– Người làm công tác khoa học như leo lên một ngọn núi , mà không phải lúc nào cũng vượt qua được. Cũng như muốn nhìn được xa hơn phải biết đứng vững trên đôi vai của người khổng lồ nghĩa là phải biết thừa kế và phát huy kho tàng tri thức nhân loại, sự hỗ trợ giúp đỡ của người đi trước và điều quan trọng là lòng khát khao, say mê nghề nghiệp”.
Ông nói những câu nói trên bằng giọng trầm tĩnh, cái trầm tĩnh của một nhà khoa học từng trãi, thành công trong lĩnh vực y học bằng sự thông minh, miệt mài, bền bỉ và trên hết là lòng yêu nghề.
Đó là những tâm sự của GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc bệnh viện Trung Ương Huế, một bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật tim.
Con đường đến với ngành Y của bác sĩ Bùi Đức Phú không cao sang như học vị mà ông đang có. Cho đến khi đậu xong tú tài bằng ưu ban toán 1974, người thanh niên đầy nhiệt thành này vẫn đang băn khoăn trước sự chọn lựa cho tương lai để trở thành kỹ sư xây dựng hay kỹ sư điện tử. Chính người bố giàu kinh nghiệm, từng trải trong cuộc đời đã định hướng và giới thiệu ông với những người bạn của mình là bác sĩ ngoại khoa giỏi cho phép ông được vào phòng mổ xem trực tiếp những ca mổ thành công của họ. Cùng với ký ức một thời khi ông còn nhỏ thường xuyên phải vào bệnh viện thăm nom mẹ bị bệnh nặng đã làm thay đổi định hướng nghề nghiệp để ông quyết định thi vào Y khoa.
Ông chọn Huế để học tập, bởi Huế không chỉ là đất học, có truyền thống y học nổi tiếng mà còn là vùng quê thanh bình yên tĩnh, nơi có những ngôi chùa cổ kính với nét đẹp kiến trúc đã làm ông say mê từ những ngày còn nhỏ.
Bước vào trường Y khoa Huế những ngày sau giải phóng, ông hoạt động tích cực sôi nổi trong các phong trào của Hội liên hiệp Sinh viên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Cộng với tố chất thông minh cùng sự chăm chỉ, nghiêm túc học tập của mình, suốt những năm học ở Trường Đại học Y khoa Huế, ông vẫn luôn được xếp trong tốp sinh viên đứng đầu lớp. Những năm cuối, ông hầu như ở luôn trong bệnh viện, bám sát bệnh nhân, làm việc như một nhân viên phòng mổ và được các thầy, các bậc đàn anh, đàn chị nhân viên điều dưỡng kỹ thuật viên quý mến, hướng dẫn tận tình và cho phép thực hiện những ca mổ đơn giản để nâng cao tay nghề.
Năm 1980, khi đang học năm thứ 6 tại Đại học Y khoa Huế, ông là một trong số những sinh viên giỏi được trường gửi ra Trường đại học Y khoa Hà Nội để đào tạo cán bộ nguồn. "Đó là bước ngoặt quyết định sự nghiệp khoa học của tôi"- Ông tâm sự.
Thực tập tại Bệnh viện Việt Đức do GS. Tôn Thất Tùng làm giám đốc, người con xứ Huế đặt nền móng cho ngành ngoại khoa Việt Nam, Giáo sư nhanh chóng phát hiện những phẩm chất cần thiết của một bác sĩ ngoại khoa ở người học trò này . Đó là sự chính xác khéo léo trong thao tác, sự quyết đoán và bình tĩnh trong mọi tình huống, khả năng tiếp thu kiến thức, năng lực tổ chức và sự trung thực. Chính những tố chất đó, ông được chọn theo học nội trú bệnh viện Việt Đức trong vòng 4 năm và được ưu tiên đi phụ mổ với GS. Tôn Thất Tùng.
Một chân trời mới về y học được mở ra, với ông kiến thức nào được thực hiện tại đây đều là mối quan tâm và thôi thúc ông học hỏi. Các học trò của Thầy Tùng như GS. Tôn Đức Lang, GS. Bửu Triều, GS. Đặng Hanh Đệ, GS. Nguyễn Đình Hối, GS. Tôn thất Bách… đã thường xuyên kiểm tra kiến thức tay nghề, tác phong kỹ luật, thúc đẩy anh hoàn thiện tiếng Pháp để có cơ hội dự thi nội trú Pháp.
Bác sĩ Phú nhớ lại: Lúc đó đời sống khó khăn lắm, làm việc thì không kể giờ giấc sức lực, ăn thì bửa no bữa đói, các thầy các anh chị nhân viên trong bệnh viện thường xuyên chia bớt phần cơm bằng cách gọi lên ăn chung hoặc mời về nhà ăn cải thiện cuối tuần. "Nghiêm khắc nhưng bao dung", đó là nguyên tắc sống của các bậc thầy mà ông thường xuyên tâm niệm thực hiện một khi mình làm thầy.
Được tiếp cận, học hỏi những Giáo sư đầu đàn, anh không chỉ tiếp thu được những bài học, kinh nghiệm quí trong chuyên ngành phẫu thuật, mà quan trọng là định được hướng đi trên con đường khoa học gập ghềnh, đầy chông gai này.
Những năm 1980, các bệnh viện ở miền Trung kể cả miền Nam chưa phát triển lĩnh vực phẫu thuật tim mạch nên ông quyết tâm đi sâu nghiên cứu chuyên ngành này.Thi tốt nghiệp cuối khóa năm 1981, trong số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của Trường Đại học Y khoa Hà Nội , có tên một sinh viên của Huế là Bùi Đức Phú. Ông tiếp tục theo học nội trú đến năm 1984, sau đó về dạy tại Trường Đại học Y khoa Huế (lúc ấy Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Đại học y khoa Huế được sát nhập có tên gọi Học viện Y Huế), mang theo sự háo hức mong muốn triển khai lĩnh vực mới vừa được học, cả niềm hy vọng, tin tưởng của các thầy ở Hà Nội về một người học trò đầy triển vọng.
Hành trình đến với công việc phẫu thuật tim của GS,TS Bùi Đức Phú từ đó chỉ mới bắt đầu. Để đạt được thành quả như hôm nay là cả một sự nỗ lực, kiên trì học hỏi, tìm tòi và thực nghiệm của bác sĩ Phú.
Còn tiếp: Bài 2 – GS.TS Bùi Đức Phú, người góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ ghép tim thế giới