Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc hiện thực hóa được mục tiêu kiểm soát và phục hồi kinh tế không thể chỉ nhờ vào nỗ lực của một chính phủ hay một quốc gia đơn lẻ mà cần sự nỗ lực, chung tay vun đắp của tất cả 10 nước thành viên ASEAN cũng như bạn bè, đối tác
Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng điều rất quan trọng đối với khu vực chúng ta trong giai đoạn COVID-19 đầy khó khăn này là các chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan trong ASEAN tập trung triển khai Khuôn khổ phục hồi toàn diện đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 37.
ASEAN cũng cần tiếp tục triển khai các sáng kiến khác mà ASEAN đã thông qua với ba định hướng: Phục hồi, Số hóa và tính Bền vững, áp dụng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để thúc đẩy phục hồi xanh.
Khi khối ASEAN và các nước đối tác cùng chủ động, tích cực hợp tác để cùng hướng tới phát triển, ASEAN cần coi việc ứng phó COVID-19 và phục hồi kinh tế xanh là những mục tiêu quan trọng nhất để có thể mang lại lợi ích và những điều tốt đẹp cho tất cả thành phần kinh tế cũng như người dân trong khu vực.
Để hướng tới những mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực tái khẳng định tầm quan trọng của Chiến lược tổng thể ASEAN về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và việc đẩy nhanh sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai (ASEAN SHIELD) do Brunei đề xuất năm nay.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, xu hướng số hóa đang trở thành nhu cầu toàn cầu, trong đó có bao gồm cả khối ASEAN. Nắm bắt được xu hướng này, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 53 vào đầu tháng 9/2021 đã thông qua Lộ trình Bandar Seri Begawan (BSBR): Chương trình Nghị sự về chuyển đổi kỹ thuật số của ASEAN nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của ASEAN và hội nhập kinh tế số.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn Hội nghị – từ góc độ của doanh nghiệp và học giả – sẽ chia sẻ thêm những kinh nghiệm, bài học thực tiễn tốt nhất trong lĩnh vực số hóa, hỗ trợ cùng nhau áp dụng công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật để kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, cùng giúp nhau đào tạo kỹ năng và kiến thức về số hóa, qua đó khu vực ASEAN mới có thể đạt được việc chuyển đổi số thành công, biến ASEAN thành một cộng đồng sáng tạo và có sức cạnh tranh cao trong nền kinh tế thế giới.
Việc nắm bắt các cơ hội phát triển trong lĩnh vực kỹ thuật số có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường tăng cường kết nối, nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.
Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác để đẩy mạnh kết nối hạ tầng kỹ thuật số, bảo đảm hệ sinh thái kỹ thuật số cho tất cả các bên tham gia hướng tới khu vực phát triển kỹ thuật số đồng đều và bền vững; đồng hành cùng các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN cũng như các nước đối tác và nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất về chính sách, môi trường kinh doanh xanh để có thể tận dụng và tối đa cơ hội kinh doanh, đầu tư giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.
Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực tạo điều kiện thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đẩy mạnh phổ cập số, khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác và tạo điều kiện để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ cao theo hướng tăng trưởng xanh, tạo việc làm xanh đối với tất cả các thành phần kinh tế.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ mong muốn doanh nghiệp tiếp tục chung tay với chính phủ các nước ASEAN cùng đẩy lùi đại dịch, thúc đẩy phục hồi kinh tế bởi lẽ ASEAN rất cần sự năng động, chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thích ứng với tình trạng bình thường mới, tạo công ăn việc làm cho người lao động, cùng giúp bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân và tạo ra giá trị mới cho xã hội, cộng đồng.
ASEAN BIS được Hội đồng Tư vấn Kinh doanh (ASEAN BAC) tổ chức hằng năm liền kề với Hội nghị Cấp cao ASEAN. ASEAN BIS là nơi gặp gỡ của các tổ chức khu vực công và tư, các đại diện của chính phủ và ngành công nghiệp từ trong và ngoài ASEAN, ASEAN BIS còn là nơi đối thoại và kết nối, đẩy mạnh các sáng kiến về hợp tác và hội nhập kinh tế ASEAN.
Hội nghị cũng là nền tảng để thúc đẩy cũng như tìm ra những giải pháp thuận lợi hóa, phát triển công nghiệp, kinh doanh và đầu tư trong khu vực. ASEAN BIS thu hút bình quân từ 700 đến 1.000 doanh nghiệp đến từ các nước thành viên ASEAN, các đối tác đối thoại với ASEAN và phần còn lại của thế giới.
Ngoài ra, ASEAN BAC còn tổ chức Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN (ABA) thường niên để vinh danh các doanh nghiệp thành công và xuất sắc của ASEAN đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của ASEAN./.
PV