Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2014 (ADO 2014), 4,6% là con số ADB đưa ra đối với mức tăng trưởng dự kiến của khối Đông Nam Á trong năm nay. Đây là lần thứ hai ADB giảm mức dự báo đối với đà tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển của khu vực Đông Nam Á. Mức dự báo đưa ra trong tháng 7 là 4,7% và 5,0% vào hồi tháng 4.
Mặc dù cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2014 đối với Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Singapore, ADB lại nâng dự báo tăng trưởng của Malaysia đến 5,7% (từ 5,1%), do sự phục hồi trong xuất khẩu của quốc gia này.
Theo ADB, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2014 của khu vực Đông Nam Á đến từ sự phục hồi của một số nền kinh tế công nghiệp trong khu vực. Nguồn: Reuters (Ảnh minh họa)
ADB cho biết tăng trưởng ở Đông Nam Á có khả năng sẽ tăng tốc vào năm 2015 nhờ vào sự phục hồi kinh tế của một số nền kinh tế trong đó có Thái Lan, đạt mức tăng trưởng 5,3%. Con số này vẫn giảm 0,1% so với mức dự báo cũ đưa ra vào tháng 7 và tháng 4 là 5,4%.
Đối với toàn khu vực châu Á, ADB tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng cao: 6,2% trong năm 2014 trước khi tăng lên 6,4% năm 2015. Trước đó, năm 2013, khu vực này đạt tỷ lệ tăng trưởng 6,1%.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng ADB Shang-Jin Wei, một số quốc gia chịu ảnh hưởng lớn do sự giảm sút về nhu cầu tiêu dùng của nước ngoài. Mặc dù vậy, nền kinh tế toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn trên đà tăng trưởng bền vững trong năm 2014 và 2015 với ba nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Tuy nhiên, ông lưu ý các quốc gia này vẫn cần phải tăng cường cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo ADB dự báo, giá tiêu dùng của khu vực năm nay sẽ tăng 3,4% và tăng tiếp 0,3% trong năm 2015 nhờ sự ổn định của thị trường dầu và giá thực phẩm giảm.
Dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á đang phát triển 2014, 2015 (Bản cập nhật tháng 9/2014). Nguồn: ADB/Gafin
Đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á và đứng thứ 2 thế giới, ADB nhận định các biện pháp kích thích mục tiêu nhằm ổn định môi trường đầu tư đã giúp Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2014. Tính đến thời điểm hiện tại, chính phủ Trung Quốc đã triển khai biện pháp nới lỏng tiền tệ kết hợp các gói kích thích tài chính nhỏ nhằm duy trì đà tăng trưởng trong khi vẫn kiểm soát tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, sau khi tăng trưởng 7,4% trong 3 tháng đầu năm, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng 7,5% trong quý II.
ADB dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2014 trước khi giảm xuống 7,4% trong năm tới.
Trong khi đó, ADB lạc quan đối với kinh tế Ấn Độ khi Thủ tướng vừa đắc cử Narendra Modi cho biết sẽ quyết tâm theo đuổi cải cách, tạo ra tiềm năng phục hồi mạnh mẽ của đất nước Nam Á này. ADB duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ năm 2014 ở 5,5% nhưng nâng dự báo tăng trưởng năm 2015 lên 6,3%.