Theo kết luận này, tại Hải Dương đã để xảy ra nhiều sai phạm trong đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị và dịch vụ.
Vi phạm Luật Đất đai, gây thiệt hại lớn về tài chính
Bản thông báo do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh ký nêu rõ: “Trong thời kỳ 2002-2012, UBND tỉnh Hải Dương và các đơn vị trong tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị, dịch vụ và các dự án sản xuất kinh doanh khác, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng về công nghiệp và kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng, còn một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm”.
Cụ thể, UBND tỉnh đã không kiểm tra, giám sát để các chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Tân Trường cho thuê đất vào đất cây xanh, diện tích 1,73ha, thu lợi hơn 18 tỷ đồng; Khu công nghiệp Nam Sách cho thuê đất vào Trung tâm Điều hành, đất đầu mối kỹ thuật, thu lợi 241.800USD; Khu công nghiệp Đại An cho thuê đất vào đất Trung tâm Điều hành, đất đầu mối kỹ thuật, thu lợi 342.252USD.
Mặc dù chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhưng đã ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê lại đất, vi phạm Luật Đất đai năm 2003. Khu công nghiệp Đại An cho 16 doanh nghiệp thuê lại gần 40ha đất, Khu công nghiệp Đại An mở rộng cho 4 doanh nghiệp thuê lại hơn 23ha đất.
Thông báo Kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Khu công nghiệp Tân Trường, UBND tỉnh Hải Dương giao cho Công ty Nam Quang vượt 21,4ha so với diện tích được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Khu công nghiệp Cẩm Điền-Lương Điền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất hơn 112ha khi chủ đầu tư còn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. UBND tỉnh cũng chậm thực hiện đối trừ tiền bồi thường hỗ trợ, tái định cư của Công ty Phúc Hưng đã chi trả vào tiền thuê đất. Với dự án Khu công nghiệp Việt Hòa- Kenmark, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện nhưng thu hút đầu tư chậm; hiện tại đang tạm dừng hoạt động.
Vi phạm về môi trường, quản lý quỹ đất
Hầu hết các cụm công nghiệp ở tỉnh Hải Dương chưa được đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt; đặc biệt chưa có cụm công nghiệp nào đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, nên đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề môi trường. Trong khi đó, hệ thống cấp nước sạch phía bắc cụm công nghiệp giao Công ty Cấp nước Hải Dương là đơn vị kinh doanh, quản lý, sử dụng có trị giá hơn 874 triệu đồng hiện chưa được thu hồi hoàn trả về ngân sách nhà nước.
Đối với dự án khu dân cư, đô thị và dịch vụ, hiện có 3 dự án sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng UBND tỉnh không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu thầu công trình xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc đấu giá đất theo quy định; các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng đến thời điểm thanh tra chưa tổ chức nghiệm thu, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình…
UBND tỉnh Hải Dương đã cấp Giấy CNQSD đất cho toàn bộ khu đất, trong đó có các phần diện tích đất giao thông, cây xanh, công cộng gồm dự án Khu dân cư phục vụ Khu công nghiệp Đại An, với diện tích gần 16.000m2; 2 giấy CNQSD đất cấp lại của dự án Khu đô thị mới phía đông TP Hải Dương chưa đúng quy định; cấp giấy CNQSD đất khi chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với hàng loạt dự án như: Khu đô thị mới Tuệ Tĩnh, diện tích 55.789m2, dự án Tổ hợp Thương mại dịch vụ Ngọc Châu, diện tích hơn 79.000m2…
UBND tỉnh không kiểm tra, giám sát để Chủ đầu tư Dự án Khu dân cư phục vụ Khu công nghiệp Đại An xây dựng một khu nhà vườn, diện tích 1.400m2 vào diện tích đất để xây dựng trường cấp I thuộc loại đất giao không thu tiền sử dụng đất…
Yêu cầu thu hồi hàng trăm tỷ đồng
Theo kết luận thanh tra, tổng số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất từ năm 2002 đến 2012 là 1.728 tỷ 047 triệu đồng, nhưng số tiền nợ đọng lên đến 444 tỷ 336 triệu đồng. Việc để nợ đọng số tiền lớn như vậy đã ảnh hưởng tới việc thu ngân sách của tỉnh.
Để khắc phục những vấn đề trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương thu hồi về ngân sách nhà nước các khoản như: Tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; số tiền 874,150 triệu đồng đối với hạng mục hệ thống cấp nước sạch phía bắc cụm công nghiệp thành phố; tiền sử dụng đất đối với diện tích 10,7ha đất do chuyển đổi từ đất du lịch sinh thái sang đất ở thuộc Khu đất Đảo Ngọc sau khi điều chỉnh dự án Khu đô thị mới phía tây của Công ty Nam Cường. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị thu hồi số tiền gần 1,2 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp của dự án Khu đô thị mới Tuệ Tĩnh do Công ty Thành Đô làm chủ đầu tư; 10,4 tỷ đồng tiền sử dụng đất còn phải nộp của Dự án khu dân cư-chợ dịch vụ thương mại xã Tráng Liệt do Công ty Cổ phần Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể UBND và cá nhân qua các thời kỳ; chỉ đạo các sở, ngành kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân qua các thời kỳ trong việc tham mưu, đề xuất, thiếu kiểm tra, đôn đốc, chậm phát hiện xử lý các sai phạm trong thực hiện chức trách quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có hình thức kỷ luật phù hợp đối với tập thể, cá nhân có sai phạm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Thanh tra Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hướng dẫn UBND tỉnh Hải Dương xử lý một số trường hợp vi phạm liên quan đến Công ty Cổ phần Đại An.
NGỌC HOÀNG