Seatimes – (ĐNA). Cố cung Nara (Heijō-kyū), tọa lạc tại thành phố Nara, tỉnh Nara, Nhật Bản, là trung tâm chính trị và văn hóa của quốc gia trong thời kỳ Nara/Heijo (710–794). Đây là kinh đô đầu tiên được quy hoạch theo mô hình kinh đô Trung Hoa cổ điển vốn được hoạch định từ rất sớm, phản ánh sự tiếp nhận tư tưởng và hệ thống quản trị từ nhà Đường. Tuy nhiên, sau khi kinh đô Nhật Bản được chuyển về Heian (Kyoto), cố cung Nara nhanh chóng suy tàn, và dần bị chôn vùi dưới lớp đất của thời gian trong hơn một nghìn năm.

Mãi đến thập niên 1960, những cuộc khai quật khảo cổ học quy mô mới hé lộ quy mô và giá trị to lớn của hoàng cung xưa. Từ đó, chính phủ Nhật Bản cùng các nhà nghiên cứu đã thực hiện một chiến lược lâu dài để quy hoạch, bảo vệ, nghiên cứu và trùng tu từng phần công trình, khôi phục không chỉ kiến trúc mà còn cả linh hồn của một kinh đô cổ từng là biểu tượng quyền lực quốc gia.
Bước ngoặt đầu tiên diễn ra vào thập niên 1960, khi các cuộc khảo cổ học tại khu vực phía bắc thành phố Nara tình cờ phát hiện nền móng của các công trình cổ xưa quy mô lớn, cùng với hiện vật gốm, gạch, ngói và các dấu tích kiến trúc đặc trưng của cung điện cổ. Qua phân tích tư liệu lịch sử như “Nihon Shoki” (Nhật Bản thư kỷ), các nhà nghiên cứu xác định đây chính là trung tâm hoàng cung thời Nara – cố cung Heijō-kyū.
Trước nguy cơ đô thị hóa nhanh chóng làm hủy hoại di tích, chính phủ Nhật Bản đã sớm có quyết định quan trọng: quy hoạch toàn bộ khu vực 130 ha nơi đặt nền móng hoàng cung xưa thành khu vực bảo tồn di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia. Việc dành một diện tích rộng lớn như vậy trong lòng thành phố hiện đại để bảo tồn một di tích khảo cổ được đánh giá là một lựa chọn có tầm nhìn chiến lược, thể hiện nhận thức sâu sắc của Nhật Bản về giá trị lịch sử – văn hóa trong quá trình phát triển đất nước.
Và từ đó đến nay, Nhật Bản đã bỏ ra nhiều thập niên để nghiên cứu công phu, từ khảo cổ đến tái thiết một kinh đô lịch sử.
Ngay sau khi khoanh vùng bảo vệ, một chương trình nghiên cứu liên ngành bài bản đã được triển khai trong suốt hơn 30 năm, quy tụ nhiều thế hệ học giả, kiến trúc sư, khảo cổ học, dân tộc học, nghiên cứu sử học và nghệ nhân truyền thống.
Các phương pháp nghiên cứu chính được áp dụng bao gồm:
Khảo cổ học: Tiến hành hàng trăm hố khai quật để làm rõ cấu trúc mặt bằng, kỹ thuật xây dựng, vật liệu sử dụng và chức năng từng công trình.
Nghiên cứu dân tộc học và kiến trúc truyền thống: So sánh với kiến trúc cung đình tại các đền chùa cổ, kiến trúc dân gian và di tích thời Đường ở Trung Quốc, đặc biệt là những ngôi chùa cổ còn lại ở Nara.
Sử liệu học: Phân tích tài liệu cổ, bản đồ, văn tự và thư tịch như Shoku Nihongi để tái hiện quy mô, bố cục cung điện.
Khảo sát địa tầng và phân tích vật liệu: Ứng dụng công nghệ địa chất và hóa học để xác định niên đại các lớp đất, kỹ thuật nung gạch, màu sơn truyền thống…
Chính nhờ sự kiên trì và hệ thống trong nghiên cứu, các nhà khoa học Nhật Bản đã phục dựng được mô hình tổng thể của cố cung Heijō-kyū, từ bố cục theo trục chính – phụ, đến hệ thống tường thành, cổng, điện, hành lang và khu vườn hoàng gia.

Quá trình trùng tu và phục hồi từng bước đã tạo nên một chuỗi công trình biểu tượng.
Dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học chặt chẽ, Nhật Bản đã tiến hành phục dựng một số công trình tiêu biểu, không chỉ để phục vụ giáo dục và du lịch, mà còn là cách “hiện thực hóa” ký ức lịch sử bằng hình hài vật chất.
Chu Tước Môn (Suzakumon – 朱雀門)
Là cổng chính phía Nam của cố cung, nơi tổ chức nghi lễ triều đình và đón tiếp sứ thần. Tên gọi “Chu Tước” bắt nguồn từ biểu tượng linh điểu phương Nam trong hệ thống Tứ tượng của văn hóa Á Đông. Chu Tước Môn được phục dựng và hoàn thành vào năm 1998, với màu đỏ son truyền thống, mái ngói cong vút và tỷ lệ kiến trúc tuân thủ nghiêm ngặt theo mô hình cũ. Công trình đầu tiên được trùng tu phục hồi này trở thành biểu tượng cho sự tái sinh của cố đô Nara.
Đại Cực điện (Daigokuden – 大極殿)
Là điện chính của hoàng cung, nơi cử hành nghi lễ đăng quang, đại yến, bàn thảo chính sự. Đại Cực điện được phục dựng quy mô lớn và khánh thành năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1300 năm thành lập cố đô Nara. Kiến trúc đồ sộ, hoành tráng, sử dụng các loại gỗ quý và kỹ thuật mộc truyền thống, phản ánh đỉnh cao của kiến trúc cung đình Nhật Bản cổ đại.
Bảo tàng Di tích Cố cung Nara (Heijō Palace Site Museum)
Là trung tâm trưng bày và giáo dục, giới thiệu quá trình khai quật, phục dựng, cùng các hiện vật gốc tìm thấy tại di chỉ như ngói, gốm, thư tịch. Bảo tàng còn tích hợp mô hình 3D, phim tư liệu và các thiết kế tương tác, giúp người xem hình dung toàn diện về đời sống hoàng cung thời Nara.

Nara: Một di sản sống với công tác nghiên cứu và phục hồi vẫn tiếp diễn không ngừng
Điều đáng chú ý là công cuộc phục hồi cố cung Nara không dừng lại ở những thành tựu đã đạt được. Nhật Bản vẫn đang tiếp tục mở rộng nghiên cứu, phục dựng thêm các khu vực hành chính, nhà chức năng, vườn hoàng gia và hành lang nối liền các cung điện. Các cuộc khai quật nhỏ vẫn diễn ra định kỳ, với mục tiêu vừa làm sáng tỏ thêm các mảnh ghép lịch sử, vừa bổ sung tư liệu để mở rộng trùng tu chính xác hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục cộng đồng, tổ chức lễ hội mô phỏng nghi lễ cổ xưa (như lễ đăng quang, nghi thức triều bái) cũng được tổ chức thường xuyên trong khuôn viên cố cung phục dựng. Điều này không chỉ thu hút du khách, mà còn góp phần chuyển hóa di sản thành một phần sống động của hiện tại, bắc cầu giữa quá khứ và tương lai. So sánh diện mạo cố cung Nara từ mùa xuân năm 1999 khi lần đầu tiên tôi đến đây với hiện tai, sau tròn 26 năm, thì đã có một sự thay đổi rất lớn bởi sự xuất hiện của Đại Cực điện, các khu vườn hoàng gia, khu hành chính…đã được phục dựng. Đặc biệt là hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày về thời kỳ Nara đã được hoàn thiện, bổ sung lên rất nhiều.

Có thể xem Nara là một hình mẫu bảo tồn di sản văn hóa
Trường hợp của cố cung Nara là một tấm gương điển hình về cách một quốc gia hiện đại có thể quy hoạch, gìn giữ và phục hưng ký ức lịch sử lâu dài với tinh thần khoa học, lòng kiên trì và sự trân trọng quá khứ. Việc dành hơn nửa thế kỷ để nghiên cứu, phục dựng từng viên ngói, từng chiếc cột, không phải để sống trong quá khứ, mà để giáo dục thế hệ mai sau và xây dựng bản sắc dân tộc trong một thế giới toàn cầu hóa.
Trong bối cảnh đô thị hóa và thương mại hóa đang đe dọa nhiều di sản tại châu Á, câu chuyện của cố cung Nara không chỉ mang tính lịch sử, mà còn là một thông điệp đương đại đầy giá trị: bảo tồn di sản không phải là giữ lại những phế tích, mà là hồi sinh ký ức một cách sống động, có chiều sâu và bền vững.
Đó cũng là một bài học quý giá cho chúng ta, đặc biệt là cho cố đô Huế, bởi có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai cố đô này.
Yên Chi