Công nhân Campuchia hô khẩu hiệu trong một cuộc ra mắt chiến dịch đòi tăng lương tại một khu công nghiệp nhà máy may tại Phnom Penh vào ngày 17/9. Hầu hết công nhân tham gia các cuộc biểu tình đều mặc áo thun màu cam in lo go "$ 177" hoặc cầm biểu ngữ in tuyên bố "Chúng ta cần mức lương 177 USD". Ảnh: Reuters
Khoảng 500 công nhân tham gia một cuộc biểu tình tại một nhà máy may tại khu công nghiệp ở Phnom Penh yêu cầu các khách hàng quốc tế, bao gồm GAP, Levi, H & M, Zara Puma nâng lương cơ bản lên 177USD/tháng, tăng 77USD so với mức lương cơ bản đang áp dụng.
"Mức lương hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống của công nhân", Ath Thorn, Chủ tịch Liên minh Đoàn kết dân chủ công nhân dệt may Campuchia, nói với AFP.
"Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được một mức lương phù hợp để cải thiện mức sống của người lao động", ông Thorn cho biết. Vị chủ tịch cho hay, công đoàn và người lao động sẽ tổ chức các cuộc biểu tình tương tự tại hơn 200 nhà máy trên toàn quốc.
Đáng chú ý, một điểm tập của các tay lính trang bị súng trường cũng xuất hiện gần các cuộc biểu tình, các nhân chứng trao đổi với AFP.
Chiến dịch được đưa ra vào thời điểm một cuộc đàm phán dự kiến sẽ diễn ra giữa chính phủ, công đoàn và chủ nhà máy vào cuối tháng này để thiết lập mức lương tối thiểu trong năm tiếp theo đối với ngành công nghiệp.
Được biết, tại Campuchia, tranh chấp về tiền lương, an toàn lao động trong ngành công nghiệp dệt may diễn ra thường xuyên và đôi khi phát triển thành bạo lực. Đầu tháng 9, một cuộc đàn áp công nhân đình công đã khiến ít nhất bốn người thiệt mạng.
Ít nhất 4 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình hồi tháng 1/2014 khi cảnh sát dùng súng AK-47 bắn đạn thật để dẹp đám đông biểu tình.
Hiện tại, các ngành công nghiệp FDI tại Campuchia thu hút khoảng 650.000 nhân công lao động và là một nguồn thu quan trọng đối với ngân sách nhà nước. Năm 2013, Campuchia thu về khoảng 5,5 tỷ USD tiền thuế đối với hàng dệt may xuất khẩu.
Tháng 5 vừa qua, các thương hiệu thời trang phương Tây cho biết họ đã chuẩn bị các yếu tố để nâng mức thù lao công nhân tại Campuchia nhằm tránh trường hợp dây chuyền sản xuất bị đình đốn do tình trạng bất ổn. Tháng 1 đầu năm, ngành công nghiệp Campuchia đã chứng kiến hàng loạt cuộc đình công bị đàn áp đẫm máu bởi lực lượng an ninh có vũ trang. Kết quả, mức lương tối thiểu đã được tăng lên mức 100 USD/tháng.
Theo các nhà hoạt động nhân quyền, ít nhất sáu nhà lãnh đạo công đoàn phải đối mặt với cáo buộc có liên quan đến hàng loạt cuộc đình công vào hồi đầu năm. Hai trong số họ đang phải chịu sự giám sát của tòa án nhằm cấm họ tham gia các cuộc họp với đoàn viên và các cuộc tụ họp công cộng.
Theo Reuters, mức lương thấp hơn trung bình giúp các quốc gia thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, những cuộc đình công về mức lương và điều kiện làm việc nổ ra liên tiếp và tính chất của các cuộc đàn áp của lực lượng an ninh có thể làm tê liệt ngành công nghiệp FDI của Campuchia, với nguy cơ trước mắt là việc giảm đơn hàng từ Gap, Nike, H & M Hennes & Mauritz và Zara do lo ngại về khả năng sản xuất của nhà máy.