Kiểm tra công trình cầu Lợi Nông, thuộc địa phận phường An Đông, thành phố Huế. Hiện tại cầu Lợi Nông đã cơ bản xây dựng xong, tuy nhiên do không có đường dẫn nối hai đầu cầu nên đến nay công trình vẫn không thể sử dụng được, gây khó khăn trong việc đi lại và phản cảm…
Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp kiểm tra nhiều công trình xây dựng.
Theo chủ đầu tư là Ban Quản lý khu vực Phát triển Đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thì cầu Lợi Nông được khởi công xây dựng vào năm 2018, với tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng; trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 6 tỷ đồng. Sự chậm trễ của dự án do ảnh hưởng bởi điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Tôn Quang Phiệt, đồng thời còn vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, để tiến độ công trình bị chậm trễ ngoài các lý do khách quan thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Vì vậy trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án tổ chức giao thông các tuyến đường dẫn lên cầu phù hợp với việc điều chỉnh quy hoạch và tình hình giải phóng mặt bằng thực tế hiện nay. Các phương án đưa ra phải khoa học, đảm bảo tiết kiệm, phù hợp với điệu kiện thực tế, nhằm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong khu đô thị mới An Vân Dương, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu đô thị mới.
Kiểm tra tiến độ dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phía Bắc Hương Sơ phục vụ dự án giải phóng mặt bằng, di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao nổ lực của thành phố Huế, các Sở ngành và các đơn vị liên quan đã tích cực, tập trung thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư khu tái định cư giai đoạn 1 và 2. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Huế, Ban QLDA Đầu tư xây dựng khu vực thành phố Huế tổ chức giám sát chặt chẽ tiến độ đầu tư Khu tái định cư giai đoạn 1 và 2; có giải pháp tổ chức thi công phù hợp đảm bảo tiến độ đã đề ra. Tăng cường quản lý chất lượng xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo khu dân cư đồng bộ hạ tầng thiết yếu, chất lượng, mỹ quan và cảnh quan môi trường. UBND thành phố Huế sớm công bố các thông số xây dựng về cốt nền, độ lùi và chiều cao công trình xây dựng để công khai; nghiên cứu và công bố các mẫu thiết kế xây dựng nhà ở phù hợp để người dân lựa chọn; hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục xin cấp phép xây dựng.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế được coi là cuộc di dân mang tính lịch sử, vì vậy công tác đưa người dân về nơi ở mới phải thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân. Trong đợt một giải phóng mặt bằng, di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế phải làm thật tốt, tạo được niềm tin trong nhân dân, tạo tiền đề tốt cho các đợt tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, việc di dời dân cư khu vực di tích Kinh thành Huế được coi là cuộc di dân mang tính lịch sử…
Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã đi thăm, kiểm tra, chỉ đạo công tác chỉnh trang cảnh quan khu vực vườn hoa công viên An Hòa và một số tuyến đường đi bộ trên địa bàn thành phố Huế. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Thừa Thiên Huế đang hướng đến một đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, vì vậy cảnh quan thiên nhiên, môi trường cần được quan tâm và đầu tư thích đáng, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Khu vực vườn hoa công viên An Hòa là cửa ngõ phia bắc thành phố Huế nên cần sớm chỉnh trang theo hướng mang tính thẩm mỹ cao, tạo bộ mặt cho đô thị Huế. Các tuyến đường trong nội đô cần quan tâm đến tính thân thiên nhưng phải hiện đại, sớm xóa bỏ những khoảng cách không gian giữa các cơ quan và không gian công cộng. “Phải làm sao để người dân thấy thoải mái khi đi dạo trên các tuyến đường, cảm nhận được một môi trường trong xanh, hiền lành, thân thiện” Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
ĐĂNG HẬU – NGỌC MINH