Sản phẩm của doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Việt Nam.
Doanh nghiệp FDI xuất siêu 17 tỉ USD
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, trong tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 150 tỉ USD kể trên, XK của nhóm hàng nông-lâm-thuỷ sản chiếm 14,8% KNXK, nhóm nguyên liệu và khoáng sản chiếm 6%, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỉ trọng cao nhất – 73,5%. Nhóm hàng này đạt KNXK 110,26 tỉ USD với các mặt hàng chủ lực quy mô XK lớn như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị phụ tùng…
Tuy nhiên, đóng góp vào KNXK phải kể đến khối các DN FDI với tổng KNXK 101,6 tỉ USD (kể cả dầu thô), trong khi khối các DN trong nước chỉ đạt phân nửa (48,44 tỉ USD). Cùng với đà tăng trưởng XK, tỉ lệ xuất siêu của các DN FDI cũng vượt trội so với DN trong nước khi xuất siêu tới 17 tỉ USD, trong khi DNVN nhập siêu 15 tỉ USD.
Dệt – may là một hiện tượng của năm nay khi đạt kim ngạch 24,46 tỉ USD, đặc biệt là cú bứt phá ngoạn mục vào thị trường Mỹ. Ông Lê Tiến Trường – TGĐ Tập đoàn Dệt – May VN (Vinatex) – cho biết: Riêng thị trường Mỹ, dệt-may VN vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số (đạt 9,8 tỉ USD), trong khi nhiều nước XK vào Mỹ chỉ tăng nhẹ, thậm chí tăng trưởng âm. Ông Trường khẳng định: Thị trường Mỹ năm 2015 dự báo còn tăng trưởng tốt hơn với việc XK dệt-may sẽ đạt trên 11 tỉ USD nhờ tác động tích cực từ các hiệp định FTA có hiệu lực.
DN FDI chủ yếu làm gia công và sử dụng lao động giá rẻ.
Năm qua, mặt hàng điện thoại di động và linh kiện cũng có mức tăng đáng kể với việc tổ hợp Samsung Việt Nam đưa vào vận hành 2 nhà máy mới tại Thái Nguyên, tổng KNXK chỉ tính riêng Samsung đã lên tới 28 tỉ USD. Hiện tổng số điện thoại mà Samsung sản xuất ở VN đã chiếm 35% số điện thoại Samsung trên toàn cầu.
Vẫn nhập siêu lớn từ Trung Quốc
Đánh giá về kim ngạch XNK năm nay, một quan chức Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, khối DN FDI đóng góp lớn vào KNXK của VN, nhưng tỉ lệ NK nguyên phụ liệu của khối này rất lớn. Nhiều DN FDI chưa thực hiện cam kết nội địa hoá sản phẩm như trong giấy phép đầu tư, nên chủ yếu hàng XK là hàng gia công, dựa vào thâm dụng lao động giá rẻ, chứ không đầu tư sản xuất linh-phụ kiện. Điều này sẽ khiến DN phụ thuộc chủ yếu vào thị trường cung cấp ở nước ngoài, sẽ làm cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động, làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá.
Bên cạnh đó, DN trong nước còn nhập khẩu một lượng không nhỏ các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ như ôtô, điện thoại di động… khiến tỉ lệ nhập siêu gia tăng mạnh. Ngoài ra, trong khi tăng trưởng XK vào các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản thì VN lại đang nhập siêu từ cây kim, sợi chỉ đến máy móc thiết bị, nguyên-vật liệu phục vụ XK từ nước láng giềng Trung Quốc, khiến nền kinh tế chưa giảm được bao nhiêu sự phụ thuộc vào thị trường này.
Năm 2015, Bộ Công Thương dự báo, khi các hiệp định FTA mà VN ký kết có hiệu lực, làn sóng đầu tư gia tăng mạnh sẽ tạo đà cho các DN tăng tỉ lệ nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên-phụ liệu phục vụ sản xuất, vì thế nhiều khả năng Việt Nam lại gia tăng nhập siêu.