Seatimes – Trong các ngày từ 17 đến 21/4/2023, tại Đà Nẵng, đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Thu hút sinh viên quốc tế và các mục tiêu phát triển bền vững thời kỳ hậu COVID 19”. Hội thảo do Đại học Đà Nẵng phối hợp cùng Đại học WSB (Akademia WSB , Ba Lan); Đại học Truyền thông Stuttgart, Đức; Đại học Mykolas Romeris, Litthuania tổ chức.
Hội thảo là một phần trong dự án giáo dục đại học HeisCITI (tên đầy đủ là: Các cơ sở giáo dục đại học thúc đẩy sự phát triển bền vững ở các thành phố châu Âu trong thời kỳ hậu Covid-19), trong khuôn khổ chương trình Erasmus + do Liên minh châu Âu tài trợ.
“Hội thảo là cơ hội tuyệt vời để tất cả chúng ta cùng trao đổi kinh nghiệm trong thu hút sinh viên nước ngoài, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao sự phối hợp giữa các cơ quan học thuật và cơ quan quản lý nhà nước; qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trong thời kỳ hậu Covid-19.
Chúng ta hãy nỗ lực hết mình, tìm hiểu các cơ hội hợp tác mới, chia sẻ kiến thức chuyên môn để giải quyết các vấn đề chung, cùng chung tay thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong hợp tác quốc tế của Đại học Đà Nẵng, đặc biệt là hợp tác với các trường đại học đẳng cấp quốc tế ở châu u có vai trò then chốt. Đến nay, Đại học Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 40 trường đại học, học viện tại các quốc gia thành viên EU. Những giềng mối quan hệ hợp tác này đã góp phần nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu của chúng tôi, trở thành nguồn lực quan trọng thông qua giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Đại học Đà Nẵng cũng đã tham gia gần 30 dự án Erasmus+, bao gồm nâng cao năng lực và huy động tín dụng quốc tế do Ủy ban châu u tài trợ, mang lại nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu cho sinh viên, giảng viên, cũng như giúp chúng tôi nâng cao năng lực, cơ sở vật chất. Đại học Đà Nẵng sẽ nỗ lực hết mình, đóng góp tích cực vào thành công của HEIsCITI”, PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết.
Quốc tế hoá giáo dục đại học để cải thiện các chỉ số đánh giá chất lượng và xếp hạng
Theo Thạc sỹ Hồ Lộng Ngọc – Phó Trưởng Ban Hợp tác quốc tế Đại học Đà Nẵng, “hội thảo có ý nghĩa chiến lược trong giai đoạn phát triển mới, thúc đẩy tiến trình hội nhập, quốc tế hoá giáo dục đại học, thu hút thêm nhiều sinh viên quốc tế. Qua đó, tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Đại học Đà Nẵng, các trường, tổ chức giáo dục thành viên. Điều này góp phần cải thiện các chỉ số đánh giá chất lượng và xếp hạng đại học trong bối cảnh yêu cầu hội nhập, quốc tế hoá giáo dục đại học đã trở thành xu thế.
Bên cạnh đó, như chủ đề mà hội thảo hướng đến, bối cảnh thế giới đã biến đổi không ngừng và con người ngày nay luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, thách thức trong hiện tại, lẫn tương lai gần. Một thực tế là từ đại dịch Covid-19, đã cho thấy mức độ và quy mô ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt đời sống kinh tế – xã hội, giáo dục và đào tạo không ngoại lệ.
Do vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần tìm kiếm những cách tiếp cận đột phá, ứng dụng công nghệ nhiều hơn để cải tiến chương trình, nội dung giảng dạy, kể cả thay đổi phương pháp sư phạm, sử dụng nguồn học liệu mở nhiều hơn, rộng hơn, … nhằm chuẩn bị cho một “tầm nhìn hậu Covid-19” đầy thách thức, nhưng cũng phải biết nắm bắt những cơ hội mới”.
HEIsCITI – là một dự án quốc tế trực tuyến không biên giới – do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, tập trung vào đổi mới và phổ biến các chương trình giảng dạy đại trà, bao gồm phương pháp và công cụ hỗ trợ giảng dạy cho tất cả các loại hình đào tạo trình độ đại học, mục tiêu chính là hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy sinh viên và học viên, phù hợp với yêu cầu thực tế xã hội và sự tương tác gắn kết chặt chẽ với các cơ quan nhà nước tại địa phương, dưới mô hình liên kết Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp vì sự hội nhập. Hội thảo hướng đến tinh thần hòa nhập và phát triển bền vững trong thời kỳ hậu Covid -19.
Tham gia dự án có Đại học Đà Nẵng và các đối tác đại học, doanh nghiệp (bao gồm cả vai trò điều phối dự án): Đại học WSB (Akademia WSB, Ba Lan); Trường Đại học truyền thông Stuttgart (Hochschule der Medien, Đức) ; P2. Công ty LAMA (LAMA Societ à Cooperativa – Impresa Sociale ; Ý); Đại học Mykolas Romeris (Lithuania) ; Công ty SMART RI – Công ty trách nhiệm hữu hạn về quản lý và phát triển chiến lược (Croatia).
Làm việc liên tục trong 5 ngày, hội thảo có các phiên thảo luận với nội dung trọng tâm theo phiên làm việc gồm: Sinh viên quốc tế (như chương trình đào tạo, chính sách thu hút, sinh viên quốc tế…) và tiềm năng hợp tác về dự án quốc tế, nhằm mục đích kết nối và phát triển bền vững của tất cả các đối tác tham gia dự án HEIsCITI (phiên toàn thể); Các công cụ hỗ trợ giáo dục chung cho người dạy và người học (Đại học WSB, Ba Lan); Đổi mới phương pháp giảng dạy cho sinh viên (Đại học Mykolas Romeris (Lithuania) ;Sự tham gia của sinh viên vào sự phát triển của bền vững của thành phố (Đại học WSB, Ba Lan) – Xây dựng tương tác hiệu quả của người dân đối với chính quyền địa phương/khu vực (Đại học Truyền thông Sttugart, Đức); Học hỏi kinh nghiệm quản lí, đào tạo; phát triển đối tác Á – u trong lĩnh vực giáo dục đại học, mở rộng mạng lưới và tiếp cận các đề án, dự án hợp tác quốc tế trong tương lai.
Đặc biệt, các đại biểu quốc tế sẽ tham quan học tập tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, một điển hình hợp tác giữa Nhà trường với các tỉnh của nước bạn Lào trong đào tạo lưu học sinh. Nghe chia sẻ công tác đảm nhận trọng trách hợp tác đào tạo nhân lực cho Lào và Campuchia theo diện học bổng của UBND thành phố Đà Nẵng; Vai trò của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu ứng dụng và tư vấn có quy mô lớn, có uy tín ở khu vực Tây Nguyên, hành lang kinh tế Đông Tây và khu tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
“Thông qua những chia sẻ của Đại học Đà Nẵng về quá trình thực hiện hợp tác quốc tế, theo mô hình Nhà trường – Nhà nước, các đối tác giáo dục đại học Châu u tham gia dự án, sẽ tham khảo, tìm hiểu về quy trình, kết hợp triển khai các chuyến trải nghiệm thực tế, học hỏi kinh nghiệm.
Các đối tác cũng tiến đến thiết lập một bộ công cụ, hệ phương pháp và hướng dẫn phục vụ cho kết quả của dự án, để áp dụng ngay tại các thành phố của Châu Âu. Ngược lại, dự án cũng trở thành cơ hội để Đại học Đà Nẵng được học hỏi kinh nghiệm về quản lý, chia sẻ mô hình, phát triển thêm đối tác, mở rộng mạng lưới và tiếp cận các đề án, dự án hợp tác quốc tế trong tương lai”, Thạc sỹ Hồ Lộng Ngọc – Phó Trưởng Ban hợp tác quốc tế Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh.
Được biết tại Việt Nam, đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giai đoạn 2019-2025”, theo quyết định 69/QĐ-TTg, đã xác định quốc tế hóa giáo dục đại học là một nhiệm vụ trọng tâm; thu hút sinh viên quốc tế chính là một giải pháp quan trọng.
Trong bối cảnh đó, Đại học Đà Nẵng, các trường đại học thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc, đã và đang đẩy mạnh phát triển các chương trình đào tạo quốc tế, kiến tạo môi trường mang tính quốc tế hoá cao để đáp ứng nhu cầu hội nhập, đào tạo sinh viên quốc tế. Và Đại học Đà Nẵng đã, đang là điểm đến hấp dẫn cho người học trong nước cũng như quốc tế, giai đoạn “bình thường mới” hậu Covid 19.
“Đại học Đà Nẵng đã có định hướng sẽ phát triển thành đại học nghiên cứu, là 1 trong 3 trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín của Việt Nam, tầm nhìn đạt trình độ khu vực và quốc tế. Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch nâng vị trí Đại học Đà Nẵng thành đại học quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới. Hội thảo HeisCITI , thực sự góp phần xây dựng hình ảnh Đại học Đà Nẵng là nơi hội tụ tri thức, điểm đến quốc tế hóa giáo dục đại học”, PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, khẳng định.
Kết nối không ngừng, vượt qua nhiều thách thức của thời đại
Theo bà Lê Thị Thu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố luôn được UBND thành phố đặc biệt quan tâm.
Một điều kiện “rất thuận lợi” cho thành phố trong chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trong những năm đến, đó là Đại học Đà Nẵng – đại học vùng trọng điểm của quốc gia, “đóng chân” ngay trên địa bàn. Nhiều năm qua, Đại học Đà Nẵng luôn cộng đồng trách nhiệm cao, đồng hành với thành phố, trong đào tạo nguồn nhân lực. Các cơ sở giáo dục thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng thường xuyên đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, đặc biệt đã tiếp cận nhiều chương trình, giáo trình, mô hình đào tạo tiên tiến từ các đại học quốc tế có uy tín.
Đại học Đà Nẵng cũng là đại học có quan hệ quốc tế năng động và đi vào chiều sâu, nhiều nội dung hợp tác được triển khai hiệu quả. Thông qua quan hệ quốc tế của Đại học Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng cũng muốn mở rộng quan hệ với nhiều đại học, nhiều thành phố của các quốc gia 5 châu. Tạo nên vòng tròn kết nối tất cả chúng ta lại với nhau. Đại dịch COVID-19 và giai đoạn hậu đại dịch để lại nhiều khó khăn, thách thức, do vậy chúng ta càng kết nối mạnh mẽ hơn, nối liền các quốc gia, nối liền các vùng đất, tạo nên sức mạnh chung. Chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua nhiều thách thức của thời đại./.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ