Đóng vai
Tờ South China Morning Post ngày 20-1 cho biết, Xu Zengping đã trả cho Ukraine 20 triệu USD để mua tàu Varyag, song giá cả đã đội lên khi nó được kéo về Trung Quốc trong một quá trình bị trì hoãn suốt nhiều năm và chi phí vì thế tăng vọt.
Theo SCMP, Trung Quốc cân nhắc mua tàu sân bay từ năm 1992 song bị từ chối, chủ yếu là để tránh căng thẳng với Mỹ do những ký ức về sự kiện Thiên An Môn 3 năm trước đó vẫn còn quá mới.
4 năm sau, các quan chức hải quân Trung Quốc tiếp cận với Xu Zengping. Xu, vốn là một vận động viên bóng rổ của quân đội Trung Quốc, đã được chọn để đàm phán thương vụ mua tàu trong vai một doanh nhân muốn dùng con tàu này làm sòng bạc nổi ở Ma Cao và sau đó chuyển giao cho nhà chức trách.
Họ cảnh báo rằng hải quân thiếu quỹ và chính phủ thì không ủng hộ dự án này. Họ nói rằng Xu nên đặt cược vào sự thay đổi chính sách của chính phủ.
“Tôi chưa nhận được một xu từ chính phủ. Tôi chỉ bàn giao nó cho hải quân”, Xu nói với SCMP.
Sau nhiều năm được trang bị lại, con tàu đi vào hoạt động năm 2012, một bước ngoặt nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
"Đàm phán chìm trong rượu"
Bài báo của SCMP cũng nhấn mạnh mối quan hệ thân thiết giữa một số đầu nậu giàu có với quân đội Trung Quốc, vào thời điểm mà đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài đang bị tăng cường giám sát. Không rõ nguồn gốc tài sản của Xu ở đâu, mà anh ta chỉ được miêu tả là đặt văn phòng tại Hồng Kông, có lợi nhuận trong ngành bất động sản và du lịch, và anh ta có mong muốn thúc đẩy sự phát triển quân sự của Trung Quốc.
Thương vụ tàu Varyag hoàn thành năm 1999 giữa Xu với công ty đóng tàu Ukraine “trong vài ngày đàm phán chìm trong rượu” – tờ báo viết.
Xu cho biết, 4 động cơ của con tàu từ thời Xô Viết vẫn còn nguyên vẹn và được bôi mỡ kín vào lúc đó, trái ngược với những thông tin nói rằng con tàu lúc mua về chỉ có thân tàu và cấu trúc thượng tầng.
“Phía Trung Quốc cố tình đưa thông tin sai lệch về việc dỡ bỏ động cơ để Xu và xưởng đóng tàu dễ đàm phán hơn” – SCMP dẫn lời một nguồn tin hiểu rõ việc mua bán nói.
Nhưng Xu đã nhờ bạn bè cho vay hàng chục triệu USD để hoàn thành việc mua bán. Xu cho biết, hải quân từ chối trả lại tiền cho anh ta, với lý do họ “không có quỹ vào cuối những năm 1990 vì kinh tế Trung Quốc còn nghèo”.
Mặc cả
Tờ báo trích từ một cuốn sách được xuất bản tại Trung Quốc, nói rằng Xu “đã mặc cả với Hội đồng Nhà nước trong nhiều năm về việc trả lại tiền, nhưng Bắc Kinh chỉ trả 20 triệu USD tiền đấu giá”, nhưng cuốn sách không nói rõ khoản tiền này đã được trả hay chưa.
Tờ báo trích lời một nguồn giấu tên nói, Xu bị mắc nợ bởi các quan chức hải quân đề nghị anh ta tham gia thương vụ này hoặc đã chết, hoặc ngồi tù.
“Tôi được chọn để thực hiện giao dịch. Tôi nhận ra đó là một nhiệm vụ bất khả thi bởi mua thứ gì đó như tàu sân bay phải là một cam kết quốc gia, không phải bởi một công ty hay một cá nhân” – Xu nói. “Tôi không cảm thấy thực sự nhẹ nhõm cho tới khi nó được hải quân sử dụng chính thức 12 năm sau đó. Cảm giác giống như cuối cùng con tôi đã lớn lên và lập gia đình”.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 20-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói, bà “không biết về vấn đề này”.