Seatimes- (ĐNA), Những ồn ào về phim Đất rừng phương Nam chưa được lắng xuống, thì mới đây, cộng đồng mạng lại đưa ra những bức xúc về phát biểu của Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ của Quốc hội chiều 7/11/2023. Ông cho rằng, phim Đất rừng phương Nam đã được Hội đồng thẩm định phim quốc gia cấp phép theo đúng luật Điện ảnh. Phim không vi phạm pháp luật và dư luận đánh giá phim có biểu hiện này, biểu hiện khác là chưa chuẩn xác, cần xem xét xử lý với hành vi xúc phạm, bôi xấu.
Cần xứng đáng để dân tin là người cầm cân nảy mực ngành văn hóa
Bộ trưởng có thể phân định rõ ràng giữa việc chỉ ra lỗi sai và việc bôi xấu, xúc phạm không? Cộng động mạng không hiểu ông nói bôi xấu như thế nào? Xúc phạm là như thế nào? Hay giờ khán giả chỉ ra những lỗi sai, những điều chưa đúng đắn, để rồi bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn thì trở thành tội phạm? Nếu được, Bộ trưởng có thể phản biện, đánh giá bằng văn bản các tình tiết lịch sử gây tranh cãi để chứng minh bộ phim Đất rừng phương Nam không như những gì bị lên án hay không? Bộ trưởng có thể giải thích Cục Điện ảnh yêu cầu nhà sản xuất phim sửa phim vì lý do gì, để làm gì sau khi cộng đồng mạng có ý kiến về nội dung phim?
Hội đồng thẩm định quốc gia cấp phép theo đúng Luật Điện ảnh.
Không có nghĩa quyết định cấp phép luôn luôn đúng. Bộ phim Người Tuyết có Đường Lưỡi Bò đã ngang nhiên xuất hiện trong rạp chiếu phim và chỉ đến khi khán giả xem và tố cáo thì phim mới được rút. Phim Điệp Vụ Biển Đỏ cũng có những chi tiết sai sự thực về chủ quyền Việt Nam, cũng vẫn được ngang nhiên chiếu rạp. Sau đó, chính Cục Điện Ảnh còn nói rằng “sẽ rút kinh nghiệm”.
Tại phim Vợ Ba, Cục Điện ảnh phê duyệt phim và cho rằng việc cấp phép phim đúng trình tự, không vi phạm luật. Tuy nhiên, sau khi được chiếu, làn sóng khán giả phản ứng dữ dội, cũng có nhiều khán giả ủng hộ phim là việc sử dụng diễn viên nhí là “đúng đắn” và “giống như điện ảnh thế giới”. Nhưng phim cũng đã nhanh chóng bị gỡ và Cục Điện ảnh một lần nữa “rút kinh nghiệm” và bị xử phạt về hành chính.
Tất cả những bộ phim trên, đều đã từng được phê duyệt đúng luật, đúng quy trình và quy định, được bảo vệ và công chiếu. Rồi đến khi chiếu chán rồi, mới bị phanh phui ra những lỗi sai. Vậy hãy đặt một giả sử, liệu những người đã từng lên án, chỉ trích, xúc phạm những bộ phim này, liệu có bị xử lý như lời Bộ trưởng Bộ VHTT&DL hay không?
Liệu đã có cơ quan chức năng nào thực sự nghiên cứu, kiểm tra về những gì mà khán giả đã phản ánh chưa? Thông tin khán giả phản ánh là đúng hay sai? Và nếu dư luận phản ánh chưa đúng thì chưa đúng ở chỗ nào? Hoàn toàn có thể đưa thông tin cho khán giả thấy.
Có rất nhiều người lên án bộ phim “Đất rừng phương Nam” và chỉ trích về khía cạnh lịch sử của bộ phim. Ngoài ra, đoàn làm phim còn cố gắng đưa những bộ phim này vào trong nhà trường ở những cấp bậc phổ thông với lý do là học sinh học ngoại khóa để hiểu biết về lịch sử. Sau khi Cộng đồng mạng có ý kiến thì chính những người liên quan bảo rằng đây là một bộ phim “hư cấu”. Vậy đưa vào giảng dạy, học tập, theo dõi, xem trong trường học phổ thông có phù hợp không? Có đúng đắn không? Có nghiên cứu hay đánh giá rõ ràng ở khía cạnh giáo dục gì về tác động giáo dục của những bộ phim này chưa? Bộ phim còn nhiều sạn mà đã duyệt cho chiếu tại Úc, nơi có nhiều kẻ còn phẫn uất chế độ ta thì mức độ nguy hiểm không thể lường hết được.
Cứ trách là người dân không ủng hộ phim có yếu tố lịch sử, văn hóa Việt Nam. Như bộ Tết ở làng địa ngục được chiếu gần đây cũng được đón nhận, như bộ Người vợ cuối cùng đầu tư chỉnh chu về mọi khía cạnh nghe nhìn, bối cảnh, yếu tố lịch sử cũng đâu bị người dân lên án, người ta chê kịch bản thôi.
Với những gì đã nêu trên xét thấy Cục Điện ảnh vừa qua quá nhiều sạn. Họ làm sai, ảnh hưởng đến cả quốc gia thì Cục trưởng chỉ bị hạ một chức xuống Cục phó, Bộ trưởng không bị xử lý. Còn dân vạch ra cái sai mà không sửa, ông Bộ trưởng còn lấy cả nghị trường do dân bầu ra để hăm dọa dân thì ai xử?
Cần lắng nghe dư luận về phim Đất rừng phương Nam thay vì đòi xử lý
Mở đầu phiên chất vấn sáng 8/11, đại biểu Trịnh Xuân An (chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh) tranh luận với Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch về nội dung này. “Đánh giá của Bộ trưởng về dư luận như vậy là chưa thỏa đáng và cần phải nhìn nhận lại”, ông An nói.
Theo ông, dư luận xã hội là hình thức biểu hiện trạng thái ý thức của xã hội rất bình thường. Dư luận có đúng, có sai, tốt, xấu “nhưng không phải ý kiến nào được nêu ra cũng để đánh cho ai đó chết mà để góp ý, nêu quan điểm và làm mọi thứ rõ ràng, tốt đẹp hơn”.
Đại biểu Trịnh Xuân An cũng cho rằng “cần tránh việc bỏ qua dư luận hoặc coi thường dư luận để mọi việc đi quá xa và thành vấn đề nóng rồi mới có động thái là không ổn. Bộ phim được hội đồng kiểm duyệt ngày 29/9 bảo là đúng nhưng đến ngày 15/10 thì đề nghị sửa sau khi lắng nghe dư luận”. Đại biểu khẳng định như vậy là chất lượng kiểm định và trách nhiệm của Cục Điện ảnh chưa cao.
Vì vậy, ông An cho rằng, không nên đánh đồng các ý kiến dư luận trong việc bảo vệ lịch sử, chân thực, giá trị… Cơ quan quản lý Nhà nước cần lắng nghe dư luận để điều chỉnh khi cần thiết, “bởi mọi thứ không có lửa làm sao có khói, tránh việc bỏ qua dư luận hoặc coi thường dư luận, thành vấn đề nóng rồi mới có động thái là không ổn”.
“Chúng ta không thể xem nhẹ công tác giáo dục truyền thống, lịch sử; bộ phim có thể hay ở góc độ điện ảnh, nghệ thuật, có thể lấy cảm hứng từ mọi nguồn nhưng với lịch sử, với văn hóa dân tộc thì phải luôn chân thực, trung thực và không được làm méo mó”, đại biểu An nêu rõ quan điểm về trách nhiệm của cơ quan quản lý phải làm rõ được đâu là hành vi sai trái để xử lý, đâu là dư luận đúng đắn để tôn vinh. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTT&DL làm rõ nội dung này.
Không thể để bộ phim không những có nhiều hạt sạn mà còn nhiễm độc dược vào trong món ăn tinh thần.
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc Phòng cũng có ý kiến về bộ phim Đất rừng phương Nam.
Tôi định không bàn về phim Đất rừng phương Nam nữa, nhưng vừa qua trên báo Thanh niên có đưa tin bộ phim này tham gia Liên hoan phim Việt Nam tại thành phố Đà Lạt và được đưa vào ứng cử giải cao nhất Bông sen vàng và nhất là mới đây bà ĐBQH Bích Châu lại chất vấn ông Bộ trưởng Bộ VHTT&DL về chế tài xử lý việc cộng động mạng xã hội “bạo hành“ phim Đất rừng phương Nam buộc tôi phải suy nghĩ tìm hiểu kỹ để viết bài này .
Trước hết, xét về nghệ thuật đơn thuần đó là việc chọn cảnh, tạo tiết tấu, diễn võ thuật, kỷ xảo điện ảnh và trình độ diễn xuất của những diễn viên chính … có thể đạt điểm khá cao. Phải thừa nhận ê kíp làm phim từ đạo diễn đến diễn viên, từ xử dụng hiệu ứng âm thanh đến ánh sáng đã tôn vẻ đẹp của phim và tạo sự hấp dẫn người xem theo tiêu chuẩn giải trí đơn thuần nếu đây chỉ là một phim hư cấu, dã tưởng không gắn gì với lịch sử. Đây là thực tế tôi không phủ nhận. Song khi bàn đến phim với tư cách là một sản phẩm văn hóa , nhằm phục vụ công chúng thì lại đang là vấn đề cần phải làm rõ .
Trước hết, cần khẳng định đã là sản phẩm đưa ra phục vụ công chúng đều là sản phẩm văn hóa và chính vì nó là sản phẩm văn hóa nên Bộ VHTT&DL với chức năng quản lý Nhà nước về văn hóa phải thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản phim Đất rừng phương Nam. Như vậy điều đầu tiên đã được làm rõ đây không phải là phim giải trí đơn thuần.
Điều thứ hai, phim Đất rừng phương Nam có là phim sản xuất “theo kế hoạch sản xuất phim truyện điện ảnh do Nhà nước đặt hàng năm 2022 “ (như công văn số 01/CV/HKF/ ĐRPN ngày 12/10/2022) hay không? Điều này cũng đã được Cục trưởng Cục điện ảnh Vi Kiến Thành bác bỏ “không phải phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất“. Như vậy, nhà sản xuất phim đã tự ý sửa đổi văn bản quản lý của Nhà nước từ “đăng ký kế hoạch sản xuất phim truyện điện ảnh do Nhà nước đặt hàng “thành“ theo kế hoạch sản xuất phim truyện điện ảnh do Nhà nước đặt hàng, “một sự đánh tráo với ý định lừa đảo mọi người liên quan cho đây là một phim truyện do Nhà nước đặt hàng sản xuất, mà đã là của Nhà nước thì nó không chỉ mang tính giải trí đơn thuần mà phải là một sản phẩm mang đậm chất văn hóa (dân tộc, khoa học, đại chúng), trong khi đó đây không phải là phim do Nhà nước đặt hàng (một biểu hiện cố tình sửa đổi văn bản của nhà nước nhằm mục đích riêng).
Điều thứ ba, sau khi lùm xùm xảy ra, với sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận xã hội và nhất là cộng động mạng, các nhà làm phim và những người bảo vệ phim này đều hướng lái dư luận theo hướng đây là phim giải trí, cốt truyện là hư cấu, không phải dựa vào tác phẩm văn học Đất rừng phương Nam của cố nhà văn Đoàn Giỏi mà chỉ là lấy cảm hứng từ đất rừng phương Nam mà thôi và đây không phải là sách giáo khoa, không có trách nhiệm giáo dục lịch sử …Vậy có đúng như thế không?
Trước tiên để trả lời chính xác vấn đề này, tôi nghĩ Hội đồng duyệt kịch bản mà trực tiếp ông Cục trưởng Cục Điện ảnh cần nói rõ khi Hội đồng duyệt kịch bản đã kết luận kịch bản phim này thuộc thể loại gì, phim truyện lịch sử, hay phim dã tưởng, hư cấu? Song trong khi chờ sự trả lời của ông Cục trưởng tôi nghĩ các nhà làm phim đã khẳng định tại công văn số 01/CV/HKF/ ĐRPN ngày 12/10/2022. Bộ phim nhằm tái hiện lịch sử hào hùng của người dân Nam Bộ cũng như phong cảnh hữu tình của miền Tây sông nước thế kỷ 19 …” Như vậy phim này là phim lịch sử, tên phim là tên tác phẩm văn học của cố nhà văn Đoàn Giỏi, toàn bộ nội dung phim là giai đoạn lịch sử chống thực dân Pháp … mọi lấp liếm hiện nay đều nhằm mực đích bao che cho việc làm sai lệch lịch sử nước nhà của các nhà làm phim.
Xin hỏi nhưng ai bao che bảo vệ phim dám khẳng định một phim hư cấu có thể được phép làm sai lệch lịch sử, có thể thay đổi mốc lịch sử hay sao? Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi lấy mốc lịch sử là sau 1945, sau thời kỳ khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là thời gian thực dân Pháp quay trở lại xâm lược đất nước ta, lúc đó sự nghiệp giữ nước của dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc, vậy những người làm phim có quyền hư cấu, có quyền làm thay đổi lịch sử hay sao?
Thành quả cách mạng của dân tộc nói chung và của người dân miền Tây Nam Bộ nói riêng theo cách mạng, kiên cường chiến đấu giữ từng tấc đất, tấc làng, kháng chiến chống Pháp cho đến ngày buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơneve cũng như tiếp tục kiên cường đánh Mỹ góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, lại không đủ cảm hứng, đủ tư liệu, đủ đất để các nhà làm phim thỏa sức sáng tạo hay sao? Để rồi không có nội dung mà phải hư cấu nên một kịch bản, một bộ phim không còn gốc anh hùng, cái phẩm chất của người dân Nam Bộ thành đồng, mà phải hư cấu thành những tổ chức ảo gốc của người Hoa như Thiên Địa hội (Chính nghĩa hội), Nghĩa hòa đoàn (Nam hòa đoàn) trong khi giai đoạn này những tổ chức này đã tha hóa, hợp tác với Pháp để kinh doanh sòng bạc, buôn lậu, mà túy, bảo kê… rõ ràng sự hư cấu nay không chỉ phi lịch sử mà là sai lệch lịch sử, phải chăng cũng nằm trong âm mưu thay đổi nhận thức về lịch sử của dân tộc, một biểu hiện lật sử trên lịch vực văn hóa.
Điều thứ ba là sự quảng cáo cho phim, nếu không phải là phim lịch sử sao lại đưa vào trường học từ phổ thông đến đại học với sự quảng cáo khá bài bản, cùng với việc tổ chức giao lưu giữa những người làm phim và học sinh, sinh viên, tạo nên dấu ấn trong nhận thức lớp trẻ phải chăng vì thu lợi hay vì mục đích nào khác , thiết nghĩ cũng cần làm rõ. Dù vì thu lợi nhuận cũng cần phê phán vì trường học không thể ai muốn đưa nội dung giáo dục nào cũng được, trường học là môi trường giáo dục không cho phép những sản phẩm sai lệch lịch sử vào tuyên truyền, truyền bá cho thế hệ trẻ. Cần phải lên án và ngăn chặn.
Nhân đây, tôi xin hỏi ĐBQH Bích Châu hãy trả lời ai “bạo hành“ phim Đất rừng phương Nam và bà đề nghị cần có chế tài xử lý những người nào, phải chăng là những người phê phán phim này? Hay những người như bà để bảo vệ phim Đất rừng phương Nam đang “bạo hành“ người dân yêu nước Việt Nam nói chung và người dân yêu quý Nam Bộ nói riêng?
Tôi tha thiết đề nghị cần loại ngay ra khỏi danh sách tranh giải Bông sen vàng của Liên hoan Phim Việt Nam và làm rõ, xử lý những người liên quan đến chủ trương dựng phim và truyền bá một bộ phim sai lệch lịch sử, xúc phạm đến truyền thống của quê hương Nam bộ thành đồng. Không thể để bộ phim không những có nhiều hạt sạn mà còn nhiễm độc dược vào trong món ăn tinh thần.
Ban Biên tập