“Sát thủ diệt hạm” BrahMos – Ảnh: Reuters
Nguồn tin từ tờ The Economics Times (Ấn Độ) cho biết giai đoạn đầu chính phủ Ấn Độ sẽ xuất bán tên lửa siêu thanh BrahMos sang Đông Nam Á và Nam Mỹ.
Việt Nam, Indonesia và Venezuela đã bày tỏ mong muốn sở hữu loại tên lửa siêu thanh do Ấn Độ và Nga cùng hợp tác sản xuất này, theo nguồn tin từ The Economics Times.
Với biệt danh “sát thủ diệt hạm”, tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, do Nga và Ấn Độ cùng hợp tác sản xuất, được cho là có thể tiêu diệt mọi loại tàu chiến, theo hãng tin RIA Novosti (Nga).
BrahMos có tầm hoạt động lên đến 290 km và có thể mang theo đầu đạn thông thường với trọng lượng 300 kg. Tên lửa có tốc độ tối đa Mach 2,8 – tức nhanh gần gấp 3 lần so với tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ sản xuất.
Quân đội Ấn Độ đã thử nghiệm thành công phiên bản tên lửa BrahMos bắn trên biển và đất liền, đồng thời quân đội nước này cũng đã sử dụng loại tên lửa này.
Ấn Độ sẽ ký một thỏa thuận về cung cấp thiết bị quốc phòng cho Việt Nam nhân chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee vào ngày 14-17.9 tới, tờ báo Ấn Độ khẳng định.
Ngoài mối quan hệ quốc phòng tốt đẹp với Việt Nam, Ấn Độ cũng cùng chia sẻ quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ với Indonesia thông qua các đợt huấn luyện và tập trận chung, theo The Economics Times.
Thủ tướng Ấn Độ Modi mới đây đã tuyên bố Ấn Độ cần hướng tới khả năng tự chủ trong lĩnh vực sản xuất vũ khí, cũng như nhắm đến việc xuất khẩu vũ khí nội địa cho các nước bạn bè.
The Economics Times cho biết thêm rằng Ấn Độ cũng có thể xuất khẩu máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas, tên lửa phòng không Akash và Prahar, tất cả đều do nước này tự sản xuất.
Tejas là máy bay chiến đấu một động cơ hạng nhẹ đa nhiệm. Akash là tên lửa đất đối không có tầm bắn 25 km. Prahar là tên lửa có tầm hoạt động lên đến 150 km.
Nhiều quốc gia đã quan tâm đến các loại vũ khí này của Ấn Độ. The Economics Times dẫn lời các nguồn tin khẳng định vũ khí Ấn Độ rẻ hơn của Trung Quốc.
Đồ họa Thanh Niên Online – Nguồn: RIA Novosti
>>>Xem thêm: 5 loại vũ khí Ấn Độ khiến Trung Quốc lo ngại nhất