Thị trấn nhỏ Crickhowell ở Xứ Wales với hơn 2.000 dân từ lâu được biết đến là “thành phố công bằng thuế”. Không ai trong thị trấn này trốn thuế bởi họ tin rằng đóng thuế là nghĩa vụ của công dân.
Người dân ở thị trấn nhỏ Crickhowell luôn “nói không” với trốn thuế.
Thế nhưng, vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” đang gây chấn động cả thế giới khi phơi bày chi tiết về hoạt động của một công ty luật ở Panama giúp giới nhà giàu và người có quyền lực giấu tiền ở các “thiên đường trốn thuế”. Tại Liên minh Châu Âu (EU), vụ bê bối trốn thuế đang thổi bùng ngọn lửa bất bình trong dân chúng khi phần lớn người dân khu vực phải sống trong “thắt lưng buộc bụng” với “sưu cao thuế nặng” trong khi nhiều người giàu lại trốn thuế.
Cảnh báo từ Panama như một cơn “thủy triều đen” tiếp tục gây chấn động và buộc các quốc gia phương Tây phải vào cuộc chống trốn và gian lận thuế vốn gây thiệt hại hàng tỷ USD/năm cho ngân sách nhà nước. Trong một cuộc họp mới nhất, Bộ trưởng Tài chính 6 nước trong EU là Đức, Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha và Ba Lan đã nhất trí thông qua kế hoạch minh bạch hệ thống các ngân hàng khu vực nhằm chống lại các thiên đường trốn thuế và chấm dứt cái gọi là “bí mật ngân hàng”.
Theo đó, kế hoạch minh bạch ngành ngân hàng sẽ dựa vào các chia sẻ thông tin liên quốc gia về giao dịch tài chính. Quyết định của EU sẽ tăng sức ép đáng kể với Áo – quốc gia EU duy nhất phản đối chia sẻ thông tin để bảo vệ tính bí mật của ngân hàng được ghi trong Hiến pháp nước này. Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici, không ai có thể phủ nhận tính bí mật của ngành ngân hàng đã lỗi thời và việc 6 nước EU cùng hành động “sẽ phát đi một tín hiệu mạnh mẽ mà không ai có thể cản được”.
Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, các biện pháp chống gian lận thuế của các tập đoàn đa quốc gia đã được Ủy ban Châu Âu (EC) trình Nghị viện Châu Âu (EP) tại Strasbourg (Pháp) ngày 12-4. Với vai trò hành pháp, EC đã yêu cầu các quốc gia thành viên của EU phải công bố các dữ liệu kế toán và thuế của các tập đoàn đa quốc gia hoặc là doanh số, lợi nhuận, ngưỡng trần tính thuế mà tập đoàn đa quốc gia phải nộp ở mỗi nước thành viên.
Biện pháp “mạnh tay” này được Ủy viên Châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ là Pierre Moscovici cùng người đồng nhiệm đặc trách bình ổn tài chính Jonathan Hill chuẩn bị từ lâu để ngăn chặn các tập đoàn lớn đặt trụ sở và khai thuế ở nước thành viên có mức thuế nhẹ nhất. Theo nhận định của Ủy viên P.Moscovici, các hành vi trốn thuế trong “Hồ sơ Panama” là một tệ nạn của thế giới. Vì thế, các biện pháp mới mà EC đề xuất đã chỉ rõ các tập đoàn đa quốc gia, bất kể từ quốc gia nào đến EU, nếu doanh thu lên trên 750 triệu euro, sẽ phải công bố các thông tin về doanh số, kế toán và lợi nhuận…
Không những thế, lợi nhuận thu được ở quốc gia nào sẽ phải nộp thuế ở ngay quốc gia đó. Tất cả những thông số này sẽ được các cơ quan thuế của các nước thành viên EU chia sẻ tự động. Theo đó, hàng loạt công ty đa quốc gia như: Amazon, Google, Facebook, Coca – Cola… sắp tới sẽ phải ra trước EP để trình bày ý kiến của họ về các đề xuất mới nói trên của EC.
Vụ rò rỉ 11,5 triệu tài liệu của Công ty Luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama vừa qua cho thấy, công ty này đã giúp hàng nghìn cá nhân và công ty trên khắp thế giới mở các công ty ma và các tài khoản ở các “thiên đường trốn thuế”. Do các tài khoản này có thể che giấu được chủ nhân thực của nguồn tiền nên chúng trở thành một công cụ ưa thích để rửa tiền, hối lộ hay trốn thuế. Đến nay, vụ bê bối đã gây “bão” trên khắp thế giới do liên quan tới nhiều chính trị gia và nhân vật nổi tiếng.
Sau khi “Hồ sơ Panama” lộ sáng, các quốc gia Trung Mỹ tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban chuyên gia quốc tế để tìm kiếm cách thức tăng cường tính minh bạch trong ngành tài chính ở nước ngoài. Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ P.Moscovici nhấn mạnh rằng, EU cần phải sẵn sàng đối phó bằng những biện pháp trừng phạt đích đáng với các quốc gia không sẵn sàng hợp tác. Hiện Panama đã bị EU liệt vào danh sách các nước không hợp tác về thuế quan.
Cách làm của người dân Crickhowell hẳn là “ác mộng” với những kẻ trốn thuế. Nhưng, với “Hồ sơ Panama” thì đó là một vinh quang dành tặng cho những người dân của thị trấn nhỏ bé này. Và quan trọng hơn nó cho thấy sự đoàn kết là cần thiết để đối phó với một trong những vấn nạn tồn tại từ lâu, đặc biệt với các quốc gia EU.
Đình Hiệp
Theo Báo Hànộimới