Người dân tập trung vây kín trụ sở UBND xã Yên Tâm để yêu cầu di dời trại lợn. Ảnh: VNE
Ngày 24-10 là hạn cuối cùng để Công ty P.N.T di chuyển đàn lợn ra khỏi Trang trại Yên Tâm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, hạn chót đã qua mà công ty P.N.T vẫn không có động thái di dời, từ ngày 25-10, hàng trăm người dân xã Yên Tâm và một số xã lân cận như Yên Giang, Yên Trung, Nông Trường (huyện Yên Định, Thanh Hóa) đã kéo về khu trang trại chăn nuôi của công ty này để gây áp lực, đòi di dời trại lợn đúng theo chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa và cam kết trước đó của đại diện công ty với người dân.
Đến chiều 27-10, Chủ tịch UBND huyện Yên Định đã mời người dân đến trụ sở UBND huyện để đối thoại, tìm hướng giải quyết. Trong cuộc đối thoại này, Chủ tịch UBND huyện đã thông báo với người dân về công văn của tỉnh Thanh Hóa cho phép công ty TNHH P.N.T lùi thời gian di dời từ 24-10 sang ngày 30-11-1014. Tuy nhiên, người dân không đồng ý với quyết định này, rất đông người dân đã tập trung tại cổng trụ sở UBND huyện suốt đêm 27-10, sang ngày 28-10.
Sau đó, người dân lại cùng kéo về vây kín trụ sở UBND xã Yên Tâm để phản đối trại lợn. Phần lớn người dân đều không muốn có sự tồn tại của trại lợn này mà mong muốn di dời ngay ra khỏi địa phương.
NLD dẫn lời ông ông Trịnh Trọng Bảy (người dân địa phương) bức xúc: "Người dân chúng tôi không thể chịu được nữa rồi, nhà tôi ở cách trang trại có vài trăm mét, nên thường xuyên bị hành bởi mùi hôi thối từ trại heo. Nước giếng thì có mùi không tài nào dùng được".
Không những thế, nguồn nước ngầm cũng có dấu hiệu nhiễm độc khi hoa màu vụ đông của người dân trồng gần trại lợn bỗng dưng chuyển màu vàng, héo úa rồi chết dần. Người dân nghi ngờ công ty đã dùng hóa chất độc hại xử lý nước thải…
Ông Bảy cũng cho biết, cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn với vấn nạn ô nhiễm môi trường và luôn nơm nớp lo sợ vì luôn phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật, người dân đấu tranh không chỉ cho cuộc sống sinh hoạt hiện tại mà còn vì các thế hệ tương lai.
Lý giải cho việc đến hạn chót nhưng doanh nghiệp vẫn chưa chịu di dời trại lợn như cam kết trước đó và theo chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa, Dantri dẫn lời ông Đặng Hữu Phách, quản lý trang trại nuôi lợn cho rằng: "Hiện doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nên chưa thể di chuyển đàn lợn nái đi nơi khác được. Việc di chuyển trang trại đi nơi khác không chỉ đơn giản là di chuyển 1.200 con lợn nái đi. Nó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như đất đai, kinh phí của doanh nghiệp. Nguyện vọng của chúng tôi là muốn được tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất và có biện pháp thân thiện với nhân dân và môi trường".
Còn bà Ngô Thị Hoa, Chủ tịch UBND huyện Yên Định thì nhận định trên VNE: "Cho đến giờ phút này rõ ràng doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không chấp hành công văn chỉ đạo của tỉnh khiến người dân bức xúc. Chắc chắn huyện sẽ phải cưỡng chế nếu họ vẫn cố tình không thực hiện. Chúng tôi rất hoan nghênh các doanh nghiệp vào làm ăn tại địa phương, nhưng nếu bị phát hiện có hành vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường cần phải kiên quyết xử lý".
Đến chiều ngày 28-10, ông Nguyễn Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cùng với cán bộ một số sở ban ngành và huyện Yên Định, tiếp tục tới trụ sở UBND xã Yên Tâm để đối thoại với người dân, tìm hướng giải quyết cho việc di dời trại lợn, tuy nhiên các bên vẫn thống nhất được hướng giải quyết.
Lý giải cho việc không đồng tình gia hạn thời gian di dời trại lợn như chỉ đạo mới của tỉnh Thanh Hóa, một người dân xã Yên Tâm bất bình: "Chúng tôi đã cho họ quãng thời gian cả nửa năm nhưng họ vẫn ngang nhiên hoạt động"…