"Giải thưởng khoa học kinh tế trong năm nay đề cập đến cách chế ngự sức mạnh của các đế chế kinh doanh ", Staffan Normark, Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, phát biểu trong cuộc họp báo.
Theo Viện Khoa học Hoàng gia, Tirole đã làm rõ chính sách về điều chỉnh ngành công nghiệp bị thống trị bởi các doanh nghiệp độc quyền, đặc biệt khi làn sóng tư nhân hóa phát triển đòi hỏi chính phủ cần tìm ra cách thức để khuyến khích đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và đường sắt trong khi kiềm chế khả năng thao túng về lợi nhuận.
"Một trong các giá trị của công trình nghiên cứu là nó được cung cấp đúng người vào đúng thời điểm", nhà kinh tế học hàng đầu của Pháp trao đổi với Reuters tại văn phòng Trường Kinh tế Toulouse.
Chủ nhân Nobel Kinh tế 2014 Jean Tirole đã đưa ra một khung thiết kế chính sách áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp, từ viễn thông đến ngân hàng, nhằm cân đối giữa việc tăng năng suất và giảm độc quyền. Ảnh: Bloomberg
Tirole đã đặc biệt cẩn trọng đối với triển vọng kinh tế của Pháp, nơi mà tỷ lệ thất nghiệp bị mắc kẹt ở con số 10% trong khi một loạt các hứa hẹn trả nợ công trong giới hạn của EU bị phá vỡ bởi các nhà lãnh đạo hồi tháng trước.
"Chúng ta cần phải hiện đại hóa đất nước, để con em chúng ta được thừa hưởng một di sản khác với tỷ lệ thất nghiệp và con số nợ công mà họ phải oằn lưng gánh trả", ông cho hay.
Tirole đã nghiên cứu trong nhiều thập kỷ về tác động của bong bóng tín dụng và đưa ra kết luận cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 xuất phát từ các khe hở quản lý.
"Tôi nghĩ rằng, ngân hàng là một lĩnh vực rất khó để điều chỉnh. Các nhà kinh tế và các viện nghiên cứu cần phải làm việc nhiều hơn trong lĩnh vực này", Tirole trao đổi qua điện đàm trong cuộc họp báo diễn ra tại Stockholm.
Công trình của Giáo sư Tirole đưa ra lý thuyết mới giúp các nhà làm chính sách hiểu rõ về bản chất, cách hoạt động về những tập đoàn khổng lồ, từ đó đề ra quy định, chính sách nhằm ngăn chặn các “đại gia” khống chế thị trường và triệt tiêu cạnh tranh. GS Tirole cùng các cộng sự cũng đề xuất những mô hình quản lý cụ thể trong các lĩnh vực dễ xuất hiện độc quyền và bắt tay thao túng thị trường như viễn thông hay tài chính – ngân hàng.
Trước đó, năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn của truyền thông Pháp, ông nói đã "sốc" với quyết định hỗ trợ tài chính của chính quyền Mỹ đối với các ngân hàng suy sụp trong đợt khủng hoảng, vì họ không có người gửi tiền nhỏ, với các quy định ràng buộc lỏng lẻo.
Nghiên cứu của Tirole cho thấy các quy định thị trường cần được thích nghi đối với các điều kiện của các ngành công nghiệp cụ thể chứ không phải là nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả các ngành công nghiệp.
Giám đốc chống độc quyền của Ủy ban châu Âu Joaquin Almunia đã ca ngợi công trình nghiên cứu của Tirole về việc sáp nhập và thỏa thuận khác để đảm bảo tiềm năng cạnh tranh thị trường được giữ vững. "Chúng tôi nợ Jean Tirole rất nhiều", Joaquin Almunia tuyên bố.
"Anh ấy đã trở thành nhân vật nổi bật trong tổ chức công nghiệp”, giáo sư kinh tế Paul Klemperer (Đại học Oxford) cho hay. "Công trình giúp chúng ta hiểu làm thế nào để tư duy về các quy định cụ thể thay vì các nguyên tắc áp dụng cho toàn thể”.
Giải Nobel Kinh tế được thành lập vào năm 1968, có tên gọi chính thức là Giải thưởng Khoa học Kinh tế Sveriges Riksbank. Lễ trao giải chính thức sẽ được trao vào ngày 10/12, nhân ngày mất của người sáng lập giải Alfred Nobel, với giải thưởng 8 triệu crown Thụy Điển (tương đương 1,1 triệu USD), theo AFP.
Jean Tirole là người Pháp thứ hai có vinh dự nhận giải trong mùa Nobel năm nay, sau khi tiểu thuyết gia Pháp Patrick Modiano cũng bất ngờ đoạt giải Nobel trong lĩnh vực văn học cách đây 4 ngày.
Trước đó, năm 2013, Nobel Kinh tế được trao cho 3 nhà khoa học người Mỹ là ông Eugene F. Fama – Đại học Chicago (Mỹ), ông Lars Peter Hansen – Đại học Chicago (Mỹ) và ông Robert J. Shiller – Đại học Yale (Mỹ) vì công trình phân tích giá tài sản.
Xem thêm: Lo trả nợ, 2015 sẽ không có tiền tăng lương