Kể từ khi hàng triệu tài liệu, chứng từ thuế của hãng luật Mossack Fonseca bị tung ra trong vụ rò rỉ mang tên “tài liệu Panama”, một loạt ngân hàng, giới chức trên thế giới đã “nằm trong tầm ngắm” điều tra. Và không loại trừ khả năng châu Á sẽ rơi vào vòng xoáy của bê bối này.
Hơn 11 triệu tài liệu rò rỉ từ hãng luật Mossack Fonseca đã khiến nhiều giới chức, ngân hàng trên thế giới lao đao với nghi án rửa tiền
Trong gần 1 tuần kể từ khi bê bối nổ ra, các nhà chức trách châu Âu đã nhanh chóng buộc nhiều ngân hàng trong khu vực công khai những thỏa thuận làm ăn nước ngoài, dẫn đến ít nhất hai giới chức ngân hàng kỳ cựu góp tên trong “tài liệu Panama” phải từ chức. Truyền thông Thụy Sĩ rầm rộ phân tích, dựa trên hàng triệu tài liệu này, phương thức các luật sư trong nước kết nối với những đại gia ngân hàng như Credit Suise, UBS để tạo các công ty “bình phong” cho các nguyên thủ, vận động viên và những khách hàng giàu có khác trên thế giới. Tại Anh, các nhà điều tra đã gửi thư tới các DN yêu cầu giải trình bất kỳ mối liên hệ nào với hãng luật Mossack Fonseca. Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính Mỹ đã hạ quyết tâm xúc tiến trình lên Nhà Trắng bộ luật bị trì hoãn lâu nay nhằm truy tìm tung tích chủ nhân đứng sau các chuỗi công ty “bình phong”.
Không nằm ngoài vòng xoáy này, tập tài liệu còn tiết lộ Hong Kong (Trung Quốc) cùng Trung Quốc đại lục là nơi tọa lạc của gần 1/3 số công ty “bình phong” được tạo ra bởi Mossack Fonseca, bên cạnh những trung tâm ngân hàng lớn nhất châu Á như Singapore, Macao, Dubai. Chiếm 29% các công ty “bình phong” trong “tài liệu Panama” – đây chính là thị trường lớn nhất của Mossack Fonseca, theo số liệu Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố hôm 6/4. Theo đó, Mossack Fonseca đã lập các công ty “bình phong” cho thân nhân của ít nhất 8 thành viên đương chức hoặc đã nghỉ hưu thuộc Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có cả anh rể của Chủ tịch Tập Cận Bình. Giới thượng lưu “mới nổi” tại Trung Quốc thường tìm cách che giấu khối tài sản khổng lồ thông qua các tài khoản ở nước ngoài với những thỏa thuận pháp lý phức tạp dễ qua mặt giới chức Trung Quốc. Xuất hiện vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc nỗ lực siết chặt chương trình chống tham nhũng diện rộng, “tài liệu Panama” sẽ khiến dư luận đặt dấu hỏi về hiệu quả thực chất của những chính sách này.
Tài liệu này cũng bao gồm danh tính 2.725 cá nhân và tổ chức liên quan đến Đài Loan và 90 công dân mang quốc tịch Đài Loan. Theo ICIJ, văn phòng của Mossack Fonseca tại Hong Kong (Trung Quốc) mở vào năm 1989, trở thành văn phòng bận rộn nhất trên thế giới của hãng này. Mới đây, 21 giới chức và DN Thái Lan cũng bị phát hiện có tên trong “tài liệu Panama”. Từ trước tới nay, châu Á vẫn luôn nằm dưới áp lực chia sẻ thông tin thuế để tăng cường minh bạch. Thực tế, một số quốc gia châu Á bao gồm Singapore, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc) và Australia đã cam kết trao đổi thông tin thuế vụ cho tới năm 2018 theo chương trình do OECD thiết lập. Tuy nhiên, bê bối “tài liệu Panama” sẽ góp phần gia tăng áp lực này, buộc các nước châu Á cởi mở hơn trong quá trình thông tin về hoạt động thuế vụ, tài chính.
Tú Anh
Theo KTĐT