Trưởng ban Quan hệ quốc tế Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London – GS Christopher Hughes. Ảnh: LSE
Đó là nhận định của GS Christopher Hughes, Trưởng ban Quan hệ quốc tế Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (LSE) tại Hội thảo “Các đường hướng của Trung Quốc trong quan hệ với ASEAN và Việt Nam” do Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tổ chức ngày 17/9 tại Hà Nội.
Theo ADB, trong một thập kỷ từ 2003-2013, Việt Nam nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc với tổng kim ngạch trên 50.000 triệu USD và xuất nhiều nhất sang EU với tổng kim ngạch khoảng 27.500 triệu USD. Về đầu tư FDI vào Việt Nam, tính tới cùng kỳ năm 2012, Nhật Bản dẫn đầu với xấp xỉ 30.000 triệu USD, tiếp theo là Đài Loan, Singapore… Trung Quốc xếp cuối cùng với tổng số vốn gần 6.000 triệu USD.
Đối với cả khu vực, từ 2011-2013, EU đứng đầu về vốn FDI với con số 74.757 triệu USD trong khi Trung Quốc chỉ có 21.878 triệu USD, thấp hơn 3,4 lần.
Theo đó, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam và ASEAN không đáng kể. Trong khi nguy hiểm hơn, Việt Nam phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc – nguồn hàng cần thiết để duy trì hệ thống sản xuất trong nước để phục vụ xuất khẩu.
Theo GS Hughes, đây chính là lúc các quốc gia Đông Nam Á cần áp dụng chiến thuật “quăng lưới khắp nơi” – một thuật ngữ quốc tế được sử dụng phổ biến để ám chỉ các cường quốc luôn tranh thủ mọi cơ hội để tăng ảnh hưởng với các nước đối tác. Các nước ASEAN phải tận dụng cơ hội hợp tác với các đối tác lớn trên thế giới như EU, Nhật Bản hay Hoa Kỳ.
Đặc biệt, khi Trung Quốc đang xây dựng trục tam giác Trung Quốc – Mỹ – ASEAN, với ý đồ kiểm soát dòng chảy thương mại châu Á từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, để nắm quyền kiểm soát cửa ngõ của Thái Lan và Philippines, vươn tới Nhật Bản, Hàn Quốc vốn là các nước đồng minh của Mỹ nhằm tranh chấp vị trí số 1 với Mỹ, nhưng còn chưa dám gây hấn ngoài phạm vi châu Á.
GS Hughes cho rằng Trung Quốc áp dụng chiến lược chia cắt – chiến lược nhằm sử dụng sức mạnh kinh tế để gây sức ép về chính trị, trong đó nổi bật là “chính sách nắm đấm”: bỏ ngoài tai cơ chế luật pháp quốc tế, can thiệp các kênh ngoại giao quốc tế, ngăn chặn kinh tế và sử dụng lực lượng hải quân gây uy hiếp, ví dụ như với Philippines.
Theo đó, Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung cần tăng cường hợp tác sâu về kinh tế đối với EU hoặc các đối tác liên quan. Một ví dụ, khi FTA ASEAN – EU được thông qua sẽ khiến hơn 90 dòng thuế và các mặt hàng liên quan sẽ dần dần hoặc ngay lập tức được hưởng mức thuế 0%, một cơ hội cho cả hai bên mở rộng thị trường, làm suy yếu vai trò của Trung Quốc.
Hoặc đối với TPP, hàng rào thuế quan đối với mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm từ 17-20% xuống còn 0%. Thách thức và cũng là cơ hội là Việt Nam cần đạt được tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ – đạt tỷ lệ nội địa hóa về nguyên liệu, phụ liệu, mức độ gia công… để nguồn hàng xuất khẩu được nhận mức thuế ưu đãi. Theo đó, một mặt Việt Nam cũng như ASEAN càng cần phải tách khỏi sự phụ thuộc về kinh tế đối với Trung Quốc, mặt khác tạo ra các mối liên kết kinh tế toàn cầu để chủ động về dây chuyền thương mại-đầu tư-sản xuất.