PV Seatimes đã có cuộc trao đổi với đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bên lề Hội thảo “Thị trường EU- Cơ hội & Thách thức mới, nhu cầu từ một số thị trường tiêu biểu” do Cục Xúc tiến Thương mại (VietTrade) tổ chức tại Hà Nội sáng 24/9.
Một số thách thức đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu là gì, thưa ông?
Có một vấn đề là các nước đều muốn hướng tới giá trị gia tăng. Người ta tính rằng, giá trị gia tăng trong chuỗi nông sản từ cánh đồng đến bàn ăn, thì phần giá trị gia tăng lớn nhất nằm trong khâu chế biến sản phẩm. Nó nằm giữa khoảng 50-80% giá trị gia tăng toàn chuỗi. Khu vực nào cũng thế, đất nước nào cũng thế đều muốn giữ lại phần giá trị gia tăng để tạo ra nguồn lợi cho người dân. Châu Âu cũng rất muốn.
Như mọi người sẽ thấy, người ta sẽ cố gắng nhập sản phẩm thô, mới sơ chế của Việt Nam để tiếp tục chế biến thành thành phẩm có giá trị gia tăng lớn, bán cho thị trường Việt Nam; trong khi Việt Nam với định hướng của QĐ 89/TTCP về tái cơ cấu ngành nông nghiệp có xu hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững thì cũng muốn phát triển sâu về chế biến nông sản để tạo ra giá trị gia tăng dành cho người Việt.
Mâu thuẫn tương đối lớn trong thương mại nói trên đòi hỏi các biện pháp hài hòa của doanh nghiệp (DN) nói riêng và đàm phán tầm vĩ mô làm sao để hai bên cùng có lợi theo hướng tự động hóa từ khu vực này tới khu vực khác.
TS. Nguyễn Mạnh Dũng, đại diện Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Như ông có đề cập, hiện nay Việt Nam là một trong những nước có giá trị xuất khẩu (XK) chè thấp nhất thế giới. Lý do đằng sau việc này là gì, khi Việt Nam luôn tự hào như một trong những vựa chè nổi tiếng trên thị trường quốc tế?
Giá XK chè của chúng ta hiện nay đương nhiên là thấp, như chúng ta nói là thấp nhất thế giới. Có mấy vấn đề như sau, thứ nhất là vấn đề về chất lượng trong đó có tồn dư chất bảo vệ thực vật; một số sản phẩm có lượng tồn dư khá cao so với quy định của khu vực. Thứ hai là chúng ta chưa có một cơ cấu sản xuất sản phẩm phù hợp. Ví dụ, chúng ta lấy 80% sản phẩm phục vụ thị trường châu Âu là sản phẩm chè đen, trong đó người Việt Nam lại không dùng sản phẩm chè đen, trong khi chỉ 20% là chè xanh và chè ô long vốn là sản phẩm dùng trong nước.
Thứ ba, chúng ta vấp phải vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở chế biến với nhau. Việt Nam có khoảng gần 500 cơ sở chế biến chè quy mô khác nhau, nhưng chưa có sự liên kết nào giữa các cơ sở để tạo ra một giá bán thống nhất với đối tác nước ngoài. Giá càng ngày càng xuống tùy thuộc vào mối quan hệ giữa cơ sở sản xuất với đối tác kinh doanh nước ngoài. Đó là một sự cạnh tranh rất có hại cho DN chè nói riêng và DN Việt nói chung. Bài học này có thể bắt gặp rất nhiều, ví dụ, trước đây chúng ta XK sữa sang Hồng Kông, sau đó, giá bán từ 3-5 USD/kg sau xuống tới 1,8 USD/kg. Ngành cá tra hiện nay cũng đang gặp vấn đề như vậy.
Vậy từ những bài học trên, ông có lưu ý gì đối với DN trong vấn đề sản xuất để tăng giá trị XK?
Trước hết là các DN cần có chiến lược phát triển. Không có chiến lược phát triển không làm gì được. Thứ hai, cần cố gắng tạo dựng thương hiệu cho DN, cho sản phẩm; ở đây có hai loại, thương hiệu cho DN và thương hiệu cho sản phẩm. Khi có thương hiệu, người ta có quyền nâng giá trị cạnh tranh. Khi không có chiến lược phát triển, không có thương hiệu, chúng ta không làm được gì hết.
Thứ ba, khi muốn xâm nhập vào thị trường nào, chúng ta cần phải tìm hiểu và đáp ứng tất cả các yêu cầu của thị trường đó. Ví dụ, xuất khẩu sang thị trường EU, ngoài yêu cầu về chất lượng sản phẩm, chúng ta còn cần phải có trách nhiệm đối với xã hội, trách nhiệm đối với môi trường, trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Đó là những điều mà rất ít DN suy nghĩ tới. Có được những điều ấy, khi thâm nhập thành công EU vốn là thị trường khó tính thì các thị trường khác như ta đều có thể chủ động.
Nhìn chung đối với thị trường EU, Việt Nam chưa có sự chuẩn bị chu đáo về chất lượng sản phẩm và các yêu cầu về trách nhiệm đối với người tiêu dùng, đối với xã hội. Ví dụ, đối với sản phẩm bằng gỗ, khoảng tháng 10 hoặc đầu năm sau ký quy định FP thì các DN Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ các quy định về vấn đề minh bạch. Cho nên, có thể nói tóm tăt lại là các DN Việt Nam phải cố gắng cực kỳ nhiều mới có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường EU khi ký kết và tận dụng lợi thế của hiệp định FTA.
Xin cảm ơn ông.