Seatimes – Trong đời sống văn hoá của đồng bào Tày vùng Tây Bắc, những nhạc cụ truyền thống được sử dụng trong diễn xướng các loại hình nghệ thuật, góp phần quan trọng trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ hội nhập.
Cây đàn tính là vật thiêng gắn với nghi lễ cúng Then của người Tày
Tại các tỉnh vùng cao Tây Bắc có số đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống như Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình… vốn văn hoá truyền thống được người Tày bảo tồn qua nhiều hình thức độc đáo và đa dạng, trong đó, nhạc cụ truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên những âm điệu cho những lời hát và điệu múa mang tính cộng đồng. Mỗi nhạc cụ đều có những đặc điểm, nét độc đáo riêng, gắn với phong tục, tập quán và những hoạt động sinh hoạt văn hoá của đồng bào Tày ở mỗi địa phương. Từ đó, tạo nên sự đa dạng, phong phú của nhạc cụ trong vốn văn hoá cổ truyền của cộng đồng dân tộc Tày vùng Tây Bắc.
Xuất phát từ nhu cầu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Tày vùng Tây Bắc, nhiều nghi lễ, các hoạt động diễn xướng dân gian, các làn điệu hát luôn được người Tày tổ chức mang tính cộng đồng cao. Mỗi khi tổ chức các hoạt động đó, các nhạc cụ truyền thống được các nghệ nhân dân gian, các chàng trai, cô gái Tày sử dụng như những công cụ quan trọng, góp phần làm nên âm điệu đậm bản sắc . Mỗi nhạc cụ mang hồn cốt, ẩn chứa và lưu giữ những quan niệm nhân sinh gắn với các phong tục, tập quán của cộng đồng dân tộc Tày.
Nhạc cụ truyền thống của người Tày vùng Tây Bắc gồm có sáo, nhị, đàn tính, não bạt, trống, kèn, quả nhạc, chùm nhạc, chũm chọe… Trong đó, đàn tính và chùm nhạc là hai nhạc cụ quan trọng hơn cả, được người dân sử dụng khá phổ biến trong các lễ hội, đặc biệt là lễ cúng Then. Mỗi nhạc cụ được người Tày sáng tạo ra đều có chức năng riêng và được đồng bào sử dụng trong dịp lễ hội, nghi lễ, sinh hoạt văn hóa khác nhau. Để có được những nhạc cụ, đồng bào Tày, đặc biệt là các nghệ nhân dân gian đã rất dày công chế tác. Họ cần mẫn, tỉ mỉ đục, đẽo, căng dây, sơn… Khi đã có nhạc cụ như ý muốn, họ gìn giữ những nhạc cụ rất cẩn thận và chỉ đem ra sử dụng khi có lễ hội, sinh hoạt văn hóa.
Đưa hát Then vươn ra toàn cầu
Trong số những nhạc cụ truyền thống của đồng bào Tày vùng Tây Bắc thì cây đàn tính là vật thiêng gắn với nghi lễ cúng Then của người Tày. Mỗi khi gia đình người Tày tổ chức lễ cúng Then, mời thầy then về làm lễ cúng, thầy then không quên mang theo một vật rất quan trọng đó là cây đàn tính. Trong khi làm lễ cúng, thầy then vừa cúng, vừa đánh đàn, không gian trở nên linh thiêng, âm vang của lời cúng hòa cùng âm điệu của đàn tính như cất lên lời mời của con người đến thần linh, ông trời.
Theo lời kể của các nghệ nhân dân gian Tày, tiếng đàn tính là cầu nối đưa những ước mong của con người đến Mường trời. Ngoài ra, đàn tính còn là nhạc cụ đặc biệt quan trọng khi người Tày biểu diễn hát then. Không gian diễn xướng của đàn tính và hát then là nhà sàn. Thường trong tốp hát, chủ xướng là đàn ông, cầm đàn tính, đánh theo lời bài hát và xung quanh là những phụ nữ Tày cất lời hát. Trong không gian ấy, cây đàn tính mang tính cộng đồng rất cao vì nó tạo nhịp điệu cho số đông, thu hút sự chú ý của đông đảo người nghe.
Các nhạc cụ như trống, kèn, nhị được người Tày sử dụng trong lễ tang ma. Mỗi khi gia đình người Tày có người chết, việc tổ chức lễ tang rất quan trọng. Những nhạc cụ như chiêng, chuông nhỏ, trống, kèn không thể thiếu khi thợ kèn, thầy cúng tổ chức các nghi lễ cúng, lễ viếng trong đám tang. Nhạc cụ truyền thống của người Tày cũng gắn liền với tình yêu, hôn nhân của những chàng trai, cô gái ở các bản Tày. Trai gái Tày đến tuổi trưởng thành thường tỏ tình, giao duyên trong hội xuân, hội bản. Khi đó, cây sáo là nhạc cụ quan trọng để họ cất lên những lời hát yếu, hát khắp, hát cọi trữ tình.
Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi (Lào Cai) cho biết: “Trong vốn văn hoá của đồng bào Tày Tây Bắc, nhạc cụ là sợi dây kết nối, tạo nên những thanh âm và có sức lay gọi tâm hồn con người để tạo nên sự hoà điệu giữa con người với các loại hình văn hoá như văn hoá ẩm thực, vũ điệu, hát, trang phục, các nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian… Nhạc điệu như tạo nên linh hồn cho các diễn xướng văn hoá, giúp cho tâm hồn con người được thăng hoa và tạo nên sự gắn kết cộng đồng. Từ đó, tạo nên sự độc đáo của bản sắc văn hoá mỗi vùng miền”.
Các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Tày có ý nghĩa gắn kết cộng đồng cao.
Nhạc cụ truyền thống của đồng bào Tày vùng Tây Bắc theo thời gian đã góp phần phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập. Ngày 12/12/2019, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 3/9/2022, tại thành phố Tuyên Quang đã diễn ra Lễ đón Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong lộ trình ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của di sản Thực hành Then, các nhạc cụ truyền thống đã góp phần quan trọng, là yếu tố không thể thiếu làm nên sự độc đáo của loại hình nghệ thuật này, đưa hát Then vươn ra toàn cầu.
Ngày nay, những nhạc cụ truyền thống vẫn được đồng bào Tày vùng Tây Bắc gìn giữ, sáng tạo và sử dụng trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, sinh hoạt cộng đồng. Nhiều nhạc cụ đã trở thành vật thiêng, trở thành linh hồn trong đời sống tâm linh, tình cảm của con người nơi đây. Cây đàn tính và các nhạc cụ luôn được đồng bào Tày đặt ở vị trí trang trọng trong nhà, mỗi khi sử dụng, các nghệ nhân, thầy mo người Tày đều thực hiện các nghi lễ tâm linh thể hiện sự kết giao giữa con người với thần linh.
Tại các nhà trường trên địa bàn vùng Tây Bắc, nhiều hoạt động trải nghiệm văn hoá địa phương gắn với mô hình “Trường học đa văn hoá”, “Trường học gắn với thực tiễn”, giáo dục STEM và đặc biệt là trong thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiện nay đã và đang có nhiều hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm hướng nghiệp đưa nhạc cụ truyền thống vào giới thiệu cho học sinh. Từ đó, học sinh các nhà trường được giáo dục về ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương.
Thầy giáo Bùi Văn Hiến, Hiệu trưởng trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai) chia sẻ: “Hằng năm, nhà trường tổ chức ngày hội văn hoá các dân tộc, các em học sinh người dân tộc Tày đều rất hứng thú và chủ động trong tìm hiểu, thuyết minh về các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, các em có những trải nghiệm rất hiệu quả về bản sắc văn hoá địa phương”.
Trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng trên những vùng đất có tiềm năng du lịch của Tây Bắc, những nhạc cụ truyền thống sẽ góp phần tạo nên bản sắc, cất lên những âm điệu làm đắm say lòng người, trở thành đề tài cho du khách khi dừng chân khám phá và có những trải nghiệm ý nghĩa về kho tàng văn hóa dân gian vô cùng độc đáo và phong phú.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ