Sáng sớm ngày 11-2, rất nhiều người dân Thủ đô sau khi cúng tiễn “ông Công, ông Táo” về trời đã làm lễ phóng sinh cá chép đỏ tại khu vực Hồ Gươm, hồ Thiền Quang, cầu Long Biên…
Rất nhiều người dân xung quanh khu vực Hồ Gươm đã ra đây thả cá chép.
Dù không chọn cá chép vàng, nhưng ông Trịnh Công Cường (56 tuổi, Hàng Buồm, Hà Nội) cho biết, theo quan niệm từ xưa của cha ông, thả cá chép tiễn ông Táo về trời mang ý nghĩa cầu chúc một năm mới tốt lành, vạn sự như ý, nhà nhà ấm no. Như vậy cá chép vàng hay cá chép thường đều được.
Các bạn sinh viên thả cá chép giúp người dân.
Tại khu vực cầu Long Biên, gần 100 bạn sinh viên có mặt từ sáng sớm để giúp người dân thả cá, tro xuống sông. “Trước đây mọi người thường đứng trên cầu dừng xe thả cá chép, tro xuống sông sau đó vứt túi nilon ra môi trường, hay tro bụi sẽ bay khắp nơi.
Để giúp mọi người nhóm mình đứng trên cầu Long Biên và khu vực hồ Thiền Quang để thu gom cá và tro xuống tận dưới bờ sông Hồng để thả”, bạn Vũ Tiến Nam cho biết.
Để có thể làm được việc đó, các bạn sinh viên ở trên cầu dùng xô bỏ cá chép vào đó sau đó thả xuống bên dưới cho người khác thả xuống sông rồi thu gom túi lại đến cuối buổi sẽ mang đi.
Tại khu vực Hồ Gươm nhiều người thả cá chép tiễn ông Táo về trời.
Theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) thì mới kịp lên thiên đình. Do vậy, ngay từ tối ngày 22 đến sáng sớm 23 tháng Chạp, người người đã bắt đầu thả cá ra sông, suối, hồ nước gần nhà.
Trong tâm thức người Việt, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đồng thời còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Một số hình ảnh PV ghi lại sáng ngày 11/2: