Giá trị của Trầm Kỳ Tửu không chỉ dừng lại ở chất men bí ẩn, hương vị riêng biệt, mà gắn liền với những thăng trầm trong lịch sử dân tộc, là đại diện cho mối giao hoà Thiên – Địa – Nhân linh thiêng.
Từ xa xưa Trầm hương đã được coi là vương mộc – tức vua của các loại gỗ, là thứ mộc hương không thể thiếu trong cung son điện ngọc hay trong các nghi lễ tín ngưỡng của bất cứ tôn giáo nào. Đến khi nhà Nguyễn định đô ở Huế thì văn hoá dụng Trầm càng đặc biệt phát triển. Rượu ngâm với Trầm, Kỳ được xem là “Ngự tửu” – thức rượu quý chỉ dành riêng cho vua chúa và ban thưởng cho quan lại. Không chỉ để thưởng thức, Rượu Trầm Kỳ còn là bài thuốc quý dùng riêng cho hoàng tộc.
Sách của Nguyễn Bình Khiêm viết: “Thọ thiên địa chi khí, tẩy vũ trụ chi trược, giáng khí trừ đàm, thiện trị phế phủ, chỉ tả bổ dương, thị là thế thượng trân chi giả…” – “Tích tụ linh khí trời đất, tẩy uế cho không gian, giáng khí trừ đàm, chữa bệnh tiêu hóa, tim mạch, hô hấp, là thứ trân quý nhất”.
Trầm Hương tập trung chủ yếu ở các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam không chỉ là quốc gia có trữ lượng Trầm lớn mà còn là nơi sản sinh ra loại Trầm có phẩm chất tốt nhất, có những hoạt chất mà những vùng khác không có, mang nhiều công dụng chữa bệnh. Chính vì vậy, giá trị trầm hương có nguồn gốc từ Việt Nam ngày một tăng cao trên thị trường quốc tế, là sản phẩm chủ lực mang lại lợi ích kinh tế cho nhà Nguyễn. Từng có lời ca tụng rằng hoàng gia nhà Nguyễn chiếm thị phần rất cao trong thị trường trầm hương Châu Á thời bấy giờ.
Dân ta có tục thờ Bà Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Theo huyền tích kể lại Bà được xem là vị tổ của Trầm Hương. Thời bấy giờ, việc khai thác Trầm Hương rất khó khăn bởi rừng thiêng nước độc. Trong những khu rừng thâm u có nhiều miếu do phu trầm lập ra để thờ Bà, các phu trầm trước khi vào rừng đều phải chay tịnh tắm rửa và làm lễ xin Bà cho chuyến đi được thành công.
Có câu “Ngậm ngải tìm Trầm” – Ngải ở đây là bài thuốc giúp người đi rừng chống lại sơn nam chướng khí. Nguyên liệu chính của loại thuốc này chính là Trầm được ngâm với các loại rượu nặng, sau đó đem lễ dâng Bà, xin phép của Bà vào chai rượu để phu mang theo khi vào rừng, dùng để uống khi bị sốt rét, nhiễm bệnh. Đông y khẳng định rằng tính ôn, cay cùng vị thơm ngọt dịu, bổ kinh thận, tỳ của trầm hương giúp giáng khí, bổ nguyên dương, làm ấm thận, giảm đau, an thần hiệu quả.
Đến thời Vua Đồng Khánh, rượu Trầm Kỳ được tôn vinh trở thành quốc tửu. Tương truyền, Huế là vùng long mạch quan trọng của nhà Nguyễn, núi Bạch Mã là tổ sơn trong phong thuỷ, là ngai cho Kinh Thành Huế dựa vào. Nước từ trên thượng nguồn Bạch Mã là dòng nước linh thiêng chảy về sông Hương tạo thành sinh khí cho Kinh Thành Huế. Vua Đồng Khánh là người đặc biệt tôn sùng Thánh mẫu Thiên Y A Na, ông đã cho xây điện thờ Bà ở Hòn Chén. Mỗi dịp tế lễ Vua thường sai lấy nước trên thượng nguồn núi Bạch Mã để nấu rượu và đặc biệt đem ủ với Trầm và Kỳ vùng A Lưới (vùng đất nổi tiếng có loại Trầm tốt nhất) làm thức tửu dâng Thánh. Thức rượu quý này có hương vị thơm ngon khác hẳn với rượu Trầm thông thường, nhấp một ngụm cảm thấy như sinh khí căng tràn lồng ngực. Từ đó Vua coi thức tửu này là quốc tửu, chỉ dùng trong cung điện, ban cho quan cận thần và thết đãi khách quý.
Ngự Tửu ngày ấy – bây giờ
Trải qua thời gian, lịch sử chứng kiến bao cuộc đổi dời các triều đại, cho đến nay, Trầm Hương không còn là thứ vương mộc chỉ dành cho vua chúa nữa, Trầm đã trở nên phổ biến hơn trong nếp văn hoá của những người hoài cổ, đam mê văn hoá tín ngưỡng dân tộc.
Đam mê gìn giữ những tinh hoa truyền thống, Rượu Nam Phương đã nghiên cứu và phục dựng lại Trầm Kỳ Tửu theo phương pháp ngâm ngự tửu ngày ấy. Rượu phải được nấu từ gạo nếp ủ men lá và nước suối trên thượng nguồn núi Bạch Mã linh thiêng. Men lá để nấu rượu được làm theo công thức 18 loại thảo dược ghi lại trong tài liệu của ngự y cùng đình Nguyễn. Chum rượu sau khi nấu được hạ thổ 3 năm trước khi đem ngâm với Trầm Kỳ thượng hạng vùng A Lưới cho thức men trưởng thành khác biệt. Nhấp một ngụm cảm nhận vị ngọt ấm thâm trầm hoà quyện cùng thức men cay nồng phảng phất hương Trầm thượng hạng, mang trọn vẹn hương vị của Trầm Kỳ ngự dụng thời bấy giờ.
Giá trị của Trầm Kỳ Tửu không chỉ dừng lại ở chất men bí ẩn, hương vị riêng biệt, mà gắn liền với những thăng trầm trong lịch sử dân tộc, là đại diện cho mối giao hoà Thiên – Địa – Nhân linh thiêng.
PV
Theo TCĐNA