Seatimes – (ĐNA). Theo báo Tuổi Trẻ đăng ngày 1/8/2024 cho thấy, tại nhiều tuyến đường ở TP Đà Nẵng vẫn diễn ra tình trạng nhà hàng, quán ăn cho nhân viên tràn xuống lòng đường chèo kéo khách. Việc này không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn làm xấu đi hình ảnh “thành phố đáng sống” khiến nhiều người bức xúc. Việc phân công đúng, giao trách nhiệm đúng các đơn vị quản lý thì mới có thể xử lý dứt điểm được những vấn nạn này.
Theo báo Tuổi Trẻ, “khi đi dọc các tuyến đường như Bạch Đằng, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Sắc… không khó để bắt gặp hình ảnh nhân viên của nhiều hàng quán bát nháo tràn xuống lòng, lề đường, dùng đủ mọi cách để mời gọi, chèo kéo khách. Khi đã “khóa” được mục tiêu, những nhân viên này lại càng ra sức hét to, vẫy tay, giơ biển quảng cáo hoặc thậm chí là bước ra chặn đầu xe để thu hút sự chú ý. Đối với nhiều người, đặc biệt là khách du lịch, việc mời gọi như “bắt cóc” này gây nhiều phiền toái, khó chịu”.
“Nhiều khách đến Đà Nẵng cho rằng, không những không mời được khách mà những chiêu trò này nhiều lúc còn gây ra tác dụng ngược, tạo thiện cảm không tốt trong lòng khách hàng. Bên cạnh đó, việc nhân viên đứng chặn đầu xe có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt là trong giờ cao điểm”.
“Nạn “lùa” khách nói trên cũng đã diễn ra lâu nay ở nhiều tuyến đường khác như: Phan Tứ (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), Ngô Văn Sở (phường Hòa Khánh Nam), Tản Đà (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê)…
Nhận thấy, những đối tượng trên không phải là đối tượng ăn xin, bán hàng rong lang thang không nơi cư trú (thuộc sự quản lý của Sở LĐTBXH), mà là những nhân viên của các nhà hàng, quán ăn được phân công nhiệm vụ lôi kéo khách vào ăn để tăng thu nhập cho quán. Vì vậy, theo Nghị định 39/CP ngày 16/3/2007 và Quyết định 55/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND thành phố Đà Nẵng thì xử lý các trường hợp này thuộc trách nhiệm của Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải và các UBND quận, huyện, phường, xã.
Trong Quyết định 55/2014/QĐ-UBND, ngày 31/12/2014 của UBND thành phố Đà Nẵng nêu rõ:
Điều 12. Sở Công Thương
1.Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, phường, xã tổ chức hướng dẫn thực hiện nội dung Nghị định số 39/2007/NĐ-CP có liên quan đến Quy định này và pháp luật có liên quan đối với các cá nhân hoạt động thương mại.
2.Chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố quyết định các hoạt động cụ thể bị cấm của cá nhân hoạt động thương mại trên từng tuyến đường được quy định tại Phụ lục I và Phụ lục 2 Quy định này.
Điều 16. UBND các quận, huyện
1.Chủ tịch UBND quận, huyện là người chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác quản lý trật tự vỉa hè trên địa bàn.
2.Cấp và thu hồi Giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 Quy định này.
3.Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nội dung Quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trên địa bàn quản lý.
4.Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các phường, xã cấp và thu hồi Giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè thuộc địa bàn quận, huyện được quy định tại khoản 4 Điều 8 Quy định này.
5.Chỉ đạo UBND các phường, xã, các phòng, ban liên quan kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông; bảo đảm việc quản lý, giữ gìn trật tự và an toàn giao thông trên vỉa hè của các tuyến đường thuộc địa bàn quận, huyện.
6.Chỉ đạo Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an các quận, huyện phối hợp với Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an thành phố, Thanh tra Sở Giao thông vận tải trong việc bảo đảm giữ gìn trật tự và an toàn giao thông trên vỉa hè của các tuyến đường thuộc địa bàn quận, huyện.
7.Thực hiện việc kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm hành chính trong việc quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông.
8.Tổ chức thu và quản lý phí sử dụng tạm thời vỉa hè của các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông theo đúng quy định hiện hành.
9.Định kỳ hàng quý tổng hợp và báo cáo công tác quản lý trật tự vỉa hè trên địa bàn quận, huyện gửi Sở Giao thông vận tải để báo cáo UBND thành phố.
Điều 17. UBND các phường, xã
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nội dung Quy định này đến các Tổ dân phố, các hộ gia đình trên địa bàn do xã, phường quản lý.
2.Tiếp nhận Thông báo, hướng dẫn và giám sát việc sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông cho việc cưới, việc tang của các hộ gia đình, cá nhân được quy định tại khoản 4 Điều 6 và khoản 4 Điều 8 Quy định này.
3.Thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm hành chính trong việc quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông.
4.Phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận, huyện trong việc bảo đảm giữ gìn trật tự và an toàn giao thông trên vỉa hè của các tuyến đường thuộc địa bàn phường, xã.
5.Đề xuất cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép tại Điều 8 của Quy định này thu hồi Giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông khi phát hiện các tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi giấy phép được quy định tại Điều 10 Quy định này.
Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã thực hiện thành công 5 không đó là : Không có hộ đói; Không có người mù chữ; Không có người lang thang xin ăn; Không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng; Không có giết người để cướp của. Do vậy, những hiện tượng phản cảm của các nhà hàng, quán ăn nêu trên làm giảm hình ảnh thân thiện vốn có của “Thành phố đáng sống” trong mắt du khách.
Chy Lê