4 ngân hàng lớn quốc tế vừa nhận tội cố gắng thao túng tỷ giá hối đoái và 6 ngân hàng bị phạt tổng cộng gần 6 tỉ USD. Đây là kết quả giải quyết của đợt điều tra về các hành vi bóp méo thị trường ngoại hối vốn có khối lượng giao dịch lên đến 5.000 tỉ USD mỗi ngày.
Theo nhà chức trách Mỹ, thương nhân tại ngân hàng Citigroup, JP Morgan, Barclays và RBS đã thao túng tỷ giá đô la Mỹ và euro trong khoảng thời gian từ tháng 12/2007 đến 1/2013. Hôm 20/5, 4 ngân hàng này đã nhận tội âm mưu thao túng thị trường ngoại hối.
Các ngân hàng này đã cấu kết với các nhà môi giới để có thể can thiệp bất hợp pháp vào tỷ giá hối đoái của hơn 10 loại tiền tệ trên thị trường trong suốt 5 năm.
Ngân hàng JP Morgan và Citigroup là những ngân hàng lớn đầu tiên của Mỹ phạm tội hình sự trong nhiều thập niên trở lại đây.
Ngân hàng Barclays của Anh thì đối mặt với mức phạt cao kỷ lục là 2,4 tỉ USD vì ngân hàng này không tham gia vào đợt giải quyết với nhà chức trách Anh và Mỹ hồi tháng 11 qua. Ngân hàng Barclays cũng đã sa thải 8 nhân viên.
Khác với 4 nhà băng trên, UBS và Bank of America thì thoát tội hình sự ở vụ thao túng tỷ giá hối đoái. Song UBS vẫn bị buộc tội trong vụ thao túng lãi suất và phải nộp phạt 203 triệu USD. Nhà băng lớn nhất Thụy Sĩ cũng nộp thêm 342 triệu USD cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Reuters cho hay mức phạt dành cho UBS là thấp hơn so với dự kiến và điều này góp phần làm cổ phiếu ngân hàng tăng hơn 3%, lên mức cao nhất trong vòng 6 năm rưỡi.
Đối với Bank of America, ngân hàng này nộp phạt 205 triệu USD vì các hành vi không lành mạnh bóp méo thị trường tiền tệ.
Hiện các đơn vị chức năng đang tiếp tục điều tra thêm về phần mềm máy tính đã được sử dụng để giúp các ngân hàng này gian lận giá ngoại hối.