Trong bài trước, Seatimes đã đề cập đến hợp đồng mua bán căn hộ của Công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng (Hancic) với các hộ dân tại CT4, Khu đô thị mới (KĐTM) Trung Văn. Theo đó, Hancic, với tư cách là chủ đầu tư, đã hoàn thành đúng nghĩa vụ đối với các hộ dân khi đến nay, các hộ dân tại đây đã nhận được đầy đủ giấy tờ liên quan đến việc sở hữu nhà. Thế nhưng, đối với các hộ dân tại ĐN 1&3, CT3, KĐTM Trung Văn, nơi Hancic là chủ đầu tư và Sông Hồng 1 là bên bán trực tiếp, các hộ dân cho tới thời điểm này vẫn chưa nhận được các giấy tờ liên quan đến việc sở hữu nhà.
Seatimes đã tìm hiểu về hợp đồng mua bán căn hộ giữa Sông Hồng 1 và các hộ dân.
“Trốn” nghĩa vụ
Năm 2009, Sông Hồng 1, đại diện là Tổng giám đốc Phạm Văn Nghĩa (hiện ông Nghĩa là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Hồng) đã tiến hành ký hợp đồng với các hộ dân mua căn hộ tại ĐN 1&3, CT3, KĐTM Trung Văn.
Hợp đồng mua bán căn hộ giữa Sông Hồng 1 và một trong các hộ dân
Tại Khoản 5.2.5, Điều 5 về Quyền và nghĩa vụ của bên A (Công ty Sông Hồng 1 – PV) trong Hợp đồng mua bán căn hộ có nêu rõ: Bên A có nghĩa vụ “Cung cấp đầy đủ các thủ tục pháp lý trong việc mua bán nhà và phối hợp với bên B hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành”.
Thế nhưng, dù đã thu đủ 100% các khoản phí quy định trong hợp đồng, suốt 2 năm nay, Công ty Sông Hồng 1 lại chưa hề xuất bất cứ một hóa đơn GTGT nào. Bên cạnh đó, Sông Hồng 1 hiện vẫn chưa bàn giao cho các chủ hộ các giấy tờ như: bản vẽ hoàn công căn hộ, phụ lục hợp đồng mua bán căn hộ (trong đó xác định rõ giá trị cuối cùng dựa trên bản vẽ hoàn công căn hộ và đo đạc thực tế), các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan tới việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (GCNQSHN).
Một trong những điều khoản quy định quyền lợi và nghĩa vụ của các bên
Khoản 6.1.2, Điều 6 về Quyền và nghĩa vụ bên B (các hộ dân mua căn hộ – PV) quy định: Bên B có quyền “Yêu cầu bên A làm thủ tuc nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở đối với căn hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 01/2009/TT-BXD ngày 25-9-2009 của Bộ Xây dựng”.
Quy định rõ là vậy, nhưng gần 200 hộ dân (trong đó có 125 hộ làm đơn tố cáo) đã phải đấu tranh trong suốt 2 năm qua để đòi Sông Hồng 1 thực hiện quyền lợi của mình. Và cho tới thời điểm hiện tại, cái quyền ấy vẫn chưa hề được thực thi.
Bà Phạm Thị Xuân – Ban đại diện lâm thời đơn nguyên 1&3 CT3 bức xúc: “Nghĩa vụ thì chúng tôi đã thực hiện đầy đủ, nhưng quyền lợi của mình thì lại không hề được đảm bảo. Tiền đã đóng đủ, nhà được bàn giao đã hơn 2 năm, vậy mà vẫn chưa thấy "bóng dáng" hóa đơn VAT và các thủ tục giấy tờ để cấp GCNSHN đâu. Sông Hồng 1 đang cố tình kéo dài, chây ì để hành hạ chúng tôi sao?”.
Cũng tại Khoản 5.2.1, Điều 5 về Quyền và nghĩa vụ của bên A: Bên A có nghĩa vụ “Xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng theo quy hoạch tổng thể đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo khi bàn giao, bên B có thể sử dụng và sinh hoạt bình thường”.
Ngày 28/7/2014, Ban đại diện cư dân đơn nguyên 1&3 đã gửi Bản kiến nghị số 10 tới Công ty Hancic và Sông Hồng 1. Bản kiến nghị nêu rõ: “Lối ra vào thang máy tại tầng 1 đơn nguyên 1&3 không đúng thiết kế ban đầu khi Sông Hồng 1 ký hợp đồng với các hộ dân, nếu sự cố xảy ra thì hậu quả khôn lường”.
Bà Phạm Thị Xuân (trái) đang trao đổi với PV Seatimes
Giải thích về việc xây lối ra vào “không đúng thiết kế” này, bà Xuân nói: “Đáng ra, lối ra vào phải được xây ở tầng 1, thế nhưng bên Sông Hồng 1 lại bít vào, chúng tôi phải lên xuống qua tầng hầm để xe. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị nhưng phía Sông Hồng 1 cũng chỉ hứa hẹn sẽ phá tường để xây lối đi mới, nhưng rồi vẫn bỏ đấy”.
Bàn giao nhà muộn, thu tiền điện không đúng
Một điều khiến nhiều hộ dân tại đây bức xúc khác là việc Sông Hồng 1 đã chậm trễ trong quá trình thực hiện thủ tục bàn giao căn hộ, gây thiệt hại đến quyền lợi của các hộ dân.
Biên bản bàn giao nhà giữa Sông Hồng 1 và một hộ dân
Tại Điều 9, Hợp đồng mua bán căn hộ về Giao nhận căn hộ quy định: “Thời gian giao căn hộ: Quý II/2011. Thời gian này không tính khoảng thời gian phải dừng thi công do những nguyên nhân khách quan bất khả kháng hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”.
Vậy nhưng, theo bà Xuân: “Chúng tôi bắt đầu được bàn giao căn hộ và chuyển tới sinh sống từ tháng 9/2012. Tất cả các hộ ở đây đều bị bàn giao căn hộ chậm hơn cả năm trời so với hợp đồng”.
Cũng theo phản ánh của các hộ dân tại đơn nguyên 1&3, trong thời gian mới chuyển đến sinh sống đã xảy ra tình trạng Công ty Sông Hồng thu tiền điện trái phép.
Bà Xuân cho biết: “Bắt đầu từ tháng 8/2012, Sông Hồng 1 thu mỗi hộ 1 triệu đồng/tháng tiền điện nước, kể cả những hộ chỉ mới đến được vài ngày. Điều đặc biệt sai phạm ở đây là chúng tôi phải mua điện với giá bán lẻ của họ, không hề có phiếu thu; Sông Hồng 1 chỉ kẻ một danh sách để ai nộp tiền thì kí tên vào. Việc thu tiền sai như vậy kéo dài đến tận tháng 7/2013”.
Tháng 7/2013, Công ty Hancic đã gửi Công văn số 756/CV-CT tới Công ty Sông Hồng 1. Nội dung công văn có nêu rõ: “Việc Quý Công ty (Sông Hồng 1 – PV) sử dụng nguồn điện cấp cho thi công để cấp cho các hộ dân sử dụng là sai mục đích sử dụng điện và vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ”.
Theo đó, phía Hancic đã yêu cầu Sông Hồng 1 chấm dứt ngay việc sử dụng điện sai mục đích và vi phạm quy định an toàn, Hancic sẽ cắt nguồn điện thi công đang cấp và liên hệ với Công ty TNHH dịch vụ đô thị Hancic để được cấp nguồn điện theo đúng mục đích sử dụng.
Ông Ngô Đình Đức, phòng 902 đơn nguyên 3 cho biết thêm: “Phải đến tháng 9/2013 chúng tôi mới được sử dụng nguồn điện cung cấp từ Công ty Điện lực Từ Liêm, tuy nhiên, các hộ dân phải tự bỏ tiền túi để trang bị hệ thống công tơ điện. Mãi cho đến tháng 12/2013, các hộ dân mới được thay thế bằng hệ thống công tơ mới của Điện lực Từ Liêm”.