Chi phí của những vấn nạn (từ trái qua phải): Hút thuốc, Chiến tranh và xung đột vũ trang, Béo phì, Chứng nghiện rượu và Nạn mù chữ (đơn vị tính: nghìn tỷ USD). Ảnh: McKinsey
Một báo cáo mới của McKinsey (tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực tư vấn chiến lược kinh doanh) ước tính rằng sự béo phì tiêu tốn chi phí 2.000 tỷ USD/năm. Theo các chuyên gia, điều này khiến “vấn nạn” béo phì có tầm ảnh hưởng ngang ngửa với việc hút thuốc lá hay chiến tranh và xung đột vũ trang.
Hơn 2 tỷ người, chiếm gần 30% dân số toàn cầu, hiện nay đang được coi là rơi vào tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Vấn đề dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn. Dựa trên xu hướng hiện tại, gần một nửa số người lớn trên thế giới sẽ bị thừa cân hoặc béo phì vào năm 2030.
Cũng theo báo cáo của McKinsey, “béo phì có thể phòng ngừa được nhưng lại đang là nguyên nhân cho khoảng 5% số ca tử vong trên toàn thế giới”.
Tình trạng béo phì khiến người lao động mất dần năng suất làm việc, làm chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao hoặc thậm chí khiến người bị béo phì chết sớm.
Để giải quyết vấn đề này, chính phủ nhiều nước khuyến khích người dân đi xe đạp hoặc trợ cấp bữa ăn lành mạnh trong nhà trường.
Những “ông lớn” về thức ăn nhanh cũng đã triển khai những biện pháp thay đổi menu trong nhà hàng của mình.
Một ví dụ điển hình là hồi tháng 8, Burger King đã giảm hàm lượng calo trong món khoai tây chiên của thương hiệu này. Theo đó, món khoai tây chiên Satisfries mới được bán kèm với món chính, giảm 30% chất béo và 20% calo so vơí khoai tây chiên trước đây.