Bên cạnh những lợi ích mạng xã hội đem lại thì việc kết nối những người không tốt, không cùng quan điểm dễ dẫn đến bị mất thời gian, gây nên tính “nghiện” mạng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị một số phiền toái khác…
Thời gian gần đây, sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Bên cạnh những mặt tích cực thì sự ra đời và phát triển của mạng xã hội cũng tồn tại nhiều nguy cơ, thách thức. Mạng xã hội có thể được ví như “con dao hai lưỡi” vậy. Một trong những thách thức đó là việc sử dụng chưa lành mạnh, thiếu tích cực, đôi khi mang tính chủ quan, bộc lộ tính cực đoan của một bộ phận cán bộ, đảng viên trên mạng xã hội trước nhiều diễn biến về tình hình xã hội hiện nay.
Ảnh minh họa
Lợi ích từ mạng xã hội
Mạng xã hội đem lại nhiều lợi ích về mặt kết nối bạn bè, giải trí, nâng cao nhận thức, năng lực cá nhân và về mặt tư tưởng cũng có những tác dụng tích cực đáng kể. Thông qua mạng xã hội, người đọc có thể cập nhật tin tức, kiến thức, các xu thế mới về các lĩnh vực, những vấn đề mình cần quan tâm, qua đó tiếp tục chia sẻ những thông tin, kiến thức bổ ích cho mọi người. Mạng xã hội giúp ích cho việc tham khảo, tự học tập nâng cao kiến thức theo nhu cầu hoặc hội họp trực tuyến để đỡ tốn kém các khoản chi phí. Ngoài ra, khi cần thiết có thể nhờ bạn bè hoặc cộng đồng mạng hỗ trợ thông tin, kỹ năng, cách xử lý các tình huống cụ thể.
Tham gia cộng đồng mạng, chúng ta có thể mở rộng một số quyền tự do cá nhân. Đây là lợi ích khá quan trọng và cơ bản mà sự phát triển của mạng xã hội đem lại. Chúng ta có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về rất nhiều vấn đề trong xã hội, đặc biệt là các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cả khen ngợi, phê bình lẫn phản biện, góp ý, đề xuất. Như vậy, mạng xã hội đã tác động đến việc mở rộng quyền tự do ngôn luận, gián tiếp thúc đẩy quyền tự do báo chí cũng như một số quyền tự do dân chủ khác. Mạng xã hội còn giúp cá nhân phát huy năng lực, xây dựng hình ảnh tích cực với cộng đồng xã hội
Mạng xã hội giúp nhiều người chia sẻ cảm xúc và bày tỏ tâm trạng trước ý kiến của người khác, có thể góp phần giải tỏa ức chế, nhận sự chia sẻ, giúp đỡ từ bạn bè, qua đó tạo sự đồng cảm, gắn kết với nhau hơn. Đặc biệt đối với nhà quản lý, việc nắm bắt được tâm trạng, suy nghĩ, quan điểm của người khác có thể phần nào giúp họ hiểu được thực trạng lĩnh vực mình cần quản lý để có thể điều chỉnh trong việc ban hành các quyết định quản lý.
Trong một số trường hợp, các cá nhân có thể tạo ra được sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi đưa thông tin, hình ảnh nào đó trên mạng xã hội của mình và tạo ra một dòng trào lưu thông tin mới trong một thời điểm nhất định. Điều này có thể thúc đẩy công chúng cùng tham gia xử lý một vụ việc, một vấn đề nào đó (theo hướng tốt lẫn không tốt) đưa người tạo dòng thông tin trở nên nổi tiếng (cả tích cực lẫn tiêu cực) có thể tận dụng tham gia nhiều hoạt động khác.
Những tác hại nào từ mạng xã hội?
Bên cạnh những lợi ích mạng xã hội đem lại thì việc kết nối những người không tốt, không cùng quan điểm dễ dẫn đến bị mất thời gian, gây nên tính “nghiện” mạng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị một số phiền toái khác, mạng xã hội cũng có không ít những tác hại cần quan tâm. Mạng xã hội dễ làm cho người đọc tiếp cận với những thông tin sai sự thật, bởi thông tin truyền tải có thể đủ các loại, có thể nói là “thượng vàng hạ cám”. Bên cạnh những thông tin hay, bổ ích, đúng sự thật, thì vấn nạn tin giả cũng rất nhiều. Với nhiều lý do, thông tin giả được tạo ra một cách có chủ đích hoặc vô ý, được lan truyền đến người đọc cả tin, thiếu suy nghĩ và chính họ lại góp phần phát tán thông tin đó lan truyền rộng rãi, mạnh mẽ và xa hơn, có thể gây ra những nguy hại cho nhiều người. Trong nhiều trường hợp, người tiếp nhận loại thông tin này nếu không thẩm định thông tin rõ ràng, không thận trọng có thể bị ảnh hưởng dẫn đến hoang mang, dao động về nhận thức, tư tưởng.
Người nhận thông tin khi bị vướng vào một dòng thông tin nào đó không tích cực, có thể sẽ bị dẫn dắt, bị lôi kéo dẫn đến hành động sai trái, lệch chuẩn, hoặc khi bị cảm xúc chi phối từ những luận điệu, thông tin không đúng, người ta cũng có thể có thái độ sai lệch về một vấn đề nào đó. Một người hay cả tin, thiếu thận trọng sẽ tin vào những điều mình tiếp cận được và sẽ hành động theo sự tin tưởng thiếu ý thức đó. Ở mạng xã hội, tâm lý đám đông sẽ thúc đẩy người thiếu hiểu biết lạc vào sai lầm và không thoát ra được, dẫn đến có suy nghĩ và hành động theo đám đông một cách vô thức, thiếu kiểm soát đối với những thông tin không đúng đắn và tiêu cực.
Người dùng mạng xã hội có thể bị lừa đảo, bị lợi dụng khi bị chiếm tài khoản hoặc bị mạo danh để thực hiện hành vi lừa đảo ngay với chính mình hay với người thân, bạn bè của mình. Việc người sử dụng MXH đưa thông tin, hình ảnh cá nhân, gia đình lên MXH một cách thường xuyên cũng có thể tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng thực hiện các ý đồ sai trái nào đó, kể cả về chính trị (như các “kiến nghị”, “thư ngỏ” hay đưa lên các diễn đàn phục vụ mục đích xấu).
Thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng, thật giả lẫn lộn, không chỉ gây hại về mặt sức khỏe mà còn tác động tiêu cực đến tinh thần của con người, dễ dẫn đến việc say sưa các giá trị ảo. Một số người dễ sa vào việc “câu view”, “câu like” để thu hút người xem, người bày tỏ ý kiến thái độ yêu thích… bất chấp mọi phương thức để tạo ra các thông tin, hình ảnh càng được nhiều “View”, nhiều “Like” càng tốt, kể cả việc chấp nhận những hành động sai trái. Đôi khi chỉ vì “những lời nói có cánh” trên mạng xã hội mà nhiều người đã xa rời đời sống thực, bỏ qua các giá trị chân thực mang tính chuẩn mực, phá bỏ các mối quan hệ thân tình của bạn bè, người thân.
Một vấn đề nữa là mạng xã hội có thể là tác nhân thúc đẩy xu hướng bạo lực, chỉ trích, kích động. Không ít người dùng mạng xã hội hiện nay thích công kích người khác hoặc cổ vũ sự công kích của người khác đối với cá nhân, tổ chức, thậm chí cả với Đảng và Nhà nước. Dường như một số “não trạng” là khi viết trên mạng xã hội phải nói khác với chủ trương, đường lối chung thì mới được coi là “tiến bộ”, “tích cực”. Bên cạnh đó, một số người luôn có xu hướng thiếu trung thực trong đánh giá, nhận xét, lại hay làm người phán xét, luôn tự nhận mình là đúng đắn, còn ý kiến của người khác là sai trái… dẫn đến tình trạng công kích lẫn nhau.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhóm người sử dụng mạng xã hội lớn tuổi và ít có kiến thức về công nghệ thông tin, sự cả tin và sự chịu tác động của các tin giả, tin xấu lại nhiều hơn nhóm người trẻ tuổi. Trong những trường hợp này không loại trừ cán bộ, đảng viên lớn tuổi nhưng ít có kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội có thể trở thành người dễ bị lợi dụng, bị tác động tiêu cực nhiều nhất bên cạnh những cán bộ, đảng viên trẻ tuổi có kỹ năng sử dụng mạng xã hội tốt nhưng lại hạn chế về kiến thức, nhận thức. Không phải chỉ có giới trẻ mới rơi vào các tác hại này mà ngay cả cán bộ, đảng viên nếu không tỉnh táo vẫn có thể bị tác động và trên thực tế đã có không ít người sử dụng mạng xã hội không tích cực, thậm chí là lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các ý đồ sai trái như: tham gia kêu gọi biểu tình, gây rối, kích động các hoạt động chống đối phá hoại; tán phát các loại tài liệu sai chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
Sử dụng mạng xã hội cán bộ, đảng viên nên lưu ý vấn đề gì?
Mạng xã hội là nơi chứa đựng tất cả các thông tin có thể gọi là “thượng vàng hạ cám” được thu tập từ đầy đủ các nguồn dữ liệu đáng tin hoặc không đáng tin nhưng lại được đăng tải không qua kiểm chứng và có tính pháp lý cao. Ngoài thông tin mang tính tuyên truyền, giáo dục cho những điều tích cực thì mạng lại tràn lan các thông tin do thiếu trách nhiệm, vô ý thức, có khi là ác ý cho một mục đích cá nhân hay tổ chức nào đó có thể được bia đặt, xuyên tạc sai sự thật hoặc gán ghép với ý đồ xấu cho mục đích phá hoại với mưu đồ nào đó hay đơn giản chỉ là trò chơi để lấy tiếng của một ai đó trước một số thông tin nhạy cảm hoặc để bôi nhọ danh dự, uy tín của số cán bộ, lãnh đạo làm cho người đọc nếu thiếu tỉnh táo, không thận trọng mà vội tin theo sẽ rất tai hại gây hậu quả khó lường.
Nguyễn Danh Dũng đã đăng hơn 700 clip xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước (Ảnh: cand.com.vn)
Mạng xã hội cho phép người dùng có quyền tự do đăng tải, trích dẫn, chia sẻ các loại thông tin mà gần như không qua kiểm duyệt nội dung. Để tránh đưa những thông tin không chính xác hoặc có dụng ý xấu, người sử dụng mạng cần phải hết sức thận trọng và nhất là cán bộ, đảng viên thì càng phải thận trọng hơn với tất cả các thông tin, hình ảnh mình chia sẻ, trích dẫn, nhất là không nên chia sẻ, trích dẫn khi không chắc chắn về độ chính xác mà cần xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc của thông tin, tìm hiểu người đưa thông tin, nhất là các thông tin trái chiều, thông tin của số người có thành kiến với chế độ. Phải hiểu động cơ, mục đích của người đưa thông tin, nếu người đưa thông tin mang dụng ý xấu thì ta không trích dẫn lại, khi không có căn cứ xác định mục đích của họ thì bản thân ta phải làm rõ và mục đích của ta là gì khi đăng lại tin đó.
Việc xác định thông tin đó có lợi cho ai bởi những thông tin vô thưởng vô phạt có thể chỉ để đánh bóng tên tuổi cho một ai đó hoặc vì dụng ý cho mục đích gì đó, cho nên phải thận trọng với loại tin này. Nên xem xét thái độ của người đăng tin, bên cạnh việc tỏ rõ thái độ ủng hộ, tán thành ý kiến được chia sẻ thì người đăng tin không bày tỏ ý kiến gì cũng dễ dẫn đến các bình luận trái chiều dễ gây hiểu lầm, tạo thái độ không nghiêm túc hoặc kích bác lẫn nhau.
Phần đông người sử dụng mạng xã hội vẫn cho rằng “mình thích thì mình đăng” nhưng không phải trường hợp nào cũng vô hại. Một số trường hợp chỉ đơn thuần là một hiện tượng mới của xã hội, ví như câu chuyện sử dụng cách học tiếng Việt mới theo sách công nghệ, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin mang tính chất châm biếm, chế giễu, phản đối hoặc đồng tình… thì nhiều người tham gia lại lấy đó làm niềm vui để cùng bình luận bày tỏ chính kiến hoặc chia sẻ bằng sự vô tình hay cố ý để cùng thúc đẩy người khác cùng quan điểm với mình. Nếu thông điệp đưa ra tích cực thì sẽ tác động tích cực, còn không mang tính tiêu cực thì sẽ dẫn đến kích động và ảnh hưởng tiêu cực khó lường. Đôi khi có trường hợp chọn phương án lập lờ “để đây và không nói gì”, chẳng hạn đưa các đường dẫn (link) của ai đó chưa qua kiểm chứng về các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, các mặt trái của xã hội, kinh tế, chính trị v.v… điều này thể hiện sự vô trách nhiệm của người chia sẻ. Một khi người dẫn lại thông tin khi chưa được kiểm chứng, không xác định đúng, sai hoặc đã xác định đúng, sai nhưng với trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng, với chế độ thi việc đưa thông tin như vậy cũng không phù hợp, rất bất lợi về nhiều mặt. Do đó, mỗi bài viết hay chia sẻ được đăng công khai thì cũng nên cân nhắc kỹ về hậu quả và tác động của nó đối với cộng đồng, với xã hội.
Ngoài ra, mạng xã hội còn có chức năng biểu lộ các thái độ, cảm xúc trên mạng xã hội trước một bài viết hoặc được chia sẻ, bản thân người đọc khi tiếp xúc với những bài đăng thấy “có vấn đề” hoặc gây ra cảm xúc khó chịu thì không nên im lặng cho qua, bởi sự im lặng có khi cũng đồng nghĩa là “đồng ý”. Tùy theo mức độ, tính chất của vấn đề về mối quan hệ với chủ của thông tin, ta có thể lựa chọn trao đổi trong tin nhắn riêng về điều mình cho là chưa phù hợp. Thể hiện bằng cách bình luận dưới bài viết nhưng ý kiến nêu ra cần có tính xác thực cụ thể, rõ ràng và được thể hiện bằng thái độ phù hợp để đảm bảo tính thuyết phục, hợp lý hoặc dùng biểu tượng phù hợp nếu ta không viết bình luận. Chia sẻ link (nếu có thể) hoặc dẫn lại thông tin bằng cách đưa ra chính kiến phản bác hay khen ngợi trên trang của chính mình. Ta cũng có thể chép lại thông tin chưa phù hợp của ai đó đưa lên trang của mình và nói lại ý kiến của mình cho người đưa tin sai, chưa phù hợp hiểu và nhận ra vấn đề.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng đắn, chuẩn mực về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội trước tác động của mạng xã hội hiện nay. Tham gia phản biện, đấu tranh với các hiện tượng sai trái, lệch lạc, thiếu lành mạnh, thiếu văn hóa để góp phần thúc đẩy các lợi thế và chiều hướng tích cực mang tính giáo dục, tuyên truyền đến cộng đồng xã hội mang tính nhân văn thân thiện. Đó là cách ứng xử phù hợp của cán bộ, đảng viên đối với mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay./.
Tháng 7/2020
Cao Thị Hương Khanh
Theo TCĐNA