Sổ tay nhằm giúp các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ cũng như nắm được những vấn đề cơ bản về sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp.
Ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo các sở, ngành dán logo nhận diện nhãn hiệu tập thể Thanh trà Phong Thu tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
Thực hiện “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế”, năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ – Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ kiến kiến thức về sở hữu trí tuệ đến với doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ Chương trình, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã soạn thảo và ban hành “Sổ tay Hướng dẫn xây dựng, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ” nhằm giúp các tổ chức, cá nhân nắm được những vấn đề cơ bản về sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, từ đó có quyết định đúng đắn về chiến lược xây dựng, quản lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho tổ chức, cá nhân mình, đồng thời tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác.
Sổ tay Hướng dẫn xây dựng, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành.
Theo đó, cuốn Sổ tay do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép số 92/GP-STTTT ngày 28/12/2018 với số lượng gồm 500 bản in, khổ 14,5 x 20,5 cm, dày 60 trang, in tại Công ty TNHH MTV In và Thương mại Thiên Hải – 278 Đặng Tất, TP. Huế. Cuốn Sổ tay được xây dựng dưới dạng đặt vấn đề và trả lời một cách ngắn gọn, dễ hiểu trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành.
Kết cấu Sổ tay gồm các nội dung như: Lời giới thiệu, Phần I: Tổng quan về sở hữu trí tuệ; Phần II: Đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các đối tượng sở hữu công nghiệp; Phần III: Quản lý và khai thác tài sản trí tuệ; Phần IV: Bảo vệ tài sản trí tuệ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp; Tài liệu tham khảo; Mục lục và Phụ lục: Danh mục nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Sổ tay này đã cập nhật những nội dung mới nhất của hệ thống các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ như: Luật Sở hữu trí tuệ và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn để làm rõ lợi ích của việc đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, cuốn Sổ tay còn giúp các tổ chức, cá nhân cách thức tiến hành đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật”, ông Hồ Thắng – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thông tin.
Ông Hồ Thắng cho biết thêm, cuốn Sổ tay rất thiết thực cho những ai quan tâm đến sở hữu trí tuệ mà đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp như: các tổ chức nghiên cứu, triển khai; các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ; các học viện, các trường đại học; các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở địa phương và các tổ chức, cá nhân khác.
Đăng Vinh – Như Quỳnh