Vụ 5 triệu yên mà chị Hồng – người bán ve chai phát hiện trong chiếc loa thùng cũ vẫn đang chờ phán quyết của cơ quan chức năng. Đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về quyền sở hữu số tiền trên.
Liên quan đến vụ việc này, mới đây, PV Seatimes vừa có cuộc trao đổi với luật sư Đỗ Hữu Đĩnh – Giám đốc Công ty Luật Việt Kim để làm rõ vấn đề này cũng như việc có hay không trao quyền sở hữu 5 triệu yên cho chị Hồng?
Vợ chồng chị Hồng – người nhặt được 5 triệu yên. Ảnh: NLĐ
Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh bày tỏ quan điểm cho rằng, chị Hồng mua thùng loa cũ về để bán đồng nát và khi phá loa ra phát hiện ra 5 triệu yên ở trong loa, như vậy có thể xem chị Hồng đã phát hiện ra số tiền 5 triệu yên chứ không phải là nhặt được số tiền 5 triệu yên.
Cơ quan Công an cũng đang phân vân giữa việc áp dụng điều 239 – Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu hay là điều 241 – Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên của Bộ luật dân sự năm 2005 để đưa ra quyết định đúng đắn bởi vì hai điều luật này có quy định khác nhau giữa việc chị ve chai sẽ nhận được toàn bộ giá trị tài sản là 5 triệu yên hay là được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Về khía cạnh pháp lý, luật sư Đỗ Hữu Đĩnh khẳng định, theo quy định tại Điều 241 thì hành vi nhặt được vật là yếu tố để áp dụng điều luật. Tuy nhiên, vật nhặt được phải là vật bị đánh rơi, bỏ quên và được người phát hiện trực tiếp và nhặt lên ngay lập tức. Về bản chất vật bị đánh rơi hoặc vật bị phát hiện thì đều có chủ sở hữu và chỉ xác định được "vô chủ" khi đã thông báo, tìm kiếm công khai có thể là trên các phương tiện thông tin đại chúng mà không có người nhận lại.
Mặt khác, vật bị đánh rơi thường sẽ có chủ sở hữu nhận ngay nếu hết thời gian về việc thông báo trên phương tiện. Và để nhận lại được tài sản này thì người đến nhận tài sản phải cung cấp được bằng chứng chứng minh mình là chủ sở hữu kể từ thời điểm mà người nhặt được tài sản thông báo đến cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp không có người nhận kể từ thời điểm thông báo thì cũng sẽ là vật vô chủ và lúc này yếu tố để xác định là vật vô chủ hay vật do người khác đánh rơi bỏ quên.
Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh – Giám đốc Công ty Luật Việt Kim.
Đánh rơi là trường hợp người quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu tài sản làm rơi tài sản mà mình quản lý trong một không gian, thời gian, địa điểm nhất định nào đó. Trong khi đó 5 triệu yên nó nằm trong thùng loa mà chị Hồng đã phát hiện thì không thể nào gọi là đánh rơi được. Như vậy, trong trường hợp này không phải là đánh rơi.
Còn chôn giấu là trường hợp người quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu tài sản chôn trong lòng đất hoặc cất giấu ở một nơi nào đó (thông thường hiểu theo nghĩa chôn giấu là chôn vào lòng đất). Như vậy, trong trường hợp này cũng không phải là chôn giấu.
Trong trường hợp của chị Hồng, kể từ thời điểm phát hiện được tài sản là 5 triệu yên chị đã đến cơ quan công an để tiến hành thủ thục giao nộp tài sản phát hiện được. Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày giao nộp, bà Ngọt có đến cơ quan Công an để xin nhận lại số tiền này. Bà Ngọt cho rằng đây là số tiền của chồng bà là ông Afolayan Caleb. Tuy nhiên, qua xác minh thì cơ quan Công an đã xác định ông Afolayan Caleb sử dụng giấy tờ giả nhập cảnh Việt Nam cũng như ông này có giấy phép lao động tại một công ty “ảo” đã được PA72 xác minh, và không có bất kỳ giấy tờ nào thể hiện quan hệ giữa Ông Afolayan Caleb với bà Ngọt là vợ chồng. Điều này cho thấy chính bà Ngọt đã giả danh mình là chủ sở hữu của khối tài sản trên để cơ quan công an giao, trả.
Trên cơ sở những phân tích nêu trên, luật sư Đỗ Hữu Đĩnh cũng khẳng định thêm rằng, tính đến thời điểm này đã hết thời hạn một năm kể từ ngày thông báo mà không có chủ sở hữu nào nhận số tiền trên, không xác minh được ai là chủ sở hữu đối với khối tài sản này, vì vậy, đây là vật vô chủ theo quy định tại điều 239 của Bộ luật dân sự, chị Hồng sẽ được nhận toàn bộ số tiền là 5 triệu yên chứ không phải thuộc một phần Nhà nước.