Seatimes – (ĐNA). Ngày 16/11/2023, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 với chủ đề “Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn”.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc lựa chọn kinh tế tuần hoàn là dấu mốc, thời điểm hết sức cần thiết, quan trọng, khẳng định yêu cầui giải quyết những vấn đề toàn cầu về mô hình phát triển dựa vào kinh tế tri thức, trên nguyên tắc các nước phát triển, đang phát triển đi cùng nhau, lựa chọn những phải pháp, công nghệ mang tính toàn cầu, để phát triển bền vững, không để ai ở lại phía sau.
Hoan nghênh, đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn năm nay, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “phải hành động” từ phạm vi quốc tế đến trong nước với mục tiêu rõ ràng: Kinh tế tuần hoàn là dấu mốc quan trọng, nổi bật cho sự phát triển của đất nước, kết nối người dân, doanh nghiệp, chính phủ. Đồng thời, cần đặt ra mục tiêu rõ ràng cho kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ chuỗi khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên tái tạo, tài nguyên tri thức, từ lý luận đến thực tiễn, những chính sách, khuôn khổ pháp lý, hiệu quả kinh tế, lợi ích giữa doanh nghiệp và xã hội.
“Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt nhưng doanh nghiệp sẽ giữ vai trò trung tâm trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn, dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn về kinh tế cũng như tiêu chí, giá trị về nhận thức, đạo đức, văn hóa xã hội” Phó Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới mô hình quản trị, công nghệ, hợp tác.
Đồng thời, chúng ta cần xây dựng các quy chuẩn kinh tế, tiêu chuẩn, giá trị đạo đức, văn hoá mới; có cơ chế chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, bản quyền công nghệ đột phá, cốt lõi từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển.
Từ những kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, Phó Thủ tướng cho rằng kinh tế tuần hoàn phải là suy nghĩ, tư duy thường trực, trong đó, chính phủ đóng vai trò tiên phong, lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp tham gia chủ động, trong tầm nhìn tổng thể, đồng bộ, có kế hoạch định hướng, phối hợp, phân công cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: “Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa đem lại hiệu quả kinh tế. Đây được coi là một ‘giải pháp xanh’ cho nền kinh tế bền vững, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thế giới”.
Tại Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, carbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.
Để hiện thực hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, thực hiện hiệu quả nghị định của Chính phủ về trách nhiệm và lộ trình, các cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cuối năm nay.
“Phải tạo không gian mở, xóa bỏ rào cản để các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn vào trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu dùng một cách thuận lợi nhất. Kinh tế tuần hoàn chỉ có thể thành hiện thực khi có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Truyền thông điệp về sự chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khẳng định, trên cơ sở thúc đẩy chuyển dịch sang một nền kinh tế carbon thấp và kinh tế tuần hoàn, Việt Nam có thể dẫn dắt cũng như định hướng con đường phát triển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt thông qua đầu tư vào 3 nhóm vấn đề chiến lược: thiết kế tốt hơn cho kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao vốn con người.
Theo bà Ramla Khalidi, nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững, có tới 80% nguy cơ tác động môi trường có thể được xác định ở giai đoạn thiết kế sản phẩm. UNDP khuyến nghị áp dụng lộ trình thiết kế sinh thái, bắt đầu từ các yêu cầu chung cho các sản phẩm như bao bì, nhựa, thực phẩm và đồ uống, dệt may và điện tử, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và lớn.
Các quy định này từng bước kết hợp với các chính sách về “mua sắm xanh” sẽ thúc đẩy sức mua để kích thích tiêu dùng và sản xuất bền vững. Các chính sách kinh tế tuần hoàn, đầu tư và chiến lược sẽ góp phần thực hiện mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam và xúc tác để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy các tiêu chuẩn môi trường – xã hội – quản trị (ESG) của doanh nghiệp sẽ khuyến khích sự liên kết của hoạt động kinh doanh và giúp tiếp cận nguồn vốn xanh.
Liên quan đến những mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 được tổ chức gần với thời điểm COP28 được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đã truyền tải ý nghĩa sâu sắc về thông điệp của Việt Nam đến cộng đồng quốc tế về những thách thức, nguy cơ và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Bộ trưởng cũng cho rằng, những ý kiến tại diễn đàn là cơ sở quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn; xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn; có cơ chế khuyến khích và tạo cơ chế tài chính cho kinh tế tuần hoàn phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi cấu trúc quản lý, đổi mới, tiếp cận công nghệ, phương thức sản xuất tiên tiến để đóng góp vào tiến trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
Tại Diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Các ý kiến đều đồng thuận với dự thảo và đóng góp các quan điểm, ý kiến vào lộ trình triển khai trong thời gian tới.
Trong đó, chú trọng cách tiếp cận phù hợp và cơ chế tài chính để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại các ngành, lĩnh vực từ cấp trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường.
Các cơ chế tài chính như thúc đẩy thị trường carbon, nguồn tài chính đổi mới cho đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái cũng như huy động sự tham gia của tư nhân trong hoạt động quản lý chất thải được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.
Đại diện các doanh nghiệp cũng cam kết sẽ đồng hành cùng các cơ quan Nhà nước và tích cực hành động, thực hiện các giải pháp kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, đến 2030 cho thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Dự thảo đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp độ quốc gia phân theo 3 nhóm gồm: Nhóm chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; Nhóm chỉ tiêu về kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; Nhóm chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế – xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững.
Dự thảo kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đã xác định 5 chủ đề, 17 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 56 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Đồng thời, đề xuất 35 nhóm vật liệu, sản phẩm, chất thải và dịch vụ thuộc 9 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn phân theo lộ trình đến năm 2030. Ngoài ra, còn có các nội dung về định hướng triển khai và tổ chức thực hiện.
Thùy Linh