Seatimes – (ĐNA). Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân, Nhà Vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde đã đến thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 31/3 đến ngày 4/4/2025. Sáng ngày 1/4/2025, Nhà Vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn (Ba Đình, Hà Nội), dự Lễ đón cấp Nhà nước và hội kiến với Chủ tịch nước Lương Cường tại Phủ Chủ tịch.
![]() |
![]() |
Nhà Vua Vương quốc Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn. Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón cấp Nhà nước Nhà Vua Vương quốc Bỉ
Sáng 1/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân đã chủ trì Lễ đón Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.
Tham dự Lễ đón có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Huy Vịnh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm; Trợ lý Chủ tịch nước Nguyễn Hoàng Anh; Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Nguyễn Văn Thảo.

Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên sau hơn 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào Kỷ nguyên mới; là dấu mốc lịch sử quan trọng, đưa quan hệ hai nước bước vào chặng phát triển mới, với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác được thúc đẩy thực chất, hiệu quả hơn. Mặt khác, chuyến thăm thể hiện tình cảm đặc biệt của Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde đối với Việt Nam. Trước đây, cả Nhà Vua và Hoàng hậu đều đã từng đến thăm Việt Nam nhiều lần trên những cương vị khác nhau và để lại nhiều dấu ấn. Mặc dù là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Việt Nam, nhưng với Nhà Vua và Hoàng hậu, thực chất đây là lần “trở lại” Việt Nam, mảnh đất mà Nhà Vua và Hoàng hậu đã có nhiều kỷ niệm và tình cảm trong những lần ghé thăm trước đây.
Trong tiếng nhạc chào mừng, Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà Vua Philippe đi dọc thảm đỏ bước lên bục danh dự. Sau khi nghe Quốc thiều hai nước, hai Nguyên thủ rời bục, bước tới cúi chào quân kỳ và duyệt Đội Danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếp đó, Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà Vua Philippe giới thiệu thành phần Đoàn cấp cao hai nước tham dự Lễ đón.

Việt Nam và Vương quốc Bỉ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22/3/1973, chỉ hai tháng sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ chí tình của Chính phủ và nhân dân Bỉ cho chương trình tái thiết và phục hồi đất nước sau chiến tranh.
Trải qua chặng đường hơn 50 năm, quan hệ song phương giữa Việt Nam-Vương quốc Bỉ không ngừng được củng cố, phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, nhất là chính trị-ngoại giao, thương mại, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, hợp tác khoa học-công nghệ, hợp tác phát triển… ở cả cấp liên bang, vùng và cộng đồng.
Bỉ luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam và là một đối tác quốc tế đóng góp tích cực vào sự thành công của Việt Nam qua chương trình hợp tác phát triển. Hai bên phối hợp tích cực trên diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên Hợp Quốc và trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), ASEAN-EU.
Quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và Bỉ phát triển tích cực, đa dạng và thực chất ở cả cấp liên bang, cấp vùng và cộng đồng, thể hiện qua nhiều chuyến thăm cấp cao. Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, từ năm 2003, Chính phủ Bỉ cấp trung bình mỗi năm 40 suất học bổng đào tạo sau đại học cho sinh viên Việt Nam, trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như cầu cảng, môi trường, du lịch… Các hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi các đoàn nghệ thuật, tổ chức triển lãm, tuần lễ phim cũng được tổ chức thường xuyên tại cả Việt Nam và Bỉ.

Những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Bỉ phát triển nhanh chóng và ngày càng được tăng cường. Bỉ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU. Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng nhanh, từ 1,8 tỷ USD năm 2013, lên 4,45 tỷ USD năm 2024. Về đầu tư, tính đến tháng 1/2025, Bỉ có 99 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,06 tỷ USD, đứng thứ 25/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Với nền tảng cơ sở hợp tác tốt đẹp sẵn có, cùng với niềm tin, ý chí chính trị của Lãnh đạo hai nước và mong muốn của nhân dân Việt Nam – Bỉ, chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ đến Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam – Bỉ sang một chương phát triển mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Sau Lễ đón, Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà Vua Philippe tiến hành cuộc hội kiến nhằm đánh giá kết quả hợp tác giữa hai nước thời gian qua và đề xuất các phương hướng hợp tác thời gian tới. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác.

Tại cuộc hội kiến, Chủ tịch nước Lương Cường nhiệt liệt chào mừng Nhà Vua Bỉ Philippe cùng Đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Bỉ lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973; khẳng định chuyến thăm là dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra một trang mới cho quan hệ hữu nghị hai nước. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Bỉ, nước thành viên có vai trò và tiếng nói quan trọng trong EU; bày tỏ trân trọng sự ủng hộ quý báu của nhân dân Bỉ dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như những tình cảm tốt đẹp và đóng góp của cá nhân Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ dành cho đất nước, nhân dân Việt Nam và quan hệ hai nước thời gian qua.
Nhà Vua Bỉ Philippe bày tỏ vui mừng thăm lại Việt Nam, sau ba chuyến thăm trước đây trên cương vị Thái tử; trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho cá nhân Nhà Vua và Hoàng hậu, cùng đoàn đại biểu cấp cao Bỉ. Nhà Vua Bỉ chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội vượt bậc mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua; khẳng định coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và mong muốn cùng Việt Nam tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và tiềm năng.
Trong không khí chân thành, hữu nghị và tin cậy, hai nhà Lãnh đạo đã trao đổi về các phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước nhằm đưa quan hệ hữu nghị, truyền thống Việt Nam – Bỉ đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, bao gồm tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có và nghiên cứu xây dựng các cơ chế hợp tác mới nhằm làm sâu sắc hợp tác chuyên ngành giữa hai nước; phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế như khuôn khổ quan hệ ASEAN – EU, Pháp ngữ, Liên Hợp Quốc, đặc biệt tại Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc khi hai nước cùng là thành viên nhiệm kỳ 2023-2025…
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Lương Cường cảm ơn Bỉ đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội Bỉ về hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết này đối với Việt Nam và đề nghị hai nước tích cực triển khai Nghị quyết trong thời gian tới, góp phần tăng cường nhận thức của cộng đồng quốc tế về hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam.
Về kinh tế, thương mại, một trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Bỉ, hai nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị Bỉ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), nhằm thúc đẩy quan hệ đầu tư bình đẳng, cùng có lợi giữa doanh nghiệp hai nước; đề nghị các doanh nghiệp Bỉ đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, hạ tầng chiến lược. Chủ tịch nước cũng đề nghị Bỉ có tiếng nói để Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Nhà vua Bỉ Philippe mong muốn các doanh nghiệp Bỉ trong các lĩnh vực xử lý nước thải, năng lượng, khai thác khoáng sản quý hiếm… được tham gia vào các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp thông qua phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, tăng cường chuyển giao công nghệ giữa các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, đóng góp vào nỗ lực của Việt Nam trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; nhất trí nghiên cứu xây dựng chương trình hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các vùng của Bỉ.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, giáo dục – đào tạo, văn hóa – du lịch, quốc phòng – an ninh, khoa học và công nghệ, hợp tác địa phương, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực tiềm năng khác như công nghệ xanh, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Chủ tịch nước Lương Cường cảm ơn Bỉ đã dành sự quan tâm cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm ăn, học tập tại Bỉ và đề nghị chính quyền các cấp của Bỉ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam hội nhập thành công vào sở tại, đóng góp cho sự phát triển của Bỉ và làm cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thượng tôn pháp luật quốc tế; nhấn mạnh giải quyết các tranh chấp trong vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại các khu vực và trên thế giới, vì hợp tác và thịnh vượng chung toàn cầu.
Sau cuộc hội kiến, hai nhà Lãnh đạo chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, thương mại, biến đổi khí hậu, hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam.
Minh Anh