Seatimes – (ĐNA). Cuối năm 2023, Tạp chí Đông Nam Á có bài viết 2 kỳ (Hải Châu chuyển mình theo chuyển đổi số), ghi nhận những kết quả của chương trình hành động chuyển đổi số năm 2023.
Năm 2023, UBND Quận Hải Châu cũng đã hoàn thành xây dựng dữ liệu mở theo chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng (Quyết định số 962/QĐ-UBND). UBND quận cũng đã có văn bản đề xuất bổ sung thêm danh mục dữ liệu mở của thành phố năm nay.Hải Châu hiện cũng là Quận dẫn đầu toàn thành phố Đà Nẵng về số tài khoản định danh đã kích hoạt (Cơ quan công an ghi nhận qua hệ thống) là 151.574 (tỷ lệ 70%).
Những kết quả buổi đầu thu hoạch được, hẳn nhiên, không hề dễ dàng.
Khó khăn ngay từ lúc bắt đầu: Thay đổi nhận thức và thói quen
“Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các kế hoạch chuyển đổi số của thành phố, nhằm nâng cao nhận thức về thực hiện chuyển đổi số, tạo sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền, ban ngành, hội đoàn thể, doanh nghiệp đến nhân dân, trong giai đoạn 2021-2024, UBND quận Hải Châu đã tập trung tăng cường khá mạnh và rất kiên trì triển khai công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số.
Tôi cho rằng, chuyển đổi số phải có bước đi từng giai đoạn, từ thay đổi nhận thức và thói quen đến cả quá trình làm thay đổi tổng thể và toàn diện ở mỗi thành viên trong cộng đồng, trong tổ chức về cách sống, cách làm việc đến phương thức sản xuất, giao dịch dựa trên công nghệ số. Thách thức đầu tiên mà chúng tôi đã gặp phải trong công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn Quận, chính là thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức, ý thức của toàn thể nhân dân trong việc ứng dụng công nghệ số vào đời sống hằng ngày. Điều này là hẳn nhiên, bởi chính chúng ta xác định, mỗi người dân đều ở vị trí trung tâm trong tổng thể chung chuyển đổi số của xã hội”, bà Phan Thị Thắng Lợi – Phó Chủ tịch UBND Quận, Phó Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số Quận Hải Châu mở đầu câu chuyện.
Khó khăn thứ hai trong triển khai chuyển đổi số tại Quận Hải Châu, là nguồn nhân lực còn hạn chế. Trong khi đó, chuyển đổi số cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ được công nghệ mới. Tại quận Hải Châu, 13/13 phường đã bố trí, phân công công chức phụ trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tuy nhiên, tất cả các công chức trên đều là kiêm nhiệm, và đa số không phải là “quân chính quy” về công nghệ thông tin. Qua thực tế chung, đây cũng là vấn đề không chỉ riêng quận Hải Châu hay thành phố Đà Nẵng gặp phải trong chuyển đổi số. Nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể “làm chuyển đổi số”, đã, đang là một trong những bất cập lớn.
“Phường chúng tôi cũng gặp phải khó khăn là nhân lực cho yêu cầu chuyển đổi số. Kế đến là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng nhu cầu. Tuy đã có quan tâm trang bị, nhưng hiện tại vẫn đang sử dụng một số máy tính cấu hình yếu, chỉ với 1 máy in, 1 máy scan sử dụng cho nhiều máy tính, dẫn đến nhiệm vụ thực hiện chậm tiến độ và có nội dung không đạt chỉ tiêu đề ra.
Chúng tôi cũng thẳng thắn nhìn nhận là nhận thức về chuyển đổi số của người dân chúng ta còn hạn chế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục và đưa các nội dung tuyên truyền, vận động chuyển đổi số đi vào chiều sâu. Đơn cử như một bộ phận người dân, vì nhiều lý do, chưa đạt mức 2 đối với tài khoản định danh điện tử (VneID). Khi bà con đến giao dịch tại bộ phận 1 cửa, cán bộ lại phải hướng dẫn người dân sang Công an phường, để thực hiện nâng cấp. Tài khoản dịch vụ công trực tuyến ở người dân còn giới hạn, chưa như mong muốn”, ông Nguyễn Văn Thạnh – Phó Chủ tịch UBND phường Phước Ninh, quận Hải Châu nhìn nhận.
Còn theo ông Võ Duy Lâm – Chủ tịch UBND phường Thanh Bình, quận Hải Châu, tình trạng kẻ xấu giả danh là cán bộ, người làm việc ở các cơ quan pháp luật, sử dụng nhiều thủ đoạn tình vi từ công nghệ AI, sau đó thực hiện lừa đào, chiếm đoạt tài sản, dẫn đến một bộ phận người dân còn e ngại, sợ lộ lọt thông tin cá nhân khi chọn nộp hồ sơ trực tuyến.
Cũng như tình hình chung, tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, nhân lực phụ trách công tác chuyển đổi số, công nghệ thông tin là kiêm nhiệm, để có năng lực, chuyên môn cao về ứng dụng số, cần phải được tập huấn, trau dồi học hỏi nhiều hơn.
Số hóa 100% quy trình giải quyết thủ tục hành chính
Dù gặp không ít khó khăn, lộ trình chuyển đổi số vừa qua của quận Hải Châu, đã gắn kết chặt với nỗ lực giải quyết, xử lý và trả kết quả thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Kết quả đáng trân trọng là luôn đúng hạn, không hề có hồ sơ quá hạn, trễ hạn.
Bà Phan Thị Thắng Lợi – Phó Chủ tịch UBND Quận, Phó Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số Quận Hải Châu cho biết, năm 2024, Quận vẫn bám sát các kế hoạch của thành phố, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn, tranh thủ nguồn tài nguyên và nhân lực từ các đơn vị này, cùng phối hợp triển khai chuyển đổi số. Quận đã ký kết hợp tác (giai đoạn 2024-2025 về hạ tầng số, nhận thức số, chính quyền số, kinh tế số, an toàn thông tin mạng) với Viettel Đà Nẵng.
Được biết, đến nay, UBND quận đã thực hiện số hóa 100% quy trình giải quyết thủ tục hành chính phát sinh mới, cũng như kết quả giải quyết còn hiệu lực của năm 2022.Quận vẫn đang thực hiện số hóa kết quả còn hiệu lực giai đoạn 2020-2021; đồng thời, thực hiện tái sử dụng kết quả thủ tục hành chính số. Phường Thanh Bình, quận Hải Châu, là một dẫn chứng tiêu biểu cho số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính từ năm 2021 đến nay, nhằm nghiên cứu, đưa vào tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ: Năm 2024, số hóa 1.107/1111 (đạt 99,6%, tính đến tháng 7/2024); năm 2023, số hóa 1.596 hồ sơ và năm 2022, số hóa 1.221, cả 2 năm đều đạt 100%. Riêng năm 2021, phấn đấu đến cuối năm nay, phải đạt 100% (đến tháng 7/20024, đã số hóa 599/1.026 hồ sơ đạt 58,4%).
Ở quy mô cấp Quận, các bộ phận chuyên môn đã và đang số hóa, cập nhập dữ liệu mở và dữ liệu cơ sở chuyên ngành. Đến nay, tổng số dữ liệu phát sinh là trên 79.000 dữ liệu (không tính, lượng cơ sở dữ liệu chuyên ngành khá lớn mà Quận đã triển khai xây dựng từ năm 2020).
Hoạt động kinh tế số nổi bật, là số tuyến đã và đang triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận là 308/369 tuyến đường (đạt tỉ lệ 83,46% – vượt kế hoạch). 100% hộ tiểu thương tại 3 chợ đã thực hiện thanh toán trực tuyến trong giao dịch, mỗi hộ kinh doanh có ít nhất 1 QR code thanh toán. 100% trường học cũng triển khai thanh toán học phí trực tuyến không dùng tiền mặt, triển khai đồng bộ học bạ điện tử.
Trong triển khai giao dịch thông qua phương thức điện tử, không dùng tiền mặt, Thanh Bình cũng là Phường có 100% các hộ kinh doanh, trên mọi tuyến đường của Phường, đều sử dụng mã QR trong giao dịch thanh toán. Ngay tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 1 cửa, UBND Phường cũng niêm yết các mã QR thanh toán phí, lệ phí.
Bộ phận Lao động Thương binh và Xã hội của Phường, tích cực tuyên truyền, vận động cùng làm đồng loạt, việc mở tài khoản ngân hàng cá nhân cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, mở đường cho từng bước chi trả qua thẻ ATM. Đến nay đã tiến hành chi trả không dùng tiền mặt cho hơn 800 trường hợp hưởng chế độ bảo trợ xã hội, người có công. Các chế độ phụ cấp (bí thư, mặt trận, TDP và các chi hội đoàn thể cho khu dân cư) cũng tiến hành chi trả qua tài khoản cá nhân.
Chuyển động ở ngay từ nơi rất gần với Dân
“Ngày 21/5/2024, Phường Hòa Thuận Tây tổ chức thành công Ngày hội “Kinh tế xanh – Sáng tạo số”. Có sự đồng hành của các doanh nghiệp, ngày hội đã mở ra không gian quy tụ và chia sẻ ý tưởng sáng tạo, các giải pháp thú vị về chuyển đổi số. Chúng tôi cũng khởi động ứng dụng HOA THUAN TAY SMART trên nền tảng mạng xã hội Zalo , đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Cũng với phương châm phục vụ nhân dân, tổ chức, lãnh đạo Phường duy trì thường xuyên các kết nối theo quy trình, trong trường hợp bận họp hay công tác, vẫn kết hợp giải quyết hài hòa công việc trong phạm vi chức trách. Đó là đẩy mạnh hơn nữa trong uỷ quyền giải quyết thủ tục hành chính, kết hợp sử dụng chức năng kịp thời của chữ ký số văn bản, sắp xếp thời gian hợp lý tham gia hệ thống phòng họp trực tuyến của Phường, để không bỏ sót các vấn đề từ đời sống của địa phương.
Tôi cho rằng, chuyển đổi số phải kết gắn chặt với cải cách hành chính, chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với các dịch vụ công thiết yếu.phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn và phải đạt nhiều kết quả thiết thực. Đây cũng là những nền tảng để dần phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, hiện thực hóa Chỉ thị số 34-CT/TU của Thành uỷ Đà Nẵng về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức”, ông Võ Lê Anh – Chủ tịch UBND Phường Hòa Thuận Tây nhấn mạnh.
Liên quan đến Chỉ thị số 34-CT/TU của Thành uỷ Đà Nẵng, Phường Thanh Bình có mô hình “không hẹn, không chờ” ngay tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đây là điều khiến nhân dân và doanh nghiệp rất phấn khởi, hài lòng. Khai thác tốt cơ sở dữ liệu, Phường thực hiện kịp thời và đồng bộ quy trình liên thông “khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ ; liên thông khai tử – xóa thường trú”, giảm thiểu thời gian đi lại cho người dân khi cần đến các hồ sơ này.
Mới đây, Phường Thanh Bình cũng xúc tiến thành lập Tổ xử lý nhanh công tác chuyển đổi số (thay vì Tổ tư vấn pháp lý). Sẽ có 5 đến 6 Tổ xử lý nhanh đứng chân ở địa bàn dân cư. Thành viên của Tổ có đầy đủ cán bộ, chuyên viên từ tài nguyên-môi trường, tư pháp – hộ tịch, lao động – thương binh và xã hội, … Nói chung mỗi lĩnh vực bảo đảm có một cán bộ, chuyên viên am hiểu chuyên sâu trực tiếp xử lý.
Cùng với các Phường bạn (Hòa Thuận Tây, Thanh Bình), phường Phước Ninh, cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, các giao dịch thực hiện trên địa bàn dần chuyển hướng, bớt dùng tiền mặt. Phường sử dụng biên lai điện tử VNPT, ngân hàng Viettinbank, ví MoMo để thu phí khi công dân sử dụng các dịch vụ công (của thành phố, hay quốc gia).
Năm 2024, trong trường hợp công dân qua khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình tại UBND phường, và công dân muốn dùng dịch vụ bưu chính công ích (để nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính ngay tại nhà), chi phí này được UBND phường triển khai hỗ trợ. UBND phường Phước Ninh cũng hỗ trợ nhân dân chi phí thủ tục cấp bản sao trích lục khai tử, nếu sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đây là những khuyến khích thiết thực, động viên người dân trong thực hiện dịch vụ thủ tục hành chính trực tuyến, không phải quan tâm đến các khoản phí, lệ phí.
““Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 đã nhiều lần ra quân, quyét tâm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hướng dẫn người dân tạo tài khoản công dân số, cơ quan/ngành chức năng thu nhận, sau đó thực hiện kích hoạt VNEID. Để người dân quen dần với thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường số, chúng tôi cho rằng, cần đi từng bước. Từ tạo thói quen, nhận thức được tiện ích, cảm thấy có môi trường tốt để tiếp tục, người dân sẽ thực hiện.
Khi người dân đến giao dịch hành chính, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Phường kết hợp hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản công dân (trên cổng dịch vụ công thành phố, hay quốc gia), , hỗ trợ cách đăng nhập (lần đầu), để nộp hồ sơ trực tuyến. Một số công dân trên địa bàn Phường còn sử dụng tốt chữ ký số cá nhân Mysign và thực hiện thành công giao dịch hành chính trên môi trường điện tử”, ông Nguyễn Văn Thạnh – Phó Chủ tịch UBND Phường Phước Ninh cho biết.
Phường Phước Ninh cũng đã ra mắt “Các tuyến phố thanh toán không tiền mặt” tại các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên 14 tuyến phố trên địa bàn phường. Kết nối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, điểm chấp nhận thanh toán qua mã code VietQr, ngày càng xuất hiện nhiều trên địa bàn Phường.
Phường Phước Ninh, quận Hải Châu, tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, giúp thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 nắm bắt các yêu cầu và nội dung thực hành chuyển đổi số. Ảnh: UNMD Phường chia sẻ.
Chuyển đổi số vừa là quá trình tập trung (có trọng điểm) vào hạ tầng kỹ thuật (như một ưu tiên), đánh giá xu hướng, tiện ích và chọn lựa đầu tư vào công nghệ, giải pháp; vừa đồng thời phải có tư duy thông minh, tầm nhìn vào những vấn đề thiết thực. Qua đó, thay đổi các phương thức, mô hình và cách vận hành truyền thống.
Điều này đã và đang được minh chứng qua từng việc làm, từng mô hình từ cấp Phường đến toàn Quận của địa bàn Hải Châu. Các quyết định thiết thực và ý chí quyết liệt trong chuyển đổi số của lãnh đạo, giữ vai trò quyết định sự thành công. Tuy phải mất một thời gian không ngắn, nhưng chính ý chí đó, sẽ đưa tiện ích công nghệ, các ứng dụng hiện đại vào quy trình làm việc và văn hóa nội bộ, lan tỏa và tác động hữu ích đến cộng đồng.
Lãnh đạo UBND Quận, lãnh đạo các Phường trên địa bàn quận Hải Châu đã cùng vào cuộc với chuyển đổi số, luôn có những gợi ý, hướng dẫn cách làm tạo môi trường thuận lợi để triển khai chuyển đổi số và tạo môi trường, điều kiện để chuyển đổi số bền vững, mang lại hiệu quả rõ rệt./.
Trần Ngọc
Mời độc giả xem tiếp: Chuyển đổi số tại địa bàn trung tâm Đà Nẵng: Ý chí và quyết tâm lãnh đạo dẫn dắt và khai mở, tiếp theo và hết