Những toa xe chứa dầu nối dài trên đường ray ở Richmond, California, Mỹ. Ảnh: Bloomberg.
Hôm qua (9-2), ngân hàng Citigroup công bố một báo nói rằng, bất chấp sự phục hồi gần đây của giá dầu do các công ty dầu lửa cắt giảm đầu tư, sản lượng dầu của Mỹ vẫn đang gia tăng. Bên cạnh đó, theo báo cáo, Nga và Brazil cũng đang khai thác dầu ở mức kỷ lục, còn Saudi Arabia, Iraq và Iran đều cùng ra sức bảo vệ thị phần bằng cách cắt giảm giá dầu bán cho khách hàng châu Á.
Bản báo cáo nhấn mạnh, thị trường dầu đang thừa cung, và các kho chứa dầu của thế giới đều đáng tràn trề, nên chưa thể nói là giá dầu đã ngừng giảm.
Nhà phân tích Edward Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa cơ bản toàn cầu của Citigroup đánh giá, sản lượng dầu toàn cầu khó có thể giảm trước quý 3 năm nay. Bởi vậy, theo ông Morse, giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ có thể sẽ xuống mức 20 USD/thùng “trong một thời gian ngắn” trước khi chuyển sang hồi phục.
Theo báo cáo của Citigroup, giá dầu ở mức 45-55 USD/thùng là không bền vững và sẽ thúc đẩy các công ty dầu lửa tiếp tục cắt giảm đầu tư. Ngân hàng này dự báo, giá dầu sẽ phục hồi lên mức 75 USD/thùng vào quý 4 và sẽ trung bình ở mức 54 USD/thùng trong năm nay.
Với quan điểm tương tự, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm qua công bố một báo cáo nhận định, sự phục hồi của giá dầu thời gian tới là tất yếu, và tình trạng thừa mứa nguồn cung dầu sẽ bắt đầu giảm xuống từ nửa sau của năm nay.
Theo báo cáo của EIA, làn sóng cắt giảm đầu tư của các công ty dầu lửa và số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ giảm sẽ khiến sản lượng dầu của Mỹ tăng trưởng chậm lại, tạo đà cho giá dầu hồi phục.
Hôm qua, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau ở Mỹ tăng 2,3%, đóng cửa ở 52,86 USD/thùng. Giá dầu loại này đã phục hồi 19% kể từ mức thấp nhất gần 6 năm thiết lập vào tháng trước.
Giá xăng bán lẻ trung bình ở Mỹ hôm qua là 2,18 USD/gallon, so với mức thấp nhất gần 6 năm là 2,03 USD/gallon vào hôm 26-1. Cùng thời điểm này năm ngoái, giá xăng ở Mỹ là 3,28 USD/gallon.
Đặc biệt, theo nhận định mà Citigroup đưa ra trong bản báo cáo trên, cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ đã phá vỡ khả năng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) trong việc thao túng giá dầu và tối đa hóa lợi nhuận cho các nước sản xuất dầu.
“Rất khó để OPEC có thể quay trở lại với cách làm trước kia của họ”, Morse viết. “Nhiều cuộc khủng hoảng giá dầu trước kia đã từng được dự báo là ‘dấu chấm hết của OPEC’ [và điều đó đã không xảy ra], nhưng lần này mọi chuyện có thể sẽ khác”.