Seatimes – Ngày 27/9/2023, tại Ninh Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lớp tập huấn “Kỹ năng truyền thông về di sản trong thời đại công nghệ số” cho hơn 60 phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo, tạp chí của Trung ương và địa phương. Đây là chương trình tập huấn rất thiết thực và hữu ích, bởi đã cung cấp những thông tin, tư liệu, kiến thức rất cập nhật; làm phong phú thêm nghiệp vụ làm báo thời đại số.
Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông Triệu Minh Long cho biết: Sự phát triển của các công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ tới cách thức truyền thông của các cơ quan báo chí truyền thống. Trong đó, truyền thông về di sản luôn cần phải cân nhắc, lựa chọn phương thức để nội dung, hình thức truyền thông hiệu quả hơn.
Với vai trò là Thường trực Tiểu ban Thông tin, thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lớp tập huấn này nhằm cung cấp thêm những giải pháp, kỹ năng truyền thông về di sản; tăng cường kết nối với các cơ quan báo chí để quảng bá các di sản UNESCO của Việt Nam và tận dụng các lợi thế của công nghệ trong công tác báo chí, truyền thông.
“Sau khi tham vấn nhiều cơ quan báo chí để tổ chức chương trình này, chúng tôi đã nhận được phản hồi là Ninh Bình. Đây là địa điểm vừa có di sản UNESCO, vừa là địa điểm gần Hà Nội và thuận tiện cho việc di chuyển. Đặc biệt, Ninh Bình có cảnh quan hấp dẫn, sự mến khách của người dân. Tôi tin tưởng, chương trình tập huấn sẽ trao đổi những kỹ năng truyền thông về di sản hữu ích, phục vụ nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp”. Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông Triệu Minh Long chia sẻ.
Đây là chương trình tập huấn rất thiết thực và hữu ích, bởi đã cung cấp những thông tin, tư liệu, kiến thức rất cập nhật; làm phong phú thêm nghiệp vụ làm báo thời đại số. Các phóng viên, biên tập viên tham dự tập huấn được giới thiệu, truyền đạt những nội dung chính:
1. Giới thiệu về di sản tại Ninh Bình.
2. Chia sẻ về kiến thức, kỹ năng làm báo trên các nền tảng báo chí hiện đại, đa phương tiện và sử dụng các công cụ số; xu hướng làm báo đa nền tảng; nâng cao hiệu quả truyền thông trên các nền tảng báo chí hiện đại.
3. Kỹ năng làm báo thông qua việc sử dụng các công cụ số (thiết kế bảng biểu, sơ đồ, infographics…); thực hành kỹ năng thiết kế sơ đồ, infographics sau khi tham quan, thực tế tại Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An (Ninh Bình).
Đặc biệt là bổ sung giải pháp, kỹ năng cho các nhà báo, phóng viên tuyên truyền về di sản, bảo đảm nội dung thông tin, hình thức truyền tải đa phương tiện cho sản phẩm báo chí; tối ưu hóa khả năng biểu đạt thông tin tới công chúng, tăng sức hấp dẫn, khả năng tương thích trên nhiều nền tảng số của các tác phẩm báo chí khi tuyên truyền về lĩnh vực di sản văn hóa.
Chia sẻ chuyên đề “Xu hướng làm báo đa nền tảng”, ông Vũ Thế Cường, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong truyền thông về di sản ở thời đại công nghệ số, nội dung đóng vai trò là vua, còn hình thức thể hiện được ví như nữ hoàng. Nếu chúng ta đầu tư tốt cho nội dung và hình thức thì sẽ gây ấn tượng rất lớn cho bạn đọc. Trong báo chí, longform là hình thức thể hiện của hiện tại, còn podcast là của tương lai”.
Chiều cùng ngày, các nhà báo, phóng viên trong đoàn tham gia chương trình tập huấn đã tham quan di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An để ghi hình, lấy tư liệu nhằm thực hành kỹ năng infographics và nộp bài thu hoạch.
Tổng quan về du lịch Ninh Bình
Ninh Bình nằm ở cực nam đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90 km về phía Nam, là vùng ranh giới của 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam; phía Đông giáp tỉnh Nam Định; phía Đông Nam giáp biển Đông; phía Tây, Tây Nam giáp tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Diện tích tự nhiên khoảng 1.386km2, dân số khoảng 952.000 người. Ninh Bình được biết đến là nơi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và môi trường sinh thái tự nhiên rất có giá trị.
Quần thể danh thắng Tràng An, di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới
Ninh Bình là một tỉnh không lớn nhưng có địa hình rất đa dạng: có núi, đồng bằng, vùng ven biển mang đầy đủ sắc thái của nước Việt Nam thu nhỏ. Với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình núi đá vôi đa dạng, hệ động thực vật phong phú đã hình thành nhiều khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn khách du lịch, nổi tiếng như: Tam Cốc – Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Khu du lịch sinh thái hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái, Vườn Chim Thung Nham, Thung Nắng, động Thiên Hà, vùng ven biển Kim Sơn, các suối nước khoáng nóng… Đặc biệt là Quần thể danh thắng Tràng An đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014, di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.
Không chỉ nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh đẹp, Ninh Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa với 1.821 di tích lịch sử đã được xếp hạng. Nơi đây là mảnh đất thiêng, từng là Kinh đô của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam tồn tại 42 năm (từ năm 968-1010) gắn liền với ba vương triều: Ðinh, tiền Lê và khởi đầu triều Lý. Hiện Ninh Bình sở hữu những di sản văn hóa – lịch sử rất có giá trị, là nguồn tài sản vô giá, tiêu biểu như: Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Bích Động, chùa Bái Đính, đền thờ Đức Thánh Nguyễn, đền Thái Vi…
Bên cạnh những di tích lịch sử văn hóa, Ninh Bình còn nhiều những giá trị phi vật thể nổi tiếng, như những áng thơ văn, những lễ hội, những làn điệu chèo, hát văn, hát xẩm và văn hóa ẩm thực…. Ninh Bình có đến 260 lễ hội, nhiều lễ hội đặc sắc được khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến như: lễ hội Hoa Lư (được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia), lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Tràng An, lễ hội Đền Thái Vi… Nơi đây cũng là đất tổ của nghệ thuật hát hát Xẩm, hát Chèo và của nhiều làng nghề truyền thống như: nghề điêu khắc đá Ninh Vân, gốm sứ Bồ Bát, nghề thêu ren Văn Lâm, nghề chiếu cói Kim Sơn…Với phong tục, tập quán văn hoá truyền thống lâu đời đã tạo nên nét độc đáo, hẫp dẫn đặc biệt trong văn hoá ẩm thực Ninh Bình với nhiều món ăn nổi tiếng như: Thịt Dê, Cơm Cháy, Rượu Kim Sơn, Nem Yên Mạc, Mắm Tép Gia Viễn, Bún Mọc Kim Sơn…
Những thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử văn hóa lâu đời và những món ăn ngon của vùng đất địa linh nhân kiệt này chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
Link tài liệu tham khảo: https://sodulich.ninhbinh.gov.vn/
Thùy Linh/theo tapchidongnama.vn