Nhóm tổ chức cực đoan tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang chiếm quyền kiểm soát một phần lãnh thổ của Iraq và Syria. Với việc phát tán những đoạn video hành quyết các con tin dã man, IS một phần đã thành công trong việc truyền đi thông điệp của tổ chức và mặt khác lại tạo nên “sức hấp dẫn chết người” nhằm kêu gọi những phần tử cực đoan trên toàn thế giới.
Nhà báo người Mỹ James Foley
James Wright Foley là nhà báo tự do người Mỹ làm phóng viên đưa tin về cuộc Nội chiến Syria cho hãng thông tấn AFP và GlobalPost. Anh bị bắt cóc vào tháng 11-2012 ở miền Tây Bắc Syria và bị chiến binh thuộc nhóm tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo xử tử vào ngày 19-8-2014.
Trong bức thư cuối cùng gửi về gia đình, James viết: “Tôi vẫn nhớ những lần đến trung tâm mua sắm với bố, những chặng đường đạp xe rất dài với mẹ. Những kỷ niệm hạnh phúc bên gia đình giúp tôi giải tỏa tâm trí khỏi nhà tù này. Những giấc mơ về gia đình và bạn bè giúp tôi cảm thấy tự do và hạnh phúc tràn đầy trái tim”.
Nhà báo người Mỹ Steven Sotloff
Nhà báo Steven Sotloff, 31 tuổi, từng dành nhiều năm ở Trung Đông và có nhiều bài viết cho tờ Time và Foreign Policy. Đại diện của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo Mỹ cho biết, anh đã bị bắt cóc ở một khu vực ở Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8-2013.
Sau khi được nói những lời cuối cùng, nhà báo người Mỹ đã bị phần tử IS sát hại. IS tung đoạn video hành hình Sotloff vài tuần sau khi tổ chức này hành quyết nhà báo Mỹ James Foley.
Bạn bè và người thân mô tả Steven Sotloff là một người đàn ông tốt bụng, chu đáo và có tính tò mò. Anh đã đi khắp Trung Đông để viết bài về cuộc chiến tại Syria hay cuộc tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya.
Nhân viên cứu trợ người Anh David Haines
Ngày 13-9, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tuyên bố chặt đầu nhân viên cứu trợ người Anh David Haines. Đây là vụ hành quyết con tin man rợ thứ 3 của IS sau 2 vụ chặt đầu 2 nhà báo người Mỹ trước đó.
David Haines (44 tuổi) bị bắt cóc ở Syria vào tháng 3-2013 và từng bị dọa hành quyết trong đoạn video chặt đầu nhà báo Mỹ Steven Sotloff.
Ông Haines làm việc cho Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật và Phát triển (ACTED), một tổ chức cứu trợ từ thiện quốc tế. Ông từng tham gia cứu trợ ở Balkan, châu Phi cùng nhiều nước ở Trung Đông.
Cuối đoạn video ghi lại cảnh hành quyết, tên phiến quân nói rằng ông David Haines bị hành quyết do Thủ tướng Anh David Cameron đã cam kết vũ trang cho lực lượng người Kurd tại Iraq nhằm chống lại các tay súng Nhà nước Hồi giáo.
Nhân viên cứu trợ người Anh Alan Henning
Ngày 3-10, các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ sát hại nhân viên cứu trợ người Anh Alan Henning trong một video được công khai của tổ chức này. Hành động này là lời tuyên bố nhằm đáp trả việc nước Anh tham gia chiến dịch không kích của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Alan Henning (47 tuổi), cư trú tại Manchester (Anh), đã có hai con. Báo chí Anh nhận định anh chỉ là một tài xế taxi bình thường có trái tim nhân ái. Trên cánh tay anh có xăm chữ “Aid4Syria” là tên nhóm cứu trợ nhân đạo do bạn bè Hồi giáo của anh lập ra.
Anh bị bắt cóc vào tháng 12-2013 tại Syria giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trong khi đi theo đoàn xe chở hàng y tế đến trại tị nạn. Tài xế taxi Kasim Jameel thuộc nhóm tổ chức đoàn xe nói trên nhận xét: “Alan là người có lòng bác ái… Tôi có thể kể rất nhiều điều tốt Alan đã làm và cách thức mà người đàn ông không theo đạo Hồi này đã giúp đỡ những người Hồi giáo đau khổ trong xung đột Syria”.
Nhân viên cứu trợ người Mỹ Peter Kassig
Ngày 16-11, IS đã tung đoạn video tuyên bố chúng đã hành quyết anh Peter Kassig, một cựu binh Mỹ hiện đang hoạt động nhân đạo tại Syria. Peter Kassig là con tin người Mỹ thứ ba bị các phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết. Anh được gia đình và bạn bè nhớ đến là một người hết lòng với những người dân Trung Đông và anh tìm được ý nghĩa cuộc sống ở đây.
Kassig mới 26 tuổi. Cha mẹ Kassig cho biết anh bị bắt làm con tin từ tháng 10-2013, ở phía Đông Syria. Khi đó anh đang làm việc cho một tổ chức nhân đạo, cứu trợ những người Syria tị nạn.
Ngày 20-1, trong một đoạn video đăng tải trên một trang web, nhóm tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đe dọa sẽ giết chết hai con tin người Nhật nếu Tokyo không trả 200 triệu USD tiền chuộc trong vòng 72 giờ.
Haruna Yukawa và Kenji Goto là 2 người Nhật đến chiến trường Trung Đông đang sôi sục với 2 mục đích khác nhau. Goto là một nhà báo tự do đầy tâm huyết. Qua ngòi bút và hình ảnh báo chí, ông muốn thế giới quan tâm đến số phận đáng thương của trẻ em ở Iraq và Syria. Trong khi đó, Yukawa đi tìm một cơ hội mới để đổi đời.
Nhà thầu quân sự người Nhật Haruna Yukawa
Trong phần giới thiệu bản thân trên trang Facebook cá nhân, Yukawa là Giám đốc điều hành một “công ty quân sự tư nhân”. Những hình ảnh trên Facebook cho thấy ông đã ở Iraq và Syria. Một video còn cho thấy người đàn ông 42 tuổi này cầm một khẩu súng AK với dòng chú thích “Chiến tranh Syria ở Aleppo 2014”.
Theo Reuters, ông Yukawa đã đi vay mượn để sang Syria và mơ về việc cung cấp dịch vụ an ninh cho các công ty lớn của Nhật trong các khu vực xung đột, như ngoài khơi Somalia, sau khi nói với bạn bè và gia đình rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng để đổi đời.
Hôm 25-1, IS đăng tải đoạn video ghi lại cảnh con tin Kenji Goto cầm một bức ảnh trông giống như con tin Haruna Yukawa đã bị hành quyết.
Video dài ba phút cho thấy Goto cầm bức ảnh chụp thi thể đã bị lìa đầu, được cho là của ông Yukawa. Giọng nói thông báo IS hiện không đòi tiền chuộc nữa mà yêu cầu trả tự do cho Sajida al-Rishawi, một phụ nữ do al-Qaeda ở Iraq sai phái đánh bom tự sát để tấn công một khách sạn ở Jordan năm 2005.
Nhà báo người Nhật Kenji Goto
Ngày 31-1-2015, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã tung đoạn băng hình quay cảnh hành quyết con tin thứ hai của Nhật Bản là nhà báo Kenji Goto. Đoạn băng hình được đưa lên mạng gần một ngày sau khi thời hạn chót lần thứ hai trôi qua.
Trong một clip được quay không lâu trước khi ông quay lại Syria hồi cuối tháng 10, Goto cho hay, ông hiểu rõ những nguy hiểm của chuyến đi. Ông tuyên bố trong đoạn video rằng: "Dù bất kỳ điều gì xảy ra, đó cũng là trách nhiệm của tôi".
Goto bắt đầu làm phóng viên chiến trường tự do từ năm 1996. Với đức tính cẩn thận và đáng tin cậy, ông là gương mặt được nhiều kênh truyền hình Nhật Bản đánh giá cao.
Phóng viên Goto đã có vợ và con gái. Vào thời điểm Goto sang Syria để cứu ban, vợ của ông đã mang thai đứa con thứ 2.
Bạn bè Goto cho hay ông luôn tin rằng sẽ được đối xử khác so với các phóng viên Mỹ vì Nhật Bản không tham gia ném bom chống IS mà chỉ viện trợ nhân đạo.
Phi công người Jordan Moaz al-Kasasbeh
Tháng 12-2014, Trung úy Muath al-Kasasbeh thuộc Không quân Hoàng gia Jordan (RJAF) là sĩ quan đầu tiên của liên minh quân sự chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị nhóm khủng bố cực đoan này bị bắt giữ.
Ngày 3-2, những kẻ ủng hộ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) phát tán trên mạng xã hội những hình ảnh cho thấy viên phi công Jordan Moaz al-Kasasbeh bị chúng thiêu sống.
Truyền hình nhà nước Jordan xác nhận cái chết của anh và nói anh đã bị giết cách đây hơn một tháng (ngày 3-1).
Trung úy Muath al-Kasasbeh không chỉ là một phi công dũng cảm, mà còn là tín đồ Hồi giáo ngoan đạo. Anh đã bị IS sát hại khi tuổi đời mới 27, để lại người vợ trẻ mới cưới.
Những hành đồng sát hại con tin dã man của tổ chức cực đoan IS khiến mọi công dân yêu chuộng hòa bình đều cảm thấy căm giận và không thể tha thứ. Thủ tướng Anh David Cameron từng tuyên bố: "Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình” nhưng “chúng (IS) không phải là người Hồi giáo mà là những con quái vật".