– PV: Sáu năm trước khi Thùy Dung giành được ngôi Á quân Sao Mai 2013, khán giả đã chuẩn bị đón nhận một ngôi sao mới trong dòng nhạc dân gian. Thế nhưng cái tên Thùy Dung lại hoàn toàn vắng bóng trên thị trường âm nhạc, vì sao thế?
Ca sĩ Phạm Thùy Dung: Mỗi ca sỹ sẽ có một sự lựa chọn cho riêng mình, có người sẽ ngay lập tức chạy sô và tạo dựng hình ảnh, trở thành ca sỹ chuyên nghiệp ngay sau khi đoạt giải thưởng, có người lại lựa chọn cách “đi chậm”, vừa đi vừa trau dồi hoàn thiện bản thân. Phạm Thuỳ Dung chọn cách thứ 2. Vì thế, 6 năm sau khi đoạt giải Á quân Sao Mai, Thùy Dung đã lựa chọn hoàn thành chương trình học về nhạc cổ điển thính phòng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, rồi tiếp tục học lên cao học để có thể hoàn thiện kỹ thuật cũng như trau dồi kiến thức và chỉ khi tốt nghiệp rồi Thùy Dung mới quay trở lại để chinh phục khán giả.
– Và Thùy Dung đã chuẩn bị cho concert đầu đời “Trăng hát” như thế nào?
Kể cả việc thực hiện concert “Trăng hát” lần này, em cũng đã phải chuẩn bị gần 2 năm sau khi tốt nghiệp thạc sỹ thanh nhạc, để mình có thể “chín” hơn và bản lĩnh hơn khi thực hiện concert riêng đầu tiên của sự nghiệp.
Trước khi quyết định làm live-concert, em đã trăn trở và lo lắng rất nhiều. Dòng âm nhạc cổ điển thính phòng vốn đã kén người nghe nên nếu làm không hiệu quả sẽ có rất nhiều “tác dụng phụ”. Nhưng từ rất lâu trước đó, em đã luôn mơ ước được đứng trên sân khấu của chính mình, được toả sáng. Muốn thế thì phải trau dồi về kỹ thuật, học thuật cũng như cảm xúc và kinh nghiệm biểu diễn. May mắn cho em là trong suốt 2 năm học cao học, dưới sự hướng dẫn của GS-NSND Trung Kiên, em đã được hát và trau dồi rất nhiều.
Tốt nghiệp Cao học cũng chính là thời điểm em chào đón tuổi 30. Sau một quá trình rèn luyện liên tục, em nghĩ mình phải làm một cái gì đấy để đánh giá lại chặng đường đã qua và chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo. Từ suy nghĩ ấy, em quyết định làm concert “Trăng hát”.
– Được khán giả biết đến với thành công từ dòng nhạc dân gian, nhưng lại chọn theo đuổi dòng nhạc cổ điển, liệu Thùy Dung có đang đi đúng hướng?
Dân gian là sự yêu thích của Thùy Dung từ bé. Hồi còn nhỏ xíu, em đã nghe cô Thanh Hoa, Thu Hiền và lớn lên chút xíu thì là giọng ca của cô Anh Thơ,… có lẽ vì tiếng hát của họ đã ngấm sâu vào máu thịt của Phạm Thuỳ Dung nên khi cất lên những tiếng hát đầu tiên thì đều là những bài dân gian. Song hành với âm nhạc dân gian còn có một điều rất đặc biệt nữa khiến Thuỳ Dung sau này có cú “lội ngược dòng” sang âm nhạc cổ điển thính phòng, đó chính là “âm nhạc nhà thờ”.
Ngày bé Thùy Dung đã được hát Thánh ca trong nhà thờ, cứ mỗi tuần em đều theo các anh chị đi lễ và sau thánh lễ thì được tập hát, ngày đó cũng chưa hiểu thế nào là “âm nhạc nhà thờ” mà chỉ thấy khi những giai điệu đó vang lên em cứ đắm say ngân nga, cảm giác âm nhạc đó có một sức lôi cuốn kỳ lạ, càng hát càng thấy mê. Đó chính là nguồn gốc của âm nhạc cổ điển.
Sau này ra Học viện Âm nhạc quốc gia học thanh nhạc, Thùy Dung được cô Anh Thơ dạy dỗ, chỉ bảo nên dòng nhạc dân gian lại càng thấm vào máu nhiều hơn, đấy cũng là lý do Dung dự thi Sao Mai dòng nhạc này và đoạt giải. Trong quá trình thi Sao Mai, Dung được NSND Thanh Hoa hướng dẫn chỉ bảo tận tình. Cô bảo: “Không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng chỉ cần con có niềm đam mê lớn với âm nhạc thì cô sẽ chỉ bảo cho con”.
Thùy Dung cảm nhận rằng mình là một người vô cùng may mắn. Tuy nhiên sau khi đoạt giải Sao Mai, Thùy Dung tiếp tục hoàn thành hệ đại học và Cao học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đó cũng chính là thời điểm Thùy Dung hát nhiều tác phẩm opera kinh điển nhất từ trước tới giờ, càng học càng thích, càng hát càng mê.
Trong 6 năm “ở ẩn” tu luyện. Bên cạnh chương trình ở Việt Nam, những lúc có cơ hội, em lại tranh thủ bay sang nước ngoài theo học những khoá ngắn hạn, vì đây là một trong những cái nôi của nhạc cổ điển thính phòng thế giới. Quãng thời gian học tập bên Nga, Thùy Dung cảm thấy rất vui và hạnh phúc thấy mình thật sự rất may mắn khi được sống và học tập bên cạnh các nghệ sĩ hàng đầu về âm nhạc cổ điển, từ đó thôi thúc em càng ngày càng yêu càng say mê với âm nhạc cổ điển.
– “Trăng hát” là một concert rất đặc biệt khi đồng thời có sự góp mặt của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời, hai tên tuổi nổi tiếng Đăng Dương và Tùng Dương. Thùy Dung có cảm thấy áp lực không?
Em vẫn nghĩ, trên đời này sẽ không có việc gì không tồn tại áp lực, nhất là đối với những quyết định quan trọng. Thế nhưng, em lại hơi khác với mọi người ở chỗ càng áp lực thì em lại càng tập trung và cố gắng đạt được điều mình mong muốn.
Bên cạnh đó, rất may mắn cho em là hai nghệ sỹ, hai người anh lớn là Đăng Dương và Tùng Dương đều nhận lời tham gia với vai trò khách mời trong live-concert sắp tới. Anh Đăng Dương luôn nói: “Em đừng quá lo lắng. Điều quan trọng là em phải tập luyện thật kỹ. Khi mình kỹ bài, gửi được cảm xúc vào đấy sẽ không còn sợ nữa”. Trong khi đó, suốt thời gian chuẩn bị cho show, ca sĩ Tùng Dương luôn bên cạnh em như một người anh trai bảo ban cho em gái từng bước từng bước.
Thùy Dung tin rằng, bất cứ một ca sỹ opera nào ở Việt Nam cũng sẽ ước mơ được hát với một dàn nhạc giao hưởng “xịn” như Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời. Khi biết tin Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời sẽ đồng hành cùng mình trong live-concert “Trăng hát”, em vui sướng vô cùng, không có từ gì có thể diễn tả được cả. Bởi em không nghĩ mình sẽ được hát với một dàn nhạc mang tầm vóc quốc tế ngay trong live-concert đầu tiên của mình. Thành viên của dàn nhạc ấy đều là những nghệ sỹ giỏi trong nước và thế giới. Với em, đó vừa là điều may mắn, cũng vừa là động lực để cá nhân mình phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn.
Với sự đồng hành của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời cùng sự hỗ trợ của hai nghệ sỹ đàn anh nổi tiếng là Tùng Dương và Đăng Dương, em mong rằng live concert đầu tiên của mình sẽ thành công tốt đẹp, đồng thời góp sức nhỏ của mình mang âm nhạc cổ điển như một làn gió mới đến gần hơn với khán giả Việt.
– Xin cảm ơn Thuỳ Dung!
PV