khi quyết định đi xuyên Việt, mình đang là sinh viên năm thứ hai (2011). Khi nghe thông tin câu lạc bộ Mùa hè xanh tuyển quân nên mình đăng kí tham gia với suy nghĩ đơn giản là được đi khắp đất nước và gặp gỡ nhiều người”. Thế nhưng, những gì Long nhận về còn nhiều hơn thế rất nhiều lần.
“Từ khi bắt đầu đến với cuộc hành trình này, mình mới biết bản thân mình là ai. Khoảng thời gian trước đây, mình chỉ biết có ăn, chơi và học, sống không có một mục đích. Bản thân luôn cảm thấy buồn phiền khi mọi việc không theo ý mình. Từ khi bắt đầu đi tình nguyện, mình đã hiểu cuộc sống sung túc, đầy đủ mà mình có được là do bố mẹ trao tặng, vì vậy mình cần phải trân trọng nó. Mình không còn đòi hỏi bố mẹ phải làm cho mình thứ này thứ nọ nữa, mọi buồn phiền cũng đều tan biến vì có nhiều người khuyết tật, xấu xí, đói khổ hơn mình mà họ vẫn rất lạc quan”, Long nhớ lại quãng thời gian trưởng thành của mình.
Cho đi và nhận lại – đó là trải nghiệm chung của những bạn trẻ tự nguyện dấn thân vào khó khăn khi quyết định với thử thách 1200 km đủ đèo, dốc, gió Lào, gió biển… trên các con xe mini, xe cào cào hàng ngày tới trường. Nhưng, khá bất ngờ khi đọng lại trong các bạn lại là kỳ niệm về những cuộc gặp gỡ và được chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn và éo le trong cuộc sống trên mỗi chặng đường.
Khi cô chú thương cho ngủ nhờ tránh nóng
Giấc ngủ lấy sức giữa trưa
Bạn Trần Mai Quyên chia sẻ: “Mình nhớ nhất là vào năm ngoái chúng mình đến Bắc Giang tổ chức trung thu cho các em khuyết tật tại Trung tâm khuyết tật tỉnh Bắc Giang. Nơi đây, những bạn nhỏ có hoàn cảnh thiếu may mắn nhưng trên tất cả là sự lạc quan và nụ cười tươi khi được các thành viên trong câu lạc bộ đến trao cho các em những món quà nhỏ và tổ chức liên hoan phá cỗ. Nhìn những nụ cười ấm áp của các em nhỏ nơi đây mình thấy vui lắm vì đã làm được một điều gì đó cho các em”.
Trên con đường khám phá bản thân
Cho đi và nhận lại. Tới mỗi tỉnh, những cô cậu sinh viên trẻ lại cảm động khi được người dân nhiệt tình giúp đỡ cho cơm ăn, nước uống cho chỗ nghỉ chân để tiếp tục cuộc hành trình. Sự sẻ chia đó chính là động lực để các thành viên trong câu lạc bộ tiếp tục những chuyến đi, để mỗi lần thêm hiểu và cảm thông sâu sắc hơn với những mảnh đời mà sau này họ sẽ gặp trên những chuyến hành trình của cuộc đời.