Seatimes – (ĐNA). Ngày 15/3/2024, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức công bố chương trình đào tạo Vi điện tử – Thiết kế vi mạch. Chương trình đào tạo Vi điện tử – Thiết kế vi mạch, chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 được Khoa Điện tử – Viễn thông, trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng thiết kế và xây dựng, hướng đến cung cấp cho sinh viên, nền tảng toàn diện về lý thuyết cũng như thực hành trong quy trình thiết kế vi mạch.
“Thành công của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn không chỉ góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử, mà còn có tác động sâu rộng đến nền kinh tế của quốc gia. Hiện nay, các định hướng quyết liệt của Chính phủ đã mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang gặp phải những thách thức to lớn, trong đó việc thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn cao là một mắt xích quan trọng mà Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ.
Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng cam kết đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng và Việt Nam thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chương trình đào tạo Vi điện tử – Thiết kế vi mạch được công bố ngày hôm nay là một trong những cam kết cụ thể của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đối với xã hội trong trách nhiệm cùng thúc đẩy Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung tham gia sâu hơn vào các công đoạn của chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh.
Chương trình đào tạo Vi điện tử – Thiết kế vi mạch, chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 được Khoa Điện tử – Viễn thông, trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng thiết kế và xây dựng, hướng đến cung cấp cho sinh viên, nền tảng toàn diện về lý thuyết cũng như thực hành trong quy trình thiết kế vi mạch.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, chương trình đào tạo vừa chính thức công bố, với 151 tín chỉ, thời gian đào tạo trong 4 năm rưỡi; được xây dựng dựa trên cơ sở những thế mạnh vốn có của Khoa Điện tử – Viễn thông về vi mạch bán dẫn, từ đội ngũ giảng dạy giàu kinh nghiệm. Chương trình cung cấp cho người học kiến thức, kỹ năng nền tảng và chuyên sâu trong mảng thiết kế vi mạch số, vi mạch tương tự, hỗn hợp, và các ứng dụng liên quan đến vi mạch. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng Kỹ sư.
Với tính chuyên sâu đặc thù của chuyên ngành, Lãnh đạo trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng cũng lưu ý Khoa Điện tử – Viễn thông, phải chú ý làm tốt khâu tư vấn (trong tuyển sinh), sau đó là cố vấn học tập (cho sinh viên trong quá trình đào tạo), giúp các em hoàn thành trách nhiệm của người học, vững vàng kiến thức, kỹ năng, tự tin tham gia vào thị trường nhân lực vi điện tử, thiết kế vi mạch.
Chia sẻ thêm với các bạn sinh viên (tham dự phiên công bố chính thức chương trình đào tạo), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Marvell, ông Lê Quang Đạm gửi gắm thêm rằng: Có một thực tế, các bạn sinh viên đừng bao giờ quên, người Việt chúng ta luôn cần cù, siêng năng, cẩn thận, tỉ mỉ. Ngành vi mạch bán dẫn rất cần những người làm việc có đức tính này.
Cũng theo người đại diện Marvell, không riêng Marvell, các công ty vi mạch đã, đang và luôn có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực. Đây là cơ hội rất lớn cho các bạn đã chọn theo đuổi các chuyên ngành vi điện tử – thiết kế vi mạch, hay các chuyên ngành gần.
Tranh thủ nhiều nguồn lực, hiện đại hóa phòng thực hành, thí nghiệm
Đến nay, Khoa Điện tử – Viễn thông của trường, đã hình thành hệ thống phòng thí nghiệm kỹ thuật Điện tử -Viễn thông, trang thiết bị thực nghiệm luôn được bổ sung mới theo hướng hiện đại, phục vụ tốt yêu cầu đào tạo gắn với thực hành thực tập của sinh viên.
Hệ thống hiện có là 5 phòng thí nghiệm, thực hành thiết kế vi mạch, được đầu tư trang thiết bị với hệ thống máy tính. Ngoài ra, còn có 1 phòng Lab chuyên dụng được cài đặt bộ công cụ (license Cadence) thiết kế vi mạch chuẩn công nghiệp, phục vụ các môn học lĩnh vực Vi điện tử – Thiết kế vi mạch. Khoa Điện tử – Viễn thông cũng được các công ty Keysight và ASIC Technology tài trợ các bộ thiết bị đo lường điện tử hiện đại để nâng cấp các phòng thí nghiệm điện tử. Công ty Renesas, Cadence tài trợ phần mềm chuyên dụng, …
Đặc biệt, mới đây, ngày 1/02/2024, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã khánh thành đưa vào sử dụng tiếp phòng máy tính, phục vụ đào tạo lĩnh vực Vi điện tử – Thiết kế vi mạch. Phòng đang được khai thác, trở thành nơi giảng viên và sinh viên thực hành khóa học “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản”. Khóa học này, được Nhóm chuyên gia Tresemi gốc Việt, hiện đang làm việc tại các công ty thiết kế vi mạch hàng đầu trên thế giới tại Hoa Kỳ (như Skyworks Solutions, Mediatek, Silicon Labs, NXP), xây dựng chương trình, nội dung và giảng dạy.
Không gian “Đổi mới sáng tạo – DUT MAKER INNOVATION SPACE” của nhà trường cũng mới được khánh thành, đi vào hoạt động ách đây không lâu, mở ra cơ hội nghiên cứu, thực hành cho sinh viên.
Xây dựng hệ sinh thái bền vững Nhà trường – Doanh nghiệp
Ngành vi mạch bán dẫn là một ngành đặc thù, trong đó sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo luôn được xem là yếu tố then chốt và quyết định trong cung cấp kiến thức chuyên sâu, bồi đắp kỹ năng thực tế cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời rút ngắn thời gian đào tạo tại doanh nghiệp.
“Tôi mong muốn rằng, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, hãy đồng hành cùng Khoa Điện tử – Viễn thông trong quá trình vận hành chương trình đào tạo Vi điện tử – Thiết kế vi mạch này, hướng tới một hợp tác bền vững và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
Về phía Khoa Điện tử – Viễn thông, Ban lãnh đạo khoa và các thầy cô cần tận dụng tối đa cơ hội to lớn hiện nay để phát triển về nhân lực, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, và hợp tác trong và ngoài nước; phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, chuyên gia trong đào tạo, cụ thể là trong giảng dạy các học phần chuyên đề, học theo dự án, đồ án tốt nghiệp để giúp sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng thực tế, chuyên sâu và đúng tầm kỹ sư vi mạch bán dẫn mà doanh nghiệp mong muốn”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng nhà trường, phân tích.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Marvell, ông Lê Quang Đạm cũng khẳng định rằng, để đào thành công nguồn nhân lực chất lượng, làm việc trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn Nhà trường và Doanh nghiệp càng phải kết gắn, tạo nên một hệ sinh thái bền vững. Về phía Marvell, ông Đạm cam kết “Chúng tôi sẽ tạo môi trường làm việc với tinh thần cởi mở, linh hoạt, phát huy tài năng, sáng tạo của mỗi thành viên.
Nếu nhà trường đã đào tạo căn bản vững vàng về chuyên môn, Marvell sẽ tiếp tục bổ sung thêm và đào tạo thêm kỹ năng lãnh đạo cho các kỹ sư trẻ. Môi trường làm việc của Marvell rất chú trọng làm việc nhóm, do vậy cần có những lãnh đạo nhóm giỏi. Và không chỉ làm việc trong nhóm với nhau, nhóm này cũng phải làm việc với nhóm khác, cùng hoàn thành một dự án chung. Và tiếng Anh bao giờ cũng vô cùng quan trọng, “ngôn ngữ của vi mạch” này luôn cần thiết để các nhóm từ Việt Nam chúng ta, làm việc, trao đổi với những nhóm ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Israel, …
Đà Nẵng chọn “Nguồn nhân lực” là khâu đột phá
Ông Lê Hoàng Phúc – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, khẳng định rằng, tập trung đào tạo nguồn nhân lực đủ khả năng và kỹ năng tham gia thiết kế vi mạch, chính là sự lựa chọn có tính đột phá của thành phố Đà Nẵng. Đà Nẵng cũng là địa phương đi tiên phong trong sự lựa chọn có ý nghĩa quyết định này (từ tháng 10/2023, Đà Nẵng đã chủ động mở hội thảo về đào tạo vi mạch bán dẫn). Đà Nẵng kiên định rằng, cùng với các chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực đáp ứng đúng yêu cầu nhà tuyển dụng, cũng là yếu tố thu hút, tạo nên sức hấp dẫn của môi trường đầu tư vào lịh vực vi mạch.
Khoảng quý III năm nay, tại Công viên phần mềm (Đà Nẵng) số 2, sẽ ra đời 3 phòng Lab dùng chung phục vụ nghiên cứu thiết kế vi mạch. HĐND thành phố sắp đến, cũng sẽ xem xét có chính sách học bổng đặc thù cho sinh viên chuyên ngành vi mạch; Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo thành phố, cùng các trường đại học và cơ quan chức năng, cũng đang xúc tiến thiết kế chương trình đào tạo linh hoạt, đáp ứng yêu cầu (của người học) trong chuyển đổi ngành gần, sang ngành thiết kế vi mạch.
Được biết, Đà Nẵng hiện có 5 đại học đảm nhận trọng trách đào tạo nguồn nhân lực vi mạch, gồm Đại học Bách khoa ; Đại học Công nghệ thông tin và Tuyền thông Việt – Hàn và Đại học Sư phạm kỹ thuật (3 đại học thành viên Đại học Đà Nẵng), Đại học FPT và Đại học Duy Tân.
Vào ngày 21/10/2023, Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng cũng đã công bố chương trình tuyển sinh, đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch./.
Trung Đức