Seatimes – (Đà Nẵng). Ngày 24/2/2024, đã diễn ra talkshow “Khởi nghiệp cùng Shark Hùng Anh” do trường Đại học Kinh tế (DUE) – Đại học Đà Nẵng tổ chức. Hàng trăm sinh viên đã tham dự trực tiếp chương trình cùng hàng ngàn lượt theo dõi (livestream).
Talkshow cũng là hoạt động khởi đầu của cuộc thi thường niên Startup Runway 2024 – “Toward a New Era: Empowering Sustainable Entrepreneurship”, do DUE tổ chức (từ năm 2016). Startup Runway không còn là sân chơi dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, miền Trung-Tây Nguyên, mà đã mở rộng trên phạm vi cả nước.
Trải lòng cùng thế hệ đàn em
Ông Lê Hùng Anh (Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation Group) – là một trong những Doanh nhân đã có mặt ở dãy ghế dành cho nhà đầu tư, trong chương trình Shark Tank Việt Nam. Anh nổi tiếng là chuyên gia khởi nghiệp “nói thật, nói thẳng”, đúng với phong cách dân Quảng “ăn cục, nói hòn”. Đi thẳng vào những vấn đề chưa ổn của khởi nghiệp.
Khởi nghiệp cùng Chuyên gia Lê Hùng Anh tại DUE ngày 24/2/2024, là phiên thứ hai, doanh nhân quê ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, chia sẻ những góc nhìn và đưa ra nhiều lời khuyên giản dị, chân thành, nhìn nhận đúng về khởi nghiệp.
“Khởi nghiệp là vô cùng khó khăn, và cái trước tiên, là phải hiểu cho đúng khởi nghiệp. Khởi nghiệp chúng ta đang bàn, khác với mưu sinh kiếm sống, khác với lập nghiệp là làm ăn, nói theo cách thông thường của người Quảng mình. Có người khi mở một tiệm ăn, quán cà phê, hay kinh doanh buôn bán, cũng gọi đó là khởi nghiệp. Như vậy không đúng. Đó mới là khởi sự kinh doanh. Khởi nghiệp bắt đầu khi chúng ta bắt đầu bỏ ra chất xám, có đổi mới, có sáng tạo”, ông Lê Hùng Anh phân tích.
Ông cũng cho rằng, khởi nghiệp hiện tại đang được hiểu như phong trào. Và “phong trào này”, đang tạo ra những hệ lụy . Ông (cũng như nhiều chuyên gia) đưa ra dẫn chứng, như một lời nhắc nhở, “lưu ý vàng”: Dưới 10% là tỷ lệ (doanh nghiệp) khởi nghiệp thành công. 90% cố “trụ hạng” trong vòng vài ba năm. Người trẻ muốn khởi nghiệp phải tỉnh táo, thận trọng, không khởi nghiệp theo phong trào. Mới vừa tốt nghiệp đại học mà đã khởi nghiệp là không nên.
Điều quan trọng nhất để làm bất cứ một công việc gì chính là kiến thức chuyên môn cho nghề đó, ngành đó phải đủ lớn, đủ nhiều. Muốn vậy thì phải học. Mà học ở đây là học thật sự, học nghiêm túc. Kinh nghiệm cũng là điều không thể thiếu, để có kinh nghiệm thì mình phải lao vào làm, làm công nhân, làm thuê, cày cuốc làm cho bất kỳ ai. Đi làm, chúng ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm, có trải nghiệm, hiểu biết xã hội cũng sâu hơn, lúc đó hãy nghĩ đến khởi nghiệp.
Góc nhìn của người trẻ về hành trình khởi nghiệp
“Em rất ấn tượng với những lời chia sẻ của chú Hùng Anh về trau dồi học thức. Chú có dặn sau tốt nghiệp, nên đi làm ở các doanh nghiệp 1 đến 2 năm, trau dồi kiến thức, kinh nghiệp rồi hẵng khởi nghiệp. Thật là sâu sắc!
Càng suy nghĩ em càng nhận ra: Là một sinh viên luôn tràn đầy nhiệt huyết, mong muốn khởi nghiệp đang sôi sục trong mình, nhưng rõ ràng, nếu khởi nghiệp sớm, chắc chắn, sẽ thất bại vì chưa đủ khả năng. Nói như chú Hùng Anh, mỗi thời điểm có một công việc để mình theo đuổi. Với em, điều cần nhất ở thời điểm này là học thật tốt, biết cách học ở nhiều môi trường để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng cho bản thân.
Em sẽ điều chỉnh ngay thái độ của mình đối với việc học tập trên trường. Có thể trước đó, em cảm thấy không hào hứng lắm, vì sự khô khan nơi sách vở, nhưng giờ đây, em đã cảm thấy có động lực học tập hơn. Ngoài ra, em sẽ tích cực tham gia hoạt động xã hội, thông qua các CLB, Đội, Nhóm của Trường, phát triển thêm kỹ năng mềm của mình. Một khi đã có nhiều kinh nghiệm, kể cả va chạm với thực tế, ngoài môi trường học tập ở trường, vững vàng rồi, mới nghĩ đến khởi nghiệp được”, bạn Nguyễn Thành Trung – lớp 48K01.5 – khoa Kinh Doanh Quốc Tế – Chuyên ngành Ngoại Thương, phân tích.
Bạn Nguyễn Ngọc Nhi, sinh viên lớp 47K25.3, chuyên ngành: Quản trị chuỗi cung ứng & Logistics, khoa Quản trị kinh doanh, cho rằng: “Theo góc nhìn riêng của em, để khởi nghiệp, và khởi nghiệp thành công: Sinh viên cần hai yếu tố then chốt. Đó là có đủ, luôn hoàn thiện và làm chủ các kỹ năng mềm, trong đó đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo,… Và sau đó, phải có niềm đam mê đi cùng với tinh thần khởi nghiệp.
Nếu rèn luyện thành công kỹ năng mềm, nuôi dưỡng đam mê và bồi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, sinh viên sẽ có được nền tảng vững chắc, thực sự kiên trì để khởi nghiệp thành công, tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình.
Đồng tình cao với bạn Nguyễn Thành Trung, bạn Ngọc Nhi phân tích thêm “Em rất ấn tượng với lời khuyên, những chia sẻ sâu sắc của chú Lê Hùng Anh rằng, sau khi tốt nghiệp đại học , nên đi vào một công việc cụ thể để trải nghiệm khoảng 1-2 năm, chịu khó học hỏi với một tinh thần cầu thị và chịu khó, khi nào xác định chắc chắn rằng, bản thân đã có những kinh nghiệm, đồng thời cũng thực sự muốn khởi nghiệp, lúc đó hãy nghĩ đến khởi nghiệp.
Thực tế, thời điểm mới ra trường, không ít bạn trẻ đều có trong mình “sự háu chiến và quá tự tin” vào bản thân. Em rất vui và biết ơn Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng đã cho em và rất nhiều sinh viên, được nghe chú Lê Hùng Anh trải lòng chia sẻ nhiều kinh nghiệm thật đáng quý.
Tích lũy kinh nghiệm, chấp nhận thử thách, trước là Startup Runway 2024
Talkshow “Khởi nghiệp cùng chuyên gia Hùng Anh” là cơ hội để cộng đồng cùng nhìn lại những nỗ lực kết nối và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Những chia sẻ của diễn giả như lời thức tỉnh, điều chỉnh và bổ sung thêm, để hệ sinh thái khởi nghiệp, qua mỗi giai đoạn, càng được củng cố vững chắc hơn.
“Khởi nghiệp là vô cùng khó”, đừng bao giờ bạn nghĩ rằng, một người, dù là tài giỏi đến đâu, cũng không thể làm được hết mọi chuyện. Phải hình thành Team, mỗi người có vai trò riêng, người làm chiến lược, người lo kinh doanh, người làm chuyên môn. Tương tự, để có cơ hội thành công, khởi nghiệp luôn có sự kết hợp của rất nhiều yếu tố: tầm nhìn, chọn lĩnh vực, nghiên cứu (thị trường, nhu cầu, kể cả đối thủ cạnh tranh), yếu tố công nghệ”, chuyên gia khởi nghiệp Lê Hùng Anh, phân tích.
Diễn ra ngay ở thời điểm khởi động Startup Runway 2024, talkshow cùng Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation Group Lê Hùng Anh, đã cung cấp lượng “thông tin lớn”, giúp sinh viên có thêm nhiều kiến thức thực tế đối với khởi nghiệp. Chương trình được kỳ vọng sẽ “nâng tầm rõ nét”, cho cuộc thi Startup Runway mùa thứ bảy, tạo một dấu ấn nổi bật trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Khẳng định một đóng góp có ý nghĩa của Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng: Đưa cuộc thi trở thành bệ đỡ, điều chỉnh và hỗ trợ cho nhiều dự án, ý tưởng khởi nghiệp có ý nghĩa thiết thực, đem lại hiệu quả rõ nét cho cộng đồng, cho xã hội. Đặc biệt, hình thành nhận thức và tư duy đúng của người trẻ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trong nội dung mini games của chương trình, có một câu hỏi liên quan đến “Tam giác vàng trong tiết lý kinh doanh của BIN”, và một sinh viên (nam) đã trả lời rất đúng.
Không dừng lại ở góc độ truyền cảm hứng, Chuyên khởi nghiệp Lê Hùng Anh –nhân cơ hội này- đã lưu ý thêm cùng cộng đồng trẻ nếu đã và đang có ý định khởi nghiệp: “Chất lượng (sản phẩm, dịch vụ, thái độ trong phục vụ, cung ứng) phải luôn là yếu tố hàng đầu. Chất lượng phải tương xứng hoặc cao hơn giá bán. Công nghệ bao giờ cũng có vai trò rất quan trọng, bởi tài nguyên, phương tiện công cụ hiện đại dù nhiều đến mấy cũng là hữu hạn. Công nghệ, chất xám, mới là yếu tố quyết định tồn tại bền vững. Và cuối cùng là những yêu cầu rất “Con người”. Hãy làm hết mình, hãy nỗ lực cao, sống và làm việc theo các nguyên tắc của trung thực, trong hoàn cảnh nào cũng cần cù chịu khó – đúng với tố chất người Miền Trung -.
“Chú Hùng Anh đã đưa ra những điểm chung của những người con đất Quảng, con người miền Trung mà em rất tâm đắc: thật thà, chính trực.
Theo quan điểm cá nhân, em nghĩ rằng, để có thể khởi nghiệp trong kỷ nguyên số hiện nay, sinh viên cần nắm chắc các kiến thức nền tảng về kinh tế và kinh tế số; biết và sử dụng được các nền tảng công nghệ phục vụ cho kinh tế. Và hẳn nhiên, cần có sự đảm bảo về tài chính. Cá nhân em, nếu đã dẫn thân vào khởi nghiệp, em sẽ áp dụng các kiến thức kinh tế đã học vào các hiện tượng, sự kiện thực tiễn trong đời sống, từ đó, sáng tạo, phát triển để tìm ra phương hướng khởi nghiệp riêng cho mình. Không đi theo lối mòn của những ngành nghề đã có”, bạn Nguyễn Thành Trung khẳng định “lối đi cần có” của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo./.
Trung Đức