Ông Tadahiro Yoshida – Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn YKK. Nguồn: Nikkei
Cuối tháng 9, ông Tadahiro Yoshida, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của YKK – nhà sản xuất lớn nhất thế giới về dây khóa kéo (phéc-mơ-tuya) đã có cuộc trao đổi với hãng Nikkei về xu hướng chuyển dịch đầu tư trong ngành dệt may.
Theo ông Yoshida, khoảng năm năm trước, Trung Quốc nắm thị phần lớn trong lĩnh vực gia công của thế giới. Tính riêng trong ngành dệt may, hai phần ba người tiêu dùng trên toàn thế giới sử dụng sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm cả người Nhật Bản, Mỹ hay các thương hiệu thời trang lớn của châu Âu. Tuy nhiên, chi phí lao động đã tăng hai con số mỗi năm ở Trung Quốc đang buộc một số công ty may mặc di chuyển sản xuất tới vùng có chi phí nhân công rẻ hơn, chủ yếu là Việt Nam, Campuchia và Bangladesh. Một số công ty đã lựa chọn để thiết lập cửa hàng ở Ấn Độ. Hiện thị phần sản xuất quần áo của Trung Quốc đã giảm khoảng 10%.
“Tôi tin khu vực Đông Nam và khu vực Tây Nam Á sẽ trở thành điểm "dừng chân cuối cùng" của các trung tâm sản xuất”, Chủ tịch YKK nhận định. Vì theo truyền thống, ngành công nghiệp dệt may không phát triển ở các quốc gia giàu tài nguyên, như khu vực Trung Đông. Do đó, mặc dù tiền lương đang tăng lên, Đông Nam Á vẫn sẽ trở thành khu vực đầu tư trong lĩnh vực dệt may, theo ông Yoshida.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa phải là điểm đến của YKK. Ông Yoshida cho hay, đến cuối 2015, YKK sẽ có hoàn thiện cơ sở sản xuất tại Indonesia, dự kiến trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu thứ ba của YKK sau cơ sở tại tiểu bang Georgia và tại khu vực Kurobe, phía tây tỉnh Toyama của Nhật Bản.
Một điều đáng chú ý là, đứng từ góc độ nhà đầu tư FDI và khai thác thị trường nội địa, ông Yoshida đưa ra góc nhìn khác đối với câu chuyện giá trị gia tăng của sản phẩm. Trả lời câu hỏi về xu hướng tiêu dùng và đầu tư của khu vực châu Á, ông Yoshida cho hay: “Nếu nhìn vào thị trường vượt ra ngoài mạng lưới của ngành công nghiệp may mặc, chúng ta có thể thấy một sự thay đổi trong thị trường toàn cầu đối với hàng nhu yếu phẩm. Giá quần áo đang liên tục giảm. Tại Mỹ, chỉ số giá tổng thể đã tăng lên từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhưng giá quần áo và các hàng hoá khác lại giảm. Các nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng ngày đang ganh đua về mặt bằng giá cả, gây áp lực buộc các nhà sản xuất phải giảm giá.
Hiện, sức mua của người tiêu dùng châu Á đang tăng cao hơn so với mức thu nhập bình quân. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ không bắt đầu với các sản phẩm cao cấp mà từ các hàng hóa giá rẻ. Để nắm bắt được phân khúc này, các sản phẩm phải có giá cả phải chăng. Nói cách khác, các nhà sản xuất không thể phát triển chỉ bằng cách theo đuổi các sản phẩm có giá trị gia tăng với chất lượng và tính năng cao. Điều này có nghĩa các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, ví dụ trong ngành dệt may, sẽ tự tìm ra mình tại các thị trường chưa được khai thác” [để tận dụng nhân lực, nguyên liệu rẻ và thị trường tiêu thụ còn giàu tiềm năng].