Seatimes – (ĐNA). Ngày 3/2/1930, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua sự hợp nhất của ba tổ chức cộng sản, chấm dứt tình trạng phân tán về tư tưởng và tổ chức, khơi dậy phong trào cách mạng rộng lớn khắp cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam đã kiên cường đấu tranh, chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do của dân tộc. Đến nay, Nhân dân Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế vững chắc trên chính trường Đông Nam Á và quốc tế. Chặng đường 95 năm qua của Đảng Cộng sản Việt Nam là một hành trình đầy cam go và thử thách, nhưng vô cùng vẻ vang, đánh dấu những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Lịch sử Việt Nam từ năm 1858 đến 1930
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam, biến một quốc gia phong kiến thành thuộc địa nửa phong kiến.
Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng đều không mang lại kết quả. Phong trào yêu nước Cần Vương theo ý thức hệ phong kiến, do giai cấp phong kiến lãnh đạo đã chấm dứt ở cuối thế kỷ XIX với cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (năm 1896). Sang đầu thế kỷ XX, khuynh hướng này không còn là khuynh hướng tiêu biểu nữa. Phong trào nông dân, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài mấy chục năm cũng thất bại vào năm 1913. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại.
Các phong trào yêu nước từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc ta được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì ngày 5/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Người đã đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã phát hiện ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa.
Năm 1917, Người trở lại nước Pháp, đến Paris và năm 1919 gia nhập Đảng Xã hội Pháp.
Tháng 6/1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, với tên gọi mới là Nguyễn Ái Quốc, Người gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Versailles.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin và từ tư tưởng đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.
Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, không những Nguyễn Ái Quốc đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với lý luận cách mạng của thời đại là chủ nghĩa Mác-Lênin, mà còn đánh dấu bước chuyển quan trọng của con đường giải phóng dân tộc Việt Nam: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.
Từ đây, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đối với phong trào cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc xúc tiến truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, vạch phương hướng chiến lược cách mạng Việt Nam và chuẩn bị điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhấn mạnh, cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo; Đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác-Lênin.
Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ. Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (năm 1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) và gửi cán bộ đi học tại trường Đại học Phương Đông (ở Liên Xô trước đây) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.
Nhờ hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều nhà cách mạng tiền bối mà những điều kiện thành lập Đảng ngày càng chín muồi.
Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào cộng sản ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930.
Bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam
Ngày 3/2/1930, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hợp nhất của ba tổ chức cộng sản để chính thức thành lập Cộng sản Việt Nam, chấm dứt tình trạng phân tán về tư tưởng và tổ chức, khơi dậy phong trào cách mạng rộng lớn khắp cả nước. Người đã dẫn dắt Đảng xây dựng một đường lối đúng đắn, thống nhất lực lượng cách mạng, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đưa nhân dân Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ, tiến tới khôi phục độc lập.
“Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ
Không quê hương, sương gió tơi bời
Đảng ta sinh ở trên đời
Một hòn máu đỏ nên Người hôm nay”. Thơ: Tố Hữu – Ba mươi năm đời ta có Đảng
Ngay từ những năm đầu, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân khởi xướng các cuộc đấu tranh nổi bật như phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh; cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 – 1939); cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 – 1945) dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là mốc son mở ra một thời kỳ mới, một đất nước tự do, thoát khỏi gông cùm thực dân, phong kiến.
Với sự giành lại độc lập, đất nước Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới, đối mặt với những cuộc chiến tranh xâm lược khốc liệt. Cuộc chiến tranh Đông Dương (1945-1954) dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ, đã đánh bại thực dân Pháp, mở đường cho sự ký kết Hiệp định Giơnevơ và đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của sự hòa bình tại miền Bắc. Tiếp theo, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn 20 năm (1954-1975) lại một lần nữa thử thách sự kiên cường và sức mạnh của Đảng và toàn dân tộc. Đại thắng mùa Xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa đất nước ta thống nhất, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, tạo tiền đề cho sự phát triển trong các thập niên tiếp theo.
Bước tiến vững chắc của đất nước
Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh và nền kinh tế bao cấp. Để giải quyết vấn đề này, Đảng đã mạnh dạn thực hiện đường lối đổi mới tại Đại hội VI năm 1986, khởi đầu cho công cuộc chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986) đánh dấu một bước ngoặt mang tính lịch sử trong quá trình đổi mới đất nước. Việc đưa ra đường lối đổi mới toàn diện không chỉ phản ánh sự nhận thức sâu sắc về tình hình đất nước trong bối cảnh quốc tế đầy biến động mà còn là một sự lựa chọn chiến lược quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong những thập niên tiếp theo. Đường lối này đã mở ra một giai đoạn mới, với quyết tâm chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đánh dấu bước đi dài trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Tiếp nối thành công của Đại hội VI, Đại hội VII (tháng 6/1991) đã khẳng định sự kiên định trong việc tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực. Việc thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã không chỉ thể hiện bản lĩnh lãnh đạo của Đảng mà còn củng cố niềm tin vào con đường phát triển mà Đảng đã chọn. Việc khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động của Đảng, cho thấy sự kiên định trong việc giữ vững bản sắc, giá trị cốt lõi của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.
Cùng với đó, những nghị quyết từ Đại hội VIII đến nay đã tiếp tục bổ sung và phát triển các quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, việc Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ ràng trọng tâm trong từng giai đoạn, lãnh đạo Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý nhà nước, đã tạo ra một cơ sở pháp lý vững mạnh, giúp đảm bảo quá trình đổi mới diễn ra liên tục, bền vững. Các nghị quyết của Đảng không chỉ thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế mà còn kiên quyết bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, khẳng định sự ổn định và vững vàng trong mọi bước đi của đất nước.
Khởi đầu cho kỷ nguyên mới
Đại hội XIV của Đảng đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Sau gần 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn và ấn tượng, chuyển mình từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu trở thành một đất nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới và nền kinh tế toàn cầu.
Thực tế, sau hơn ba thập kỷ đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc, gấp 96 lần so với năm 1986. Nền kinh tế nước ta đã lọt vào Top 40 thế giới, tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), kết nối với hơn 60 nền kinh tế chủ chốt. Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, duy trì các quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 quốc gia, trong đó có các thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nền kinh tế hàng đầu nhóm G7.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh, các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đã được hoàn thành sớm, nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam. Đồng thời, sức mạnh quốc gia không chỉ được thể hiện ở tiềm lực kinh tế mà còn trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học – công nghệ, quốc phòng, an ninh. Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và thế giới.
Đạt được những thành tựu này là kết quả của một quá trình nỗ lực không ngừng của Đảng, từ Đại hội I năm 1935, khi Đảng chỉ có khoảng 500 đảng viên, đến Đại hội XIII năm 2021, với hơn 5 triệu đảng viên và hơn 53.800 tổ chức cơ sở đảng. Sự lớn mạnh của Đảng qua các giai đoạn lịch sử là minh chứng rõ rệt cho sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhìn về tương lai
95 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để đưa dân tộc Việt Nam từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của mình.
Trong giai đoạn hiện nay, dù thế giới có nhiều biến động, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định với con đường phát triển mà mình đã lựa chọn. Với nền tảng ổn định chính trị, kinh tế phát triển, và đời sống nhân dân được nâng cao, Đảng đặt mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, tiếp tục đổi mới và phát triển bền vững.
“Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt
Đảng ta đây, xương sắt da đồng.
Đảng ta, muôn vạn công nông
Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin“. Thơ: Tố Hữu – Ba mươi năm đời ta có Đảng.
Đại hội XIV sắp tới sẽ là một bước ngoặt quan trọng để Đảng tiếp tục hoạch định những chính sách đúng đắn, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên mới.
Thế Nguyễn