Công ty cổ phần Tổng công ty phát triển năng lượng Nghệ An đã làm mất đi chữ tín khi vừa trây ỳ không trả khoản nợ hàng chục tỷ đồng tiền lương nhân công của nhà thầu, vừa phát tán đơn thư bịa đặt.
Công ty cổ phần Tổng công ty phát triển năng lượng Nghệ An (viết tắt là Công ty EDCNA) tiền thân là Công ty cổ phần thủy điện Bản Vẽ ngay từ khi mới ra đời đến nay luôn gắn bó hợp tác với Tổng công ty 36 từng có những đánh giá hết sức tốt đẹp về uy tín, chất lượng thi công và đề nghị Chủ tịch nước tặng huân chương lao động cho nhiều tập thể, cá nhân của Tổng công ty 36. Thế nhưng, gần đây, đơn vị này đã làm mất đi chữ tín khi vừa trây ỳ không trả khoản nợ hàng chục tỷ đồng tiền lương nhân công của nhà thầu, vừa phát tán đơn thư bịa đặt. Bản án của phiên tòa phúc thẩm mới đây đã tuyên rõ ràng đúng sai sự việc, song những hành vi xúc phạm uy tín cán bộ và doanh nghiệp quân đội cũng cần được xử lý nghiêm.
Vừa trây ỳ vừa bất tín
Theo hồ sơ vụ việc, năm 2010 và 2011, sau khi hoàn thành tốt việc xây dựng các dự án thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố ở Nghệ An, Tổng công ty 36 ký kết 2 hợp đồng thi công hai nhà máy thủy điện của công trình thủy điện Nậm Mô với Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ. Hai bên tiến hành nghiệm thu khối lượng hoàn thành theo từng đợt, đưa nhà máy thủy điện Nậm Mô vào hoạt động này 31/3/2013. Đến năm 2014, chủ đầu tư đã thanh toán số tiền hơn 159 tỷ đồng cho nhà thầu. Tuy nhiên, do biến động giá cả vật liệu và nhân công theo quy định của Nhà nước, tổng giá trị quyết toán công trình đã tính điều chỉnh giá rơi vào hơn 210 tỉ đồng. Tổng số tiền mà Công ty EDCNA còn nợ Tổng công ty 36 là hơn 57 tỷ đồng, gồm 15 tỷ đồng bù giá nguyên vật liệu, trên 33 tỷ đồng bù giá tiền lương và hơn 9 tỷ đồng tiền lãi suất do chủ đầu tư chậm thanh toán.
Công trình thủy điện Nậm Mô đã hoàn thành đi vào hoạt động (ảnh: Trần Quyết).
Suốt 3 năm liền, mặc dù Tổng công ty 36 đã nhiều lần thương thảo nhưng Công ty EDCNA vẫn viện dẫn nhiều lý do để không trả nợ. Trong đó, riêng về chi phí nhân công, EDCNA cho rằng, quyết toán phải áp dụng thanh toán theo mức lương tối thiểu chung để tính chi phí nhân công chứ không phải theo mức lương tối thiểu vùng như Tổng công ty 36 đề nghị.
Sự việc kéo dài, đàm phán không hiệu quả, cực chẳng đã, Tổng công ty 36 phải kiện EDCNA ra TAND TP Vinh (tỉnh Nghệ An) để đòi khoản tiền hơn 57 tỷ đồng.
Ngày 20/4/2016, TAND TP.Vinh đã mở phiên tòa sơ thẩm, ra bản án số 04/KDTM-ST buộc EDCNA phải thanh toán số tiền 52,7 tỉ đồng cho Tổng công ty 36. Phán quyết tại phiên tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng công ty 36, việc yêu cầu tính lương nhân công theo mức lương tối thiểu vùng là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận của 2 bên và hướng dẫn của Bộ Xây dựng cũng như các Nghị định của Chính phủ.
Tuy nhiên, Công ty EDCNA vẫn viện dẫn một số lý do cũ để kháng cáo đồng thời Công ty này cùng với ông Nguyễn Minh Huệ, Giám đốc Công ty xây dựng số 3 Nghệ An, xưng là cổ đông có cổ phần tại EDCNA đã liên tục phát tán nhiều đơn thư gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội với nhiều nội dung bịa đặt, vô căn cứ đòi đề nghị giải thể Tổng công ty 36, đưa Tổng giám đốc Tổng công ty 36… ra khỏi quân đội. Ông Huệ còn dùng những từ ngữ quy chụp, xúc phạm danh dự lãnh đạo Tổng công ty 36 và tùy tiện suy diễn như: “TAND TP.Vinh đã tuyên một bản án theo đúng kịch bản của Tổng công ty 36 đưa ra?”. “Ông Nguyễn Đăng Giáp khởi kiện EDCNA vì “có người nhà làm tại Tòa án tỉnh Nghệ An muốn bẻ cong cán cân công lý”. “Ông Giáp ngông nghênh, càn rỡ”, “gian dối, hách dịch”, là “con sâu mọt”.
Công văn do ông Nguyễn Tám, Tổng giám đốc điều hành ký gửi lãnh đạo Bộ Quốc phòng còn đưa ra nhiều thông tin sai sự thật đổi lỗi cho Tổng công ty 36 để viện dẫn, trây ì trả nợ như: Chất lượng cán bộ, công nhân yếu kém, công trình chậm tiến độ đến 7 tháng, chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật kém.
Không thể thiếu trách nhiệm trước tài sản Nhà nước
Ngày 12/9/2016 vừa qua, TAND tỉnh Nghệ An đã xét xử phúc thẩm vụ việc trên. Bản án do thẩm phán Nguyễn Thị Hường, Chủ tọa phiên tòa ký đã nêu rõ: “Bộ Xây dựng có nội dung hướng dẫn thống nhất là “hợp đồng xây dựng được ký kết phù hợp với pháp luật về đầu tư xây dựng công trình là căn cứ cao nhất để các bên thanh quyết toán công trình”. Do vậy, tòa căn cứ vào cam kết thỏa thuận của 2 bên trong hợp đồng và các thỏa thuận đã lập để giải quyết tranh chấp”; “tranh chấp trong vụ án chủ yếu là việc áp dụng văn bản pháp luật nào để làm căn cứ tính bù giá lương nhân công. Tuy nhiên thực tế ở giai đoạn bù giá đợt 1 hai bên áp dụng cách tính thống nhất và đã lập thanh toán bù giá nhân công là hơn 16,7 tỷ đồng. Sau khi tranh chấp, hai bên họp thống nhất mức lương tối thiểu vùng theo từng thời điểm…”. Trên cơ sở nhận định đó, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên buộc Công ty EDCNA thanh toán số tiền còn lại và tiền lãi phạt do chậm thanh toán cho Tổng công ty 36 với tổng số tiền là hơn 55,1 tỷ đồng, đối trừ còn hơn 53,6 tỷ đồng. Bản án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (12/9/2016).
Bản án phúc thẩm tuyên Công ty EDCNA phải trả cho Tổng công ty 36 số tiền hơn 55,1 tỷ đồng
Bản án trên đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và doanh nghiệp quân đội đồng thời hiện thực hóa chính sách tiền lương của Chính phủ. Việc Chính phủ ban hành các nghị định mới về áp dụng lương tối thiểu vùng chính là nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động ở những khu vực kinh tế đặc thù, vùng sâu vùng xa. Nếu áp dụng theo phương án lương tối thiểu chung của khu vực kinh tế Nhà nước thì chẳng những người lao động bị thiệt thòi mà còn tạo tiền lệ cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh lách luật để bớt xén tiền lương của người lao động.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 cho biết thêm: “Số tiền hơn 55 tỷ đồng phần lớn là tiền lương của người lao động, doanh nghiệp đã phải ứng ra để trả. Công ty EDCNA suốt 3 năm qua đã khai thác thủy điện Nậm Mô, bán điện, thu tiền rất lớn, nhưng không thanh toán khoản nợ chính là chiếm dụng vốn của doanh nghiệp quân đội, cũng là tài sản của Nhà nước. Hiện Tổng công ty 36 phần hóa theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Để xác định giá trị doanh nghiệp, một yêu cầu có tính nguyên tắc của cổ phần hóa là phải thanh toán nợ. Tổng công ty 36 với trách nhiệm chính trị trước tài sản Nhà nước, không thể thiếu trách nhiệm để “treo” những khoản nợ lớn. Trước vụ EDCNA, Tổng công ty 36 cũng đã kiên quyết đưa một đối tác ra tòa và đòi được khoản nợ hơn 300 tỷ đồng từ dự án Nhà B6 Giảng Võ. Hiện nay bản án đã có hiệu lực pháp luật, Tổng công ty 36 sẽ kiên quyết phối hợp với các cơ quan pháp luật để thu hồi số tiền hơn 53,6 tỷ đồng”.
Xử lý nghiêm hành vi xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân và tổ chức
Việc trây ỳ trả nợ đã được tòa án tuyên rõ ràng đúng sai song còn việc phát tán thông tin bịa đặt, xúc phạm danh dự, uy tín cán bộ và doanh nghiệp quân đội sẽ bị xử lý như thế nào? Theo Luật sư Nguyễn Thanh Ba (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), hành vi của Công ty EDNCA và ông Nguyễn Minh Huệ có dấu hiệu vi phạm tội vu khống theo Điều 122 Bộ Luật Hình sự.
Đại tá Đoàn Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tổng công ty 36 cho biết: “Họ nêu Tổng công ty 36 làm chậm dự án 7 tháng nhưng Biên bản cuộc họp ngày 22/5/2014 giữa hai bên đã ghi rõ số ngày chậm tiến độ do khách quan (trong đó có lỗi của EDCNA) là 211 ngày, lỗi của Tổng công ty 36 chỉ có hai ngày. Họ gửi đơn nói công trình kém chất lượng trong khi hàng loạt biên bản xác nhận hết thời gian bảo hành công trình từ năm 2012 đến 2014 đều ghi “hạng mục công trình đạt yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với bản vẽ thi công và các thỏa thuận” và suốt 3 năm sau khi công trình đưa vào sử dụng, chưa bao giờ họ khiếu nại gì về chất lượng của công trình”.
Theo Đại tá Đoàn Minh Tuấn, chính các ông Đào Duy Tân, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tám, Tổng giám đốc Công ty EDCNA đã bội tín và tự phủ nhận chính những gì mình kết luận về Tổng công ty 36. Ông Đào Duy Tân trên cương vị Trưởng ban quản lý dự án thủy điện Bản Vẽ từng tin tưởng giao cho Tổng công ty 36 thi công nhiều hạng mục khó khăn, phức tạp và sau đó thay mặt chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba cho các tập thể và cá nhân của Tổng công ty 36. Đồng thời chính lãnh đạo EDCNA đã ký văn bản xác nhận Tổng công ty 36 chỉ chậm tiến độ có 2 ngày và ký 11 văn bản xác nhận các hạng mục bảo đảm chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật.
Liên quan đến sự việc, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thi, Cục trưởng Cục Điều tra Hình sự (Bộ Quốc phòng) đã có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ Quốc phòng, khẳng định: “Cục Điều tra Hình sự đã nhắc nhở, quán triệt đối với EDCNA, để EDCNA rút kinh nghiệm, không phản ánh những nội dung kiến nghị chưa đủ căn cứ gửi Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và cơ quan có thẩm quyền…”.
“Trước những vu khống, bịa đặt trắng trợn của EDCNA và ông Nguyễn Minh Huệ làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của lãnh đạo và Tổng công ty 36, chúng tôi sẽ sử dụng quyền yêu cầu các cơ quan pháp luật điều tra, xác minh và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Tổng công ty 36 đã cổ phần hóa, những thông tin xuyên tạc, bịa đặt còn ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của các nhà đầu tư và tài sản Nhà nước giữ vai trò chi phối. Không thể không ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi trái pháp luật đó” – Đại tá Đoàn Minh Tuấn khẳng định.
Ngọc Hoàng
Theo TCĐNA